Theo TS Nguyễn Tô Lan, đây là bộ kinh Phật "Gia Hưng tạng" do Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tứ (danh thần đời chúa Nguyễn) mua và tặng chùa Thập Tháp vào khoảng năm 1735-1780 (cách đây gần 300 năm). Bộ kinh này gồm 1.377 cuốn, 479 bộ.
Bộ kinh Phật cực kỳ quý giá
"Trên Tạp chí Liễu Quán, số tháng 5-2021, hòa thượng Thích Không Nhiên, Thích Pháp Hạnh và cư sĩ Lê Thọ Quốc đã giới thiệu về một bộ Đại Tạng kinh còn nguyên vẹn tại chùa Thập Tháp. Đây là một bộ Gia Hưng tạng" - bà Lan cho hay.
Theo bà Lan, những năm gần đây, bà cùng PGS.TS Trần Trọng Dương ở Viện Nghiên cứu Hán - Nôm và GS Lý Quý Dân ở Đại học Thành Công Đài Loan và là giảng sư Đại học Phật Quang (Đài Loan) có cùng thực hiện nghiên cứu về kinh Phật "Gia Hưng tạng" với nhau.
"Khi nhìn thấy bộ kinh Phật này tại chùa Thập Tháp và so sánh với bộ "Gia Hưng tạng" tại Nhật Bản, GS Lý Quý Dân khẳng định đây chính là một bộ "Gia Hưng tạng" còn tương đối nguyên vẹn so với các nước và vùng lãnh thổ khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Đó là phát hiện rất quan trọng" - bà Lan nói.
Theo GS Lý Quý Dân, Đại Tạng kinh là một tập hợp các kinh điển của Phật giáo được chia làm 3 bộ phận: kinh, luận và luật.
Trong đó, kinh là những ghi chép lại lời giảng của Đức Phật; luận là những lời mà đệ tử thể hiện những hiểu biết của mình về lời Đức Phật nói và luật là những sách chỉ ra những người tu hành sẽ phải tuân thủ những hình thức như thế nào trong Phật giáo.
Trong Đại Tạng kinh có ghi chép lại hầu hết những nội dung về Phật giáo, kể cả những lời niệm hằng ngày của dân chúng. Đại Tạng kinh có nhiều phiên bản khác nhau. Bộ kinh Phật "Gia Hưng tạng" tại chùa Thập Tháp là một trong những bộ rất quan trọng của Đại Tạng kinh.
""Gia Hưng tạng" là bộ Đại Tạng kinh lớn nhất, đồ sộ nhất tính tới thời điểm này và có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với Phật giáo. Đặc biệt, trong bộ "Gia Hưng tạng" tại chùa Thập Tháp có phần ngữ lục. Đây là phần ghi chép lại lời của các vị tổ sư. Nó cực kỳ quý giá và đang được các học giả rất quan tâm" - GS Dân chia sẻ.
Đề xuất có giải pháp bảo tồn hiệu quả
TS Nguyễn Tô Lan cho biết ngoài bộ kinh Phật "Gia Hưng tạng", tại chùa Thập Tháp còn lưu giữ nhiều mộc bản có giá trị.
Theo thầy Thích Viên Quả, người đang làm công việc quản lý tại chùa Thập Tháp, bộ kinh Phật "Gia Hưng tạng" đang lưu giữ tại chùa có hàng trăm mộc bản (chất liệu gỗ mít), là những bản gỗ có kích thước khác nhau khắc chữ Hán tinh xảo, đậm nét, cùng nhiều cuốn kinh còn nguyên vẹn, chữ viết rất rõ ràng, ma két đẹp.
"Bộ "Gia Hưng tạng" này được xem như "pháp bảo" của Bình Định, Việt Nam và trên thế giới về lịch sử của Phật giáo. Trên thế giới không còn nhiều những bộ "Gia Hưng tạng" nguyên vẹn như thế này. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và có những đề xuất để tỉnh Bình Định có giải pháp bảo tồn và phát huy những thư tịch cổ quý hiếm này" - TS Nguyễn Tô Lan cho biết thêm.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang ở tỉnh Bình Định chia sẻ đây là những tư liệu rất quý giá, mong chùa Thập Tháp tiếp tục có phương án bảo vệ, gìn giữ cẩn thận.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định, Bảo tàng tỉnh Bình Định, UBND thị xã An Nhơn và UBND phường Nhơn Thành đã về chùa Thập Tháp để khảo sát, tìm hiểu và lên phương án phối hợp cùng nhà chùa gìn giữ bộ kinh "Gia Hưng tạng" này.
Chùa Thập Tháp (Thập Tháp Di Đà Tự) được lập vào thế kỷ XVII, là một trong những ngôi chùa cổ danh tiếng của tỉnh Bình Định nói riêng và ở miền Trung nói chung.
Chùa Thập Tháp đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào ngày 9-1-1990.
"Chúng ta nên bảo tồn và số hóa di sản độc đáo này. Việc bảo tồn phải thực hiện trên 2 phương cách. Thứ nhất đây là di sản sống nằm trong cộng đồng, trong chùa có đời sống tâm linh cần được bảo tồn nguyên trạng.
Thứ hai là cần phải thực hiện việc bảo tồn di sản theo hướng số hóa để nhân bản, quảng bá, nghiên cứu, phát huy kho tư liệu của chùa Thập Tháp đến với mọi người trong và ngoài nước" - PGS.TS Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán - Nôm) cho hay.
Trong khi đó, GS Lý Quý Dân cũng nêu quan điểm rằng "nếu bộ Gia Hưng tạng này được số hóa, đưa lên trang web, tôi nghĩ là không chỉ nhiều người tâm nguyện hành hương về nơi có bộ Gia Hưng tạng này, mà cả giới nghiên cứu Phật giáo khắp nơi cũng về đây nữa".
Ông lưu ý khi số hóa phải có vai trò của chuyên gia. Vì chuyên gia là người đề xuất ra phương án, giám sát kiểm tra, mở rộng các cơ hội khai thác đối với một di sản như thế này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận