22/09/2024 11:30 GMT+7

Kinh nghiệm tái thiết sau thiên tai của Nhật Bản

Nhật Bản, với địa hình dốc và khí hậu khắc nghiệt, đã đối mặt không ít thảm họa thiên tai. Song theo thời gian, quốc gia này cũng đã trở thành một hình mẫu trong việc phát triển các giải pháp nhằm tái thiết và giảm thiểu tác động của thiên tai.

Kinh nghiệm tái thiết sau thiên tai của Nhật - Ảnh 1.

Đập Kurobe là ví dụ điển hình về sử dụng năng lượng thủy điện và điều tiết nước - Ảnh: Kurobe-dam.com

Những kinh nghiệm vô giá của người Nhật có thể trở thành nguồn thông tin tham khảo hữu ích cho Việt Nam trong công tác chuẩn bị và ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

Ngăn lũ lụt, chống sạt lở

Một trong những giải pháp quan trọng mà Nhật Bản đã phát triển để quản lý lũ lụt và điều tiết nước là xây dựng hệ thống đập đa chức năng. Ví dụ điển hình là Kurobe, một trong những đập nổi tiếng nhất tại Nhật, không chỉ có nhiệm vụ sản xuất điện mà còn đóng vai trò điều tiết nước hiệu quả, giúp giảm thiểu nguy cơ lũ lụt.

Điểm đặc biệt của con đập này là được trang bị hệ thống kiểm soát tự động, cho phép điều chỉnh lưu lượng nước một cách chính xác dựa trên dữ liệu thời tiết và mực nước sông.

Ngoài ra Nhật Bản cũng áp dụng công nghệ điều tiết lưu lượng nước tại các đập thủy điện và hệ thống sông ngòi. Công nghệ này dựa trên việc tích hợp hệ thống cảm biến để theo dõi dòng chảy của nước.

Nhờ vào dữ liệu thu thập được từ cảm biến, nhà quản lý có thể điều chỉnh kịp thời lưu lượng nước, đảm bảo không xảy ra những biến động bất ngờ. Điều này đặc biệt hữu ích trong quản lý đập thủy điện, kênh dẫn nước và hệ thống sông ngòi để giảm thiểu nguy cơ lũ lụt hoặc hạn hán.

Bên cạnh đó họ đang áp dụng công nghệ sinh thái nhằm phục hồi và bảo vệ môi trường sau thiên tai bằng cách xây dựng các hồ điều tiết có khả năng chứa nước mưa tạm thời, cánh đồng ngập tự nhiên và khu vực bờ sông được thiết kế đặc biệt để hấp thụ nước lũ. Những giải pháp này không chỉ giảm áp lực cho hệ thống đập và sông ngòi, mà còn giúp duy trì đa dạng sinh học và ổn định hệ sinh thái địa phương.

Cùng với các giải pháp về điều tiết nước, Nhật Bản cũng đã áp dụng thành công các tường chắn và rào cản để giảm thiểu nguy cơ sạt lở đất tại những khu vực có địa hình dốc.

Sau trận động đất mạnh tại Minamiaso, Kumamoto vào năm 2016, chính quyền địa phương đã nhanh chóng tiến hành tu sửa và xây dựng lại hàng loạt tường chắn chống sạt lở. Các tường chắn này được thiết kế tối ưu với việc sử dụng bê tông cốt thép và vật liệu hấp thụ động năng, giúp chúng chịu được lực tác động mạnh và ngăn chặn các vụ sạt lở đất trong những trận mưa lớn.

Thống kê cho thấy thiệt hại từ các trận mưa lớn tiếp theo đã được giảm đáng kể, tỉ lệ thiệt hại tại những khu vực có thi công ổn định mái dốc đã giảm hơn 70% so với các khu vực bình thường. Điều này chứng minh rằng việc đầu tư vào hệ thống tường chắn sạt lở là vô cùng cần thiết để bảo vệ người dân và tài sản khỏi nguy cơ thiên tai.

Đối với Việt Nam chúng ta, việc đầu tư vào các tường chắn sạt lở tại những khu vực miền núi có nguy cơ cao như vùng Tây Bắc và miền Trung là rất cần thiết. Giải pháp này không chỉ giúp bảo vệ an toàn cho người dân, mà còn có tác dụng ổn định đất đai trong dài hạn, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của địa phương.

Tuy nhiên để tối ưu hiệu quả của giải pháp này, điều quan trọng là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các chuyên gia và cộng đồng trong việc xác định những khu vực nguy hiểm và tính toán, thiết kế các cấu trúc phù hợp với từng địa hình.

Kinh nghiệm tái thiết sau thiên tai của Nhật - Ảnh 2.

Sơ đồ về hệ thống cảnh báo J-Alert tại Nhật Bản - Đồ họa: LÊ LONG

Ứng phó nhanh khi xảy ra thảm họa

Một trong những yếu tố góp phần vào sự thành công của Nhật Bản trong công tác ứng phó với thiên tai là hệ thống cảnh báo J-Alert. Hệ thống này giúp truyền tải thông tin khẩn cấp đến người dân một cách nhanh chóng và hiệu quả, đặc biệt trong những tình huống không có nhiều thời gian để ứng phó như động đất, sóng thần hay thảm họa tự nhiên khác.

Thông tin được phân phối qua các kênh truyền thông như tin nhắn điện thoại, truyền hình và hệ thống phát thanh công cộng. Hệ thống cũng hướng dẫn người dân cách lánh nạn và cung cấp thông tin về các địa điểm trú ẩn ở gần nơi mình nhất. Điều này giúp người dân nhanh chóng nắm bắt tình hình và biết cách tự bảo vệ bản thân.

Việt Nam có thể áp dụng các mô hình cảnh báo tương tự, như phát triển hệ thống cảnh báo thiên tai qua điện thoại di động và truyền hình. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những vùng dân cư ven biển và các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và bão.

Phát triển hạ tầng bền vững

Nhật Bản cũng đã đầu tư rất lớn vào việc phát triển hạ tầng bền vững nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Sau trận động đất khủng khiếp năm 1995, thành phố Kobe đã quyết định tái thiết với những công trình hạ tầng kiên cố, có khả năng chống chịu tốt hơn trước động đất và lũ lụt.

Họ không ngại chi tiêu nhiều hơn 15% so với hạn mức dự kiến để đảm bảo các công trình đạt tiêu chuẩn cao về độ an toàn, giúp giảm thiểu hơn 40% chi phí bảo trì trong vòng 20 năm sau đó.

Ngoài ra thành phố Sendai sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng năm 2011 cũng đã áp dụng kế hoạch tái thiết bền vững với mục tiêu xây dựng các khu đô thị có khả năng chống chịu tốt hơn trước thiên tai.

Các khu dân cư được cải tiến hệ thống thoát nước, các công trình xây dựng đều được thiết kế để chống chịu được sức ảnh hưởng của động đất và lũ lụt. Kết quả là Sendai đã nhanh chóng hồi phục và trở lại phát triển sau thảm họa.

Việt Nam có thể tham khảo các mô hình này, đặc biệt là trong việc xây dựng và cải tiến hạ tầng đô thị tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, để bảo vệ người dân và tài sản trước các mối đe dọa từ thiên tai.

Qua những ví dụ trên, có thể thấy việc Nhật Bản chọn đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững và các giải pháp tái thiết sau thiên tai đã là bước đi thông minh, mang lại lợi ích dài hạn. Việt Nam có thể học hỏi từ những kinh nghiệm này để xây dựng những chiến lược phòng chống thiên tai hiệu quả hơn.

Việc hợp tác với các quốc gia có kinh nghiệm, cùng với việc áp dụng các công nghệ hiện đại, sẽ giúp chúng ta bảo vệ được môi trường sống và phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Tính tới thời điểm này của năm 2024, Nhật Bản đã đối mặt với nhiều thiên tai nghiêm trọng như trận động đất ở bán đảo Noto vào ngày 1-1, mạnh đến 7 độ, khiến hơn 240 người thiệt mạng và thiệt hại lớn về tài sản.

Trong tháng 8, nhiều trận động đất khác đã xảy ra ở các tỉnh như Kanagawa, Ibaraki và Miyazaki do ảnh hưởng của dãy nứt Nankai.

Nhật Bản cũng chịu nhiều cơn bão lớn: bão số 5 (9-8), bão số 7 (15-8) và bão số 10 (27-8). Sức gió mạnh và mưa lớn đã gây ra tổn thất đáng kể về nông nghiệp, với tổng thiệt hại ước tính hàng triệu USD.

Kinh nghiệm tái thiết sau thiên tai của Nhật - Ảnh 3.Kinh nghiệm giúp người Nhật vượt qua thiên tai

Trận động đất mạnh 7,6 độ xảy ra hôm 1-1 ở bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa và các khu vực lân cận thuộc miền trung Nhật Bản một lần nữa khiến thế giới cảm phục tinh thần kiên cường và chủ động ứng phó thiên tai của người dân đất nước Mặt trời mọc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp