Phóng to |
Lượng kính ngoại nhập khẩu vào VN được bán với giá rất thấp - Ảnh: Huỳnh Ngọc Dân - Đồ họa: T.N.K. |
Khảo sát thị trường kính xây dựng tại TP.HCM cho thấy các mặt hàng kính có xuất xứ từ Trung Quốc mặc dù phải chịu thuế nhập khẩu 40% nhưng có giá “mềm” hơn so với các loại kính trong nước và kính Thái Lan, Indonesia... có mức thuế suất 5%.
Hàng Trung Quốc rẻ nhất
Theo đại diện một công ty chuyên nhập khẩu và phân phối các loại kính xây dựng tại TP.HCM, gần đây các loại kính Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... được nhập về nhiều, nhưng rầm rộ nhất vẫn là các loại kính xuất xứ từ Trung Quốc. Giá kính Trung Quốc bán tại thị trường VN hiện không chỉ thấp hơn kính trong nước mà còn thấp hơn so với các loại kính nhập khẩu trong khu vực ASEAN. Chẳng hạn, kính trắng 5 li có xuất xứ từ Trung Quốc nếu bán theo nguyên tấm (tấm nhỏ nhất khoảng 3,25m2), giá bán lẻ tại các cửa hàng dao động từ 90.000-120.000 đồng/m2 (thấp hơn năm 2008 khoảng 10.000 đồng/m2 tùy từng loại).
Trong khi hàng sản xuất cùng loại trong nước có giá từ 160.000-180.000 đồng/m2, hàng Thái Lan khoảng 190.000 đồng/m2, hàng Indonesia khoảng 200.000 đồng/m2...
Chủ một tiệm kính trên đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình cho hay ưu thế giá rẻ của kính Trung Quốc khiến các loại kính xây dựng có xuất xứ từ nước này nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường TP.HCM. Đặc biệt, kính Trung Quốc đa dạng về chủng loại, từ kính màu, kính trắng, các loại kính trang trí khá bắt mắt... và nhìn bề ngoài cũng na ná với kính sản xuất trong nước nên được nhiều người chọn mua. Riêng các tiệm bán lẻ sản phẩm nhôm, kính, cửa kính... cũng thích nhập mặt hàng kính Trung Quốc do lời hơn các loại khác tới 6.000-7.000 đồng/m2.
Nhà máy phải tạm dừng sản xuất
Chất lượng phập phù Một người chuyên bán lẻ các sản phẩm kính xây dựng cho biết, khi nhập các loại kính ngoại, họ vẫn nhận được hóa đơn chứng từ đầy đủ từ các đại lý phân phối. Nhưng nhiều khả năng cho thấy các loại kính ngoại đã bị “khai man” về độ dày, giá nhập khẩu để trốn thuế, nhờ vậy mới có giá rẻ. Riêng kính Trung Quốc có loại làm thiếu độ dày, ví dụ loại kính 5 li nhưng có thể chỉ khoảng 4,5-4,7 li và mặt hàng này thường giòn, kém hơn về chất lượng so với hàng nội địa và các loại ngoại nhập khác. |
Theo ông Trần Quốc Thái - chủ tịch Hiệp hội Kính và thủy tinh VN kiêm phó tổng giám đốc Tổng công ty Thủy tinh và gốm xây dựng (Viglacera), kính ngoại tràn ngập VN từ năm 2008 nhưng gia tăng mạnh từ đầu quý 2-2008 đến nay.
Trong số tám nhà máy sản xuất kính của hiệp hội thì Công ty TNHH Công nghiệp kính VN của Tập đoàn Nippon Sheet Glass (Nhật Bản) đang tạm dừng sản xuất hoàn toàn. Riêng Nhà máy kính Đáp Cầu (thuộc Viglacera) và Nhà máy kính Kiến An (Hải Phòng) mỗi nơi đang tạm dừng một dây chuyền sản xuất kính. “Phải mất gần hai tháng các doanh nghiệp đứng đơn mới tập hợp xong số liệu của hồ sơ nộp Cục Quản lý cạnh tranh đề nghị tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ cho các nhà sản xuất kính trong nước” - ông Thái cho hay.
Để đứng ở thế nguyên đơn, các công ty gồm Công ty kính nổi Viglacera, Công ty Kính nổi VN và Công ty TNHH Công nghiệp kính VN đã phải thu thập và xử lý đầy đủ thông tin theo luật định trong thời gian ngắn nhất do tình hình thị trường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
Theo ông Thái, một trong những lý do chính làm kính nổi nhập khẩu bán rẻ hơn kính sản xuất trong nước là xuất phát từ đặc thù của ngành sản xuất kính nổi, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, hoạt động của lò kính phải liên tục...
Vì vậy, các nhà sản xuất kính đều áp dụng một chính sách marketing khá giống nhau: nếu lượng cung vượt quá nhu cầu nội địa, buộc phải xuất khẩu ra thị trường nước ngoài và duy trì công suất tối đa nhằm giảm giá thành sản phẩm. Kết quả là trong ngành kính luôn tồn tại chính sách hai mức giá: giá bán trong nước và giá để xuất khẩu. Trong khi giá bán nội địa thường luôn ổn định ở mức hợp lý thì giá kính xuất khẩu ra nước ngoài biến động liên tục và thấp hơn giá bán trong nước.
Ngoài lý do về chính sách giá nêu trên, theo ông Thái, tình trạng gian lận thương mại, chủ yếu diễn ra ở phía Bắc thông qua hình thức khai giảm số lượng nhập khẩu, mập mờ mã hàng chịu thuế suất... đã khiến số lượng kính nhập khẩu vào VN tăng mạnh.
Chưa ngã ngũ
Dù pháp lệnh về cạnh tranh, tự vệ, chống bán phá giá đã có từ năm 2002 nhưng đây là lần đầu tiên doanh nghiệp sản xuất mới dùng đến để bảo vệ chính mình. Theo một cán bộ của Cục Quản lý cạnh tranh, về mặt nguyên tắc, trong vòng sáu tháng kể từ khi ra quyết định tiến hành điều tra, Bộ Công thương sẽ ra quyết định có áp dụng biện pháp tự vệ hay không. Theo quy định, biện pháp tự vệ được áp dụng khi lượng hàng nhập khẩu tăng đột biến khiến doanh nghiệp sản xuất “không đỡ được”. Nhưng đổi lại, Bộ Công thương phải cho một mặt hàng nào đó đối với các nước có liên quan xuất khẩu vào VN.
Trong thời hạn tiến hành điều tra, nếu xét thấy lượng hàng nhập khẩu tiếp tục tràn vào gây thiệt hại, Bộ Công thương có thể ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trước khi ban hành quyết định chính thức. Và biện pháp này không được kéo dài quá 200 ngày. Theo các chuyên gia, vụ việc này chưa biết sẽ ngã ngũ theo hướng nào bởi nếu các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu kính các nước chứng minh được hàng của họ vào VN cạnh tranh bình đẳng, với giá bán hợp lý hơn so với các nhà sản xuất kính nội địa... thì sẽ khó có thể áp dụng mức như phía nguyên đơn đề nghị.
Kiến nghị áp dụng mức thuế tuyệt đối Phía nguyên đơn kiến nghị Bộ Công thương áp dụng mức thuế tuyệt đối 0,6 USD/m2 đối với kính nhập khẩu (không phân biệt xuất xứ) trong thời gian bốn năm ở mức “áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu”. Tuy nhiên, trong khi chờ cơ quan có kết luận cuối cùng, nguyên đơn đề nghị áp dụng ngay biện pháp tạm thời: thuế nhập khẩu chung đối với kính nổi là 40% (không phân biệt nước xuất khẩu) trong thời gian 200 ngày. Điều này có nghĩa ngoài mức thuế suất thông thường đang áp dụng trong khu vực ASEAN là 5%, ngoài khu vực ASEAN là 40%, kính nổi nhập khẩu phải cộng thêm 40% thuế suất cho mỗi lô hàng khai báo nhập khẩu vào VN. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận