Chung cư Khang Gia Tân Hương, Q.Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại TP.HCM, nhiều chung cư có giá trị lớn, số tiền bảo trì chung cư lên đến hàng chục tỉ đồng. Và rất nhiều chung cư xảy ra tình trạng các thành viên trong ban quản trị chung cư hoặc chủ đầu tư tranh chấp, sử dụng không đúng mục đích, thậm chí chiếm dụng số tiền này.
Vì vậy Bộ Xây dựng đã có kế hoạch thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì của 31 chung cư ở TP.HCM và Hà Nội trong năm 2020.
Đủ kiểu tranh chấp
Chuyện từng xảy ra tại một chung cư cao cấp (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có tên trong danh sách kế hoạch thanh tra của Bộ Xây dựng năm 2020.
Các thành viên ban quản trị chung cư này tranh chấp nhau về việc chọn ngân hàng để gửi khoản kinh phí bảo trì chung cư hơn 60 tỉ đồng.
Việc tranh chấp sau đó bị đẩy đến chỗ các thành viên ban quản trị "tố" lẫn nhau lạm quyền sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư... Các cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý nhiều lần, sau đó hội nghị nhà chung cư bầu ban quản trị mới thì vấn đề mới tạm lắng.
Bà Phương Anh, thành viên ban quản trị của một chung cư cao cấp tại Q.Bình Thạnh, cho biết ban quản trị mới của chung cư này vừa được hội nghị nhà chung cư bầu lên, ban quản trị cũ sắp hết nhiệm kỳ.
Trong những ngày "cuối nhiệm kỳ", ban quản trị cũ tranh thủ ký rất nhiều hợp đồng sửa chữa, mua sắm, cải tạo cho chung cư. Nhiều hạng mục không cần thiết cũng được lên phương án vội vàng để thay thế, tân trang.
Đáng nói là những khoản chi tiêu này lấy từ kinh phí bảo trì chung cư và từ quỹ chung mà không được thông qua hội nghị nhà chung cư.
Nhiều người dân biết việc này là sai nhưng không biết phải nhờ cơ quan nào can thiệp kịp thời, phản ảnh thì ban quản trị phớt lờ.
"Thấy tiền của mình bị chi phung phí ai cũng xót mà không có cách nào ngừng lại được" - bà Phương Anh chia sẻ.
Theo quy định, khoản kinh phí bảo trì nhà chung cư sẽ được chủ đầu tư gửi vào tài khoản riêng và bàn giao cho đại diện cư dân sau khi cơ quan chức năng công nhận ban quản trị.
Mọi việc chi tiêu, sửa chữa, bảo dưỡng kinh phí lớn đều phải được hội nghị nhà chung cư thông qua. Việc gửi số tiền này ở ngân hàng nào cũng phải được hội nghị nhà chung cư biểu quyết và lựa chọn.
Tuy nhiên, tài khoản này lại đứng tên cá nhân các thành viên ban quản trị chung cư. Và hiện nay cũng chưa có quy định nào về việc xử lý cá nhân thành viên ban quản trị sử dụng kinh phí bảo trì sai mục đích, sai quy định.
Chủ đầu tư không bàn giao
Phổ biến nhất trong tranh chấp về kinh phí bảo trì vẫn là việc chủ đầu tư không bàn giao, bàn giao không đầy đủ hay cố tình không nộp kinh phí bảo trì diện tích thương mại, tầng giữ xe ôtô.
Nhiều năm nay, cụm chung cư Era Town (Q.7, TP.HCM) xảy ra mâu thuẫn liên tục giữa chủ đầu tư và cư dân về việc quản lý nhà chung cư.
Người dân cho rằng chủ đầu tư cố tình không tổ chức hội nghị nhà chung cư nhằm trì hoãn việc bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị để chiếm dụng.
Trong khi đó, chủ đầu tư và cả UBND phường Phú Mỹ cho rằng đã nhiều lần tổ chức hội nghị nhà chung cư nhưng không thành công do số lượng người dân tham dự ít và không có cư dân tham gia ứng cử thành viên ban quản trị.
Tương tự, chung cư Khang Gia Tân Hương (P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM) đã được đưa vào sử dụng gần 10 năm nhưng đến nay chủ đầu tư chưa bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư cho đại diện của cư dân.
Tháng 10-2018, Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Khang Gia, chủ đầu tư của chung cư này, có đơn xác nhận với ban quản trị chung cư cho rằng số tiền kinh phí bảo trì mà công ty còn giữ của cư dân là hơn 5,8 tỉ đồng.
Sau khi bị UBND TP xử phạt về hành vi chậm bàn giao kinh phí bảo trì, đại diện công ty hứa sẽ sớm bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị chung cư nhưng đến nay vẫn chưa giao.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, trưởng ban quản lý chung cư Khang Gia Tân Hương, cho biết đó là số tiền 5,8 tỉ đồng do người mua nhà đóng cho chủ đầu tư ban đầu.
Tuy nhiên số tiền đó chưa bao gồm lãi suất từ thời điểm đóng đến nay. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng chưa tính kinh phí bảo trì những diện tích do chủ đầu tư giữ lại không bán là các tầng thương mại, tầng hầm để xe ôtô...
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong năm 2018 sở đã nhận được phản ảnh của 31 ban quản trị nhà chung cư liên quan đến việc chủ đầu tư không chịu bàn giao kinh phí bảo trì chung cư.
Sở Xây dựng đã giải quyết 16 trường hợp và tham mưu cho UBND TP xử phạt nhiều chủ đầu tư vi phạm trong việc bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư.
Nhiều chủ đầu tư sau khi bị xử phạt không đóng tiền phạt cũng không bàn giao kinh phí bảo trì cho người dân chung cư. Chính điều này gây khó khăn, bức xúc cho ban quản trị cũng như cư dân sống trong các chung cư ấy.
Cần có bên thứ ba quản lý hộ
Một giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM đề nghị vẫn để chủ đầu tư thu phí bảo trì chung cư khi thu tiền mua căn hộ của khách hàng.
Trong hợp đồng mua bán căn hộ phải ghi rõ số tiền đóng phí bảo trì chung cư. Nếu khách hàng đóng tiền mua nhà qua ngân hàng thì ngân hàng phải trích phần kinh phí bảo trì chuyển vô một tài khoản riêng khác với tài khoản của chủ đầu tư và tài khoản này sẽ bị phong tỏa.
Nếu khách hàng đóng tiền trực tiếp cho chủ đầu tư thì tự nộp phần kinh phí bảo trì chung cư vô tài khoản riêng này.
Khi khách hàng mua nhà được ngân hàng xác nhận đã đóng kinh phí bảo trì chung cư thì chủ đầu tư mới giao nhà.
Khi nào chung cư có ban quản trị được Nhà nước công nhận thì ngân hàng sẽ chuyển giao tài khoản này cho ban quản trị chung cư.
Ngân hàng chỉ giải ngân cho ban quản trị khi khoản chi có đầy đủ các thủ tục quy định như đã được thông qua tại hội nghị nhà chung cư... Ngân hàng có thể thu phí dịch vụ quản lý hộ kinh phí bảo trì cho các nhà chung cư.
Sở Xây dựng TP.HCM cũng từng đề xuất để bên thứ ba thu hộ và giữ hộ phần kinh phí bảo trì nhà chung cư.
Bên thứ ba có thể là doanh nghiệp làm dịch vụ hoặc ngân hàng, hoặc kho bạc nhà nước. Thủ tục xuất tiền từ kinh phí bảo trì cũng phải chặt chẽ như giải ngân tiền ngân sách để tránh thất thoát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận