Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh khối ngành công an, quân đội trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp ở Đà Nẵng - Ảnh: TR.TRUNG
Năm 2018, thí sinh sẽ có thêm nhiều thông tin tham khảo trước khi chọn ngành nghề đào tạo. Bộ yêu cầu tất cả cơ sở giáo dục ĐH phải công khai toàn bộ thông tin về tỉ lệ việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, các điều kiện đảm bảo chất lượng
PGS.TS Trần Anh Tuấn (phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT)
Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), các sở GD-ĐT Đà Nẵng, Thanh Hóa phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Đà Nẵng: sức hấp dẫn từ ngành công an, quân đội
Tại chương trình tư vấn ở Đà Nẵng, các thầy cô nhóm ngành công an, quân đội bị "vây" tứ phía bởi có quá nhiều thắc mắc từ thí sinh.
Bạn Trần Lê Duy Thông (quận Liên Chiểu) đặt câu hỏi về điều kiện tuyển sinh ngành công an và mong muốn tìm trường công an gần nhà.
Thiếu tá Trần Văn Anh (Phòng tổ chức cán bộ Công an TP Đà Nẵng) cho biết: điều kiện với thí sinh trong ngành là phải xếp loại học lực từ trung bình, hạnh kiểm từ khá trở lên, không lưu ban.
Tiêu chuẩn chính trị và thể chất theo quy định của Bộ Công an. Đối với nam phải cao từ 1,64m và nặng 48kg trở lên. Đối với nữ phải cao từ 1,58m và nặng 45kg trở lên.
Ngoài ra, theo thiếu tá Anh, căn cứ vào hộ khẩu thường trú, thí sinh dự thi theo luồng tuyển sinh: từ Quảng Trị vào Nam dự thi các trường trong ngành công an tại TP.HCM; từ Quảng Trị trở ra Bắc dự thi các trường tại Hà Nội.
Trả lời câu hỏi về điểm cộng, thiếu tá Anh giải thích: hiện nay, việc xét tuyển vào ĐH ngành công an không cộng điểm cho con em trong ngành như trước đây. Riêng trường hợp thí sinh đi nghĩa vụ 24 tháng về dự thi được cộng 2 điểm ở bậc ĐH, CĐ, trung cấp.
"Từ năm 2016, ngành công an chỉ tổ chức tuyển sinh cấp ĐH; các trường CĐ, trung cấp không xét tuyển mà chỉ dành cho thí sinh đi nghĩa vụ về thi".
Một thí sinh nữ hỏi: nếu dự thi các môn toán - lý - hóa, trong quân đội có những trường nào dành cho nữ? ThS Lê Mạnh Hùng (Học viện Phòng không - không quân, Bộ Quốc phòng) cho biết đối với nữ, có 3 trường dự thi gồm Học viện Quân y, Học viện Quân sự, Học viện KH-KT quân sự.
ThS Hùng lưu ý: "Vì chỉ tiêu hạn chế nên các thí sinh nữ chú ý năng lực của mình, nhóm này lấy điểm rất cao. Trong những năm qua, điểm trung bình các trường trên từ 27-29 điểm".
Thiếu tá Anh cũng cho biết thêm hiện nay số chỉ tiêu nữ của 7 trường trong lực lượng công an chiếm khoảng 10% các chỉ tiêu.
Thí sinh nêu câu hỏi cho ban tư vấn trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Thanh Hóa - Ảnh: CHÍ TUỆ
Thanh Hóa: băn khoăn chọn ngành
Khi Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng tuyển sinh, chỉ trong một khối ngành như kinh tế có đến hàng chục chuyên ngành gần nhau, đôi khi chỉ khác nhau một chữ, điều này đã khiến không ít thí sinh ở Thanh Hóa bối rối.
Trước nhiều câu hỏi của thí sinh "nên đăng ký bao nhiêu nguyện vọng?", PGS.TS Trần Anh Tuấn - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - khuyến cáo: việc đăng ký xét tuyển cần được cân nhắc kỹ lưỡng cả về số lượng và thứ tự nguyện vọng.
Ông Tuấn dẫn chứng trường hợp thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng nhất năm 2017 (với 48 nguyện vọng) đã không thể sử dụng hết giá trị của các nguyện vọng vì khi trúng tuyển nguyện vọng có thứ tự ưu tiên cao hơn, việc xét tuyển dừng ở đó.
Ông cũng "bật mí" lệ phí tuyển sinh năm 2018 có thể thay đổi, nên thí sinh càng phải cân nhắc việc đăng ký số lượng xét tuyển để tránh lãng phí không cần thiết.
Trong khi đó, giải đáp băn khoăn về cơ hội việc làm của giáo dục nghề nghiệp, ông Đào Văn Tiến - vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - khẳng định cơ hội việc làm của trường CĐ, trung cấp, sơ cấp rất cao.
Đó là do công tác triển khai đào tạo của các trường đều được gắn với việc làm sau đào tạo. Ngoài ra, cơ hội học tập của thí sinh là rất lớn vì tuyển sinh của giáo dục nghề nghiệp được thực hiện liên tục trong năm, chứ không chỉ tập trung 1 lần/năm như đa số trường ĐH.
Học gì, làm việc gì?
Cũng ở Thanh Hóa, tại khu tư vấn chuyên sâu khối ngành kinh tế, rất nhiều thí sinh cũng chia sẻ băn khoăn các em đã chọn học kinh tế, vậy bây giờ phải học quản trị kinh doanh hay quản lý kinh doanh? Tài chính ngân hàng khác với ngành quản trị kinh doanh thế nào?
Trả lời những thắc mắc này, TS Nguyễn Đào Tùng, trưởng ban đào tạo Học viện Tài chính, giải thích: kiến thức nền tảng chung cho cả khối ngành kinh tế chiếm đến 70%, còn kiến thức chuyên sâu của mỗi chuyên ngành chỉ chiếm 30%.
TS Tùng khuyên các thí sinh phải nắm vững kiến thức nền tảng, từ đó các em có thể linh hoạt lựa chọn học nhiều hơn ngành đã chọn ban đầu, chỉ cần bổ sung 30% khối lượng kiến thức/mỗi ngành.
Tại khu vực tư vấn kinh tế của chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp ở Thanh Hóa năm nay có mặt đủ các trường lớn trong khối kinh tế của Hà Nội như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương, Học viện Tài chính…
Đây là cơ hội rất tốt để nhiều thí sinh đang có ý định chọn học kinh tế có điều kiện tham khảo, cân nhắc các thông tin để xác định chính xác trường mình chọn học.
Tại khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ, độ thu hút kém hơn khối kinh tế nhưng câu hỏi phổ biến của nhiều thí sinh vẫn là "học cái gì và làm việc gì?" khi quan tâm tới các ngành kỹ thuật, đặc biệt là các ngành có nhiều trường cùng đào tạo.
Thành viên ban tư vấn tại nhóm ngành này có đại diện của các trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Hàng hải VN và ĐH Bách khoa Hà Nội. Đây là những trường có nhiều ngành tương đồng, các thầy cô đã rất vui vẻ chia sẻ với thí sinh những điểm tương đồng và khác biệt của mỗi trường.
Hào hứng với các gian hàng
Các sinh viên CLB nghệ thuật Trường ĐH Đông Á biểu diễn, thu hút đông đảo thí sinh Đà Nẵng đến xem - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Một trong những nét hấp dẫn của chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Đà Nẵng là việc thí sinh được tham gia những hoạt động thú vị ở các gian tư vấn.
Tại gian tư vấn của Trường CĐ CNTT hữu nghị Việt - Hàn, các thí sinh được cán bộ của nhà trường ký họa những bức chân dung khá đẹp. Một bạn gái thích thú cho biết: "Em đang muốn có một bức ký họa chân dung trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, nên em xin thầy vẽ cho mình một bức".
Phía trước gian tư vấn, nhóm CLB nghệ thuật của Trường ĐH Đông Á mang dàn nhạc, biểu diễn sáo, đàn, trống… càng lúc càng xôm tụ, khiến các thí sinh vô cùng hào hứng. Không chỉ vậy, sinh viên của Trường ĐH Đông Á còn mang đến chương trình tư vấn các sản phẩm nghiên cứu khoa học hấp dẫn như thạch rau câu 3D, khắc CNC laser trên gỗ để tặng thí sinh…
Một gian tư vấn khác cũng thu hút đông đảo thí sinh là Trường ĐH FPT. Trường này đã trang trí gian tư vấn rất bắt mắt. Đến đây, thí sinh không chỉ được tư vấn ngành nghề đào tạo của trường mà còn tham gia các trò chơi như xem phim 3D, chơi đàn organ… Một số trường cũng mang đến chương trình tư vấn những "đặc sản" của mình như trình diễn nghề pha chế bartender, thực hành lắp ráp máy tính…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận