29/09/2012 08:00 GMT+7

Kinh tế 2013: còn vất vả nhưng nhiều cơ hội

TRẦN MẠNH - ĐÔNG HÀ
TRẦN MẠNH - ĐÔNG HÀ

TT - Sau 3/4 chặng đường của năm 2012, có thể nhận thấy sự cải thiện tích cực của nền kinh tế VN. Nhưng nhìn tổng thể, kinh tế vĩ mô của VN năm 2012 sút kém rõ rệt so với 2011 và những năm trước.

fthq06Xz.jpgPhóng to
Ông Trần Đình Thiên (trái), viện trưởng Viện Kinh tế VN, và GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế VN, trao đổi bên lề diễn đàn - Ảnh: Đông Hà

Thông tin trên được đưa ra tại “Diễn đàn kinh tế mùa thu - kinh tế VN 2012, triển vọng 2013: đổi mới phân cấp trong cải cách thể chế” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Khoa học xã hội VN, Phòng Thương mại - công nghiệp VN (VCCI) và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đồng tổ chức.

Ám ảnh hàng tồn kho, nợ xấu

Mở đầu hội nghị, ông Nguyễn Văn Giàu, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khơi gợi: “Cần mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật. Trong tình hình mới hiện nay, chúng ta nên đưa mục tiêu nào lên hàng đầu: tăng trưởng hay ổn định kinh tế vĩ mô, hay song song thực hiện cả hai? Vấn đề an sinh xã hội, bức xúc xã hội xử lý như thế nào?”. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nền kinh tế nước ta bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc sau khi tốc độ tăng trưởng quý 1 rơi xuống mức thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, việc giảm mạnh nhập siêu đã cho thấy một thực trạng đáng lo ngại, đó là năng lực hấp thụ đầu vào của nền kinh tế bị suy giảm quá mạnh.

Theo TS Trần Du Lịch, hàng tồn kho, giống như nợ xấu, được coi là một “cục máu đông”, rất nguy hại cho lưu thông kinh tế. Ôm một khối lượng lớn hàng tồn kho, doanh nghiệp không thu hồi được vốn, không thể trả nợ ngân hàng, từ đó nợ xấu gia tăng. Năm 2012, tồn kho lớn kéo dài đang là yếu tố chính làm suy yếu hệ thống doanh nghiệp, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng phá sản hoặc đóng cửa. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm rõ rệt là một ví dụ, trong khi đây là lĩnh vực đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng chung, là động lực và đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.

TS Trần Đình Thiên cho rằng với một nền kinh tế đang “ốm yếu”, việc dư nợ tín dụng qua tám tháng đầu năm chỉ tăng 1,4% cho thấy một xu hướng bất bình thường đang diễn ra (không thể hấp thụ nổi vốn dù đang rất khát vốn). Tính bất thường này còn thể hiện rõ hơn qua sự kiện là đến hết tháng 6, tăng trưởng tín dụng vẫn chỉ đạt mức “âm”. Hoạt động cho vay mới bắt đầu phục hồi từ tháng 7 và tháng 8 nhưng rất yếu ớt. Nghĩa là quá trình “lưu thông máu” cho một cơ thể đang bị ốm đã bị đình trệ hầu như hoàn toàn suốt nửa năm. Một nền kinh tế cần vốn đầu tư mà bị cắt đứt khỏi dòng vốn thật sự là một nguy cơ đe dọa.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng nền kinh tế VN trong năm 2012 đã bùng nổ những vấn đề lớn liên quan đến đất đai, doanh nghiệp nhà nước, rủi ro của hệ thống ngân hàng. Việc điều hành chính sách kinh tế của VN những tháng đầu năm tuy có những dấu hiệu “đáng cổ động” nhưng chưa có gì nổi bật và chứa đựng rủi ro vì “động đến các nhóm lợi ích”. Do đó theo ông Thiên, “tình thế đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt, phải chuyển hướng cách nhìn, cách tư duy”.

Cứu doanh nghiệp để phát triển kinh tế

Các chuyên gia nhận định năm 2013 sẽ là năm tiếp tục “vất vả” về kinh tế nhưng cũng có cơ hội lớn cho sự chuyển hướng kinh tế. Theo TS Trần Du Lịch, khi sức khỏe của nền kinh tế - cả của khu vực doanh nghiệp lẫn của khu vực nhà nước - bị suy giảm mạnh thì nỗ lực kích cầu nhằm giải tỏa đống hàng tồn kho, từ đó vực dậy nền kinh tế thật sự là một bài toán khó, một thách thức lớn đặt ra cho Chính phủ.

Cũng tại diễn đàn, các đại biểu nêu lên thực trạng nợ xấu của nền kinh tế VN hiện nay, theo cách gọi của ông Thiên, là những “cục máu đông” với hơn 202.000 tỉ đồng nợ xấu, hàng tồn kho lớn, trong đó nhiều nhất là bất động sản. Dẫn số liệu cả nước có khoảng 70.000 căn hộ bị ế, ông Thiên tính toán: nếu mỗi căn hộ khoảng 2 tỉ đồng thì đã có 140.000 tỉ đồng bị “chôn” tại đây. “Vì hàng tồn kho nên doanh nghiệp không thu hồi được vốn, không thể trả nợ ngân hàng, từ đó nợ xấu gia tăng. Phải mất bảy năm may ra mới xử lý được những “cục máu đông này” - ông Thiên nói.

Ông Nguyễn Đình Cung, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng thực trạng này là hệ quả của việc theo đuổi quá nhiều mục tiêu. Trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế vừa qua, doanh nghiệp lớn vừa là tội đồ vừa là nạn nhân, còn doanh nghiệp nhỏ hoàn toàn là nạn nhân. Để cứu cả nền kinh tế, những doanh nghiệp lớn đầu tư sai lầm phải chết hoặc phải hi sinh quyền lợi của họ nhiều hơn nữa.

Về giải pháp cho nền kinh tế trong năm 2013 và những năm sắp tới, ông Trần Đình Thiên khẳng định phải giải tỏa các “cục máu đông”, phải xác định Nhà nước có bao nhiêu lực, khu vực tư nhân có thể làm gì. Để cứu hàng trăm ngàn doanh nghiệp đang khó khăn, có nguy cơ phá sản, ông Thiên kiến nghị chính quyền các cấp trả ngay cho doanh nghiệp các khoản nợ đọng công trình lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng, coi đây là giải pháp cơ bản để “cấp cứu” doanh nghiệp.

TS Trần Du Lịch cho biết điều quan trọng là làm sao bơm được tín dụng cho khối doanh nghiệp sản xuất đang cần vốn có năng lực sản xuất, đang có thị trường tiêu thụ. Nên mạnh dạn cho các doanh nghiệp có hàng tồn kho nhưng nhất thời lâm vào tình trạng nợ xấu được khoanh nợ, vay vốn mới để kinh doanh lấy lãi trả nợ cũ.

Hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản “ẩn”

Theo TS Trần Đình Thiên, nợ lớn, lãi suất cao, hàng tồn kho nhiều là “tam giác quỷ” đẩy đa số doanh nghiệp vào tình trạng cực kỳ khó khăn. Nó hình thành một cái “bẫy sụp đổ” mà nhiều doanh nghiệp không thể thoát ra. Chỉ trong năm 2011 và tám tháng đầu năm 2012, số doanh nghiệp phá sản và đóng cửa tăng vọt. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch - đầu tư, năm 2011 có 53.000 doanh nghiệp đóng cửa và phá sản; tám tháng đầu năm 2012 con số đó là 35.500, cộng cả hai năm chiếm đến hơn 40% tổng số doanh nghiệp đóng cửa kể từ khi đổi mới đến nay.

Tuy nhiên theo ông Thiên, các con số này, dù rất ảm đạm, vẫn chưa biểu thị hết mức độ khó khăn của các doanh nghiệp trong bức tranh kinh tế hiện nay. Chúng chưa tính đến một khía cạnh quan trọng khác của tình hình: số doanh nghiệp còn lại (chưa đóng cửa) đã và đang phải thu hẹp bao nhiêu công suất hoạt động và cắt giảm bao nhiêu việc làm? Mất việc làm nhiều dẫn tới sụt giảm thu nhập, kéo theo đó tổng cầu sẽ bị giảm lớn.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn (hiệu trưởng ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội):

Chuẩn bị điều kiện để tái cấu trúc

Có hai nhiệm vụ quan trọng trong những tháng còn lại của năm 2012, trong đó ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng nhất, bởi những tháng qua nền kinh tế có một số dấu hiệu ổn định nhưng nhìn dài hạn khó có thể chắc chắn khi lạm phát trồi sụt thất thường. Nhiệm vụ thứ hai là chuẩn bị các điều kiện để tái cấu trúc nền kinh tế. Cả tư tưởng và quan điểm, thể chế và bộ máy, các nguồn lực để tái cấu trúc chưa được rõ ràng mới có đề án nhưng chưa hoàn chỉnh, chưa thống nhất. Không có sự chuẩn bị tốt thì sẽ không có bước ngoặt trong phát triển vì giải quyết được vấn đề tư duy thì các vấn đề khác chỉ là vấn đề kỹ thuật, chỉ cần thời gian là giải quyết được.

___________________

FcfrV8ro.jpgPhóng to
Tăng trưởng GDP trong ba quý đầu năm 2012

Nhận diện sự khởi sắc

Xét về xu hướng và căn cứ chủ yếu trên các con số định lượng, có thể nhận thấy rằng nền kinh tế nước ta bắt đầu có những dấu hiệu được coi là khởi sắc sau khi tốc độ tăng trưởng trong quý 1 rơi xuống mức thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Trong quý 2 và quý 3 lạm phát giảm mạnh, tốc độ tăng trưởng GDP cao dần, nhập siêu thấp, dự trữ ngoại tệ tăng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2012 tăng chỉ 2,86% kể từ tháng 12-2011. Khả năng giữ lạm phát ở mức 7-8% cả năm là hiện thực. So với mức lạm phát hơn 18% của năm ngoái và so với mong mỏi nhiều năm là kéo được mức lạm phát xuống thấp, rõ ràng đây là một kết quả đáng kể.

Tăng trưởng GDP: dự đoán đạt 4,8% cho ba quý đầu năm và cả năm đạt 5,1-5,3%, thấp đáng kể so với các năm trước. Tuy nhiên, đối với mục tiêu luôn dành được sự quan tâm hàng đầu này, theo “thông lệ”, sự chú ý đang được hướng tới khía cạnh khác: nhấn mạnh xu hướng cải thiện tốc độ tăng trưởng GDP qua từng quý: quý 1 GDP chỉ tăng 4%, quý 2 nâng lên 4,66% và quý 3 dự đoán đạt 5,5% (Tổng cục Thống kê vừa công bố quý 3 đạt 5,35%).

Nhập siêu - mối quan ngại lớn của nhiều năm gần đây, căn bệnh kinh niên trầm kha của nền kinh tế - bỗng nhiên được “xử lý gọn”. Tính trong tám tháng đầu năm đã có mấy tháng đạt xuất siêu. Đây là một thành tích thật sự hiếm hoi suốt mấy chục năm đổi mới. Còn tính chung tám tháng, dù vẫn còn nhập siêu nhưng khối lượng giảm mạnh, chỉ còn 500 triệu USD. Đây thật sự là một “kỳ tích” nếu so với những con số nhập siêu cao ngất ngưởng cùng kỳ của các năm trước từ 4-8 tỉ USD.

Dự trữ ngoại tệ được cải thiện đáng kể. Lượng dự trữ ngoại tệ đã tăng gấp đôi so với đầu năm, mang lại sự bảo đảm an toàn cao hơn cho nền kinh tế.

Tổng cầu của nền kinh tế trong tám tháng đầu năm tuy chưa thật sự mạnh nhưng đã có chuyển động tích cực. Xu hướng này thể hiện ở mức tăng 17,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng dần trong năm 2012, từ mức tăng 6,5% so với cùng kỳ của sáu tháng đầu năm lên 6,8% qua tám tháng đầu năm.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực về “lượng”, trong nền kinh tế cũng bắt đầu triển khai một số cải cách mạnh nhằm vào hệ thống thể chế. Tháng 4-2012, Quốc hội đã ra nghị quyết không cho phép mở thêm khu công nghiệp mới.

Những nỗ lực cải cách nhằm thay đổi chất lượng thể chế như vậy vẫn còn ít, thậm chí có thể nói quá ít nếu so với yêu cầu tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng - những nhiệm vụ được xác định là cấp bách, rất cơ bản và mang tầm chiến lược. Thêm vào đó, những cải cách ít ỏi này vẫn mang đậm dấu ấn của cách phản ứng tình thế từ phía Chính phủ và khu vực kinh tế nhà nước trước áp lực thực tiễn gay gắt hơn là được diễn ra theo một chương trình hành động được thiết kế bài bản, hệ thống.

Song vượt lên những nghi ngại mang tính kỹ thuật chuyên môn, vấn đề tái cơ cấu đang được khởi động triển khai trên thực tế. Dù chưa thật sự liền mạch, chưa bảo đảm tính nhất quán, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch, nó đã chứng tỏ công cuộc tái cơ cấu, trọng tâm ở đây là tái cơ cấu đầu tư công, đang được khởi động thật sự và diễn ra đúng hướng. Công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại cũng đang được triển khai. Tuy tiến độ và kết quả ít được công khai, song những gì được ghi nhận cho thấy đã có những nỗ lực thực tiễn và kết quả bước đầu.

Đây là những tin tốt, những dấu hiệu tích cực đích thực của tình hình kinh tế tám tháng đầu năm. Không nghi ngờ gì, tình hình kinh tế - trên một số khía cạnh - đang được cải thiện so với đầu năm. Có vẻ như nền kinh tế VN đã qua cơn nguy kịch và đang bước vào quỹ đạo phục hồi. Và giống như nhiều năm trước, bài hát “lạc quan” bắt đầu được cất lên, tuy giọng điệu có phần nhẹ nhàng hơn.

Nhưng kinh nghiệm của chính năm trước cho thấy bài hát đó thường gây ra sự lạc quan quá mức, để sau đó nền kinh tế phải trả giá. Kinh nghiệm của những năm trước đây cho thấy những dấu hiệu tích cực như vậy vẫn còn quá ít để bảo đảm dự báo về một xu hướng chắc chắn tốt. Chúng cũng chưa đủ để tạo lập niềm tin vững chắc về sự hình thành “một cơ sở lành mạnh” cho xu hướng vươn lên của nền kinh tế năm 2013 và những năm tiếp theo.

TRẦN MẠNH - ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp