13/01/2025 10:22 GMT+7

Kinh hoàng rác nhựa ngập tràn - Kỳ cuối: Chống rác thải nhựa cần nhiều giải pháp đồng bộ

TÂM LÊ
và 1 tác giả khác

Nhiều công ty sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút, cốc, thìa, hộp... nhưng lại lập lờ trong việc phân biệt nhựa phân hủy sinh học hoàn toàn với nhựa tự hủy OXO.

Kinh hoàng rác nhựa ngập tràn - Kỳ cuối: Chống rác thải nhựa cần nhiều giải pháp đồng bộ - Ảnh 1.

Sản phẩm nhựa sử dụng một lần gây ô nhiễm như ly, muỗng, ống hút nhựa này có giá rất rẻ nên được nhiều người chưa có ý thức bảo vệ môi trường chọn dùng - Ảnh: THÙY CHI

"Chúng ta không chống lại nhựa, vật liệu nhựa mà chống rác thải nhựa nhất là rác thải nhựa dùng một lần, cái này thải ra môi trường rất nhiều, gây ra tình trạng ô nhiễm trắng mà con người phải hứng chịu" - GS.TS Đặng Kim Chi, nguyên phó viện trưởng Viện khoa học và công nghệ môi trường Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết.

Đừng nhập nhèm "nhựa phân hủy sinh học"

Theo GS.TS Đặng Kim Chi, sản phẩm nhựa sử dụng một lần có thể chia làm ba loại: thứ nhất là nhựa khó phân hủy. Sản phẩm được tạo ra từ loại nhựa này khi thải bỏ rất khó phân hủy, phải tới hàng trăm năm mới phân hủy được.

Thứ hai là nhựa chỉ phân hủy một phần hay gọi là nhựa tự hủy OXO, khi thải ra môi trường sẽ phân rã các tạp chất còn lại những mảnh nhựa nhỏ, các hạt vi nhựa. Loại vi nhựa này sẽ ở lại trong môi trường và cũng sẽ khó mà bị phân hủy.

Thứ ba là loại nhựa sinh học có khả năng phân hủy hoàn toàn, khi thải ra môi trường một thời gian sẽ thành CO2 và H2O. Loại nhựa này ở châu Âu đã sản xuất từ lâu, Việt Nam cũng mới xuất hiện. Sản phẩm từ loại nhựa này hoàn toàn tốt cho môi trường nhưng giá thành khó mà cạnh tranh được loại sản phẩm từ nhựa khó phân hủy, giá rẻ hiện nay.

Điều đáng nói là nhựa tự hủy OXO và nhựa phân hủy sinh học chưa được phân biệt rõ trên thị trường, các sản phẩm từ nhựa tự hủy này vẫn ghi trên nhãn mác là "có khả năng phân hủy sinh học".

Nhiều công ty sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút, cốc, thìa, hộp... nhưng lại lập lờ trong việc phân biệt nhựa phân hủy sinh học hoàn toàn với nhựa tự hủy OXO. Thường các sản phẩm sẽ mang danh "phân hủy sinh học", điều này khiến người tiêu dùng lầm tưởng nhựa tự hủy OXO thân thiện với môi trường nhưng thực ra chúng rất độc hại.

Nhựa tự hủy OXO khi ra môi trường một thời gian phân rã nhưng vẫn còn nguyên các mảnh nhựa nhỏ, hạt vi nhựa. Khi thải bỏ vào môi trường, các mảnh nhựa nhỏ, hạt vi nhựa sẽ tồn tại trong đất, trong nước và có thể đi vào đại dương, theo chuỗi dây chuyền thực phẩm tồn tại trong các cơ thể sống gây nhiều độc hại.

Về mặt pháp lý, hiện nay Việt Nam chưa có văn bản nào cấm nhựa tự hủy OXO. Những sản phẩm nhựa sinh học này cần phải được kiểm soát khâu sản xuất vì khi hạt vi nhựa ra môi trường rất nguy hiểm, khó thu hồi được.

Bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu làm sao tạo ra sản phẩm an toàn, công năng sử dụng ưu việt hơn, giá thành có khả năng cạnh tranh được với loại nhựa giá rẻ khó phân hủy.

Việc thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì ni lông khó phân hủy bằng các sản phẩm từ nhựa có khả năng phân hủy sinh học là một hướng tiếp cận được quan tâm trong những năm gần đây trên thế giới. Làm sao những sản phẩm nhựa sinh học đó phải phân hủy hoàn toàn, không ảnh hưởng đến môi trường thì cần phải nghiên cứu, khuyến khích sản xuất.

Tất nhiên, phải tạo ra sản phẩm nhựa phân hủy sinh học an toàn, công năng sử dụng tốt hơn, giá thành phù hợp thì mới có khả năng thay thế được các sản phẩm nhựa dùng một lần và bao bì ni lông khó phân hủy như hiện nay.

Phân loại rác tại nguồn phải đồng bộ

Hiện nay chúng ta đang có một đội ngũ phân loại rác tự nguyện tới tận nhà riêng, đó là những người nhặt phế liệu. Tuy nhiên họ chỉ nhặt hay mua lại những loại có khả năng tái chế, còn lại phần lớn được lực lượng thu gom rồi vận chuyển đưa đến các nhà máy rác hoặc ra bãi chôn lấp.

Theo GS.TS Đặng Kim Chi, muốn phân loại, thu gom và tái chế, tận dụng một phần rác thải thành tài nguyên hiệu quả phải có quy trình đồng bộ từ khâu phân loại rác tại nguồn, thu gom riêng biệt các loại rác đã được phân loại và vận chuyển về các cơ sở có khả năng tái chế - xử lý.

Như vậy việc phân loại rác tại nguồn mới có hiệu quả tích cực, tận dụng được các rác thải có khả năng tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu khối lượng rác thải cần được xử lý (đốt hay chôn lấp).

Cần hướng dẫn cho các hộ gia đình tại các tổ dân phố thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt, chuẩn bị dụng cụ để đựng rác đã được phân loại, đồng thời hướng dẫn đưa rác vào các phương tiện thu gom, vận chuyển...

Nếu địa phương nào đã đồng bộ được hệ thống từ phân loại, thu gom, vận chuyển để xử lý tái chế các loại rác đã được phân loại rồi mà vẫn có hộ dân không thực hiện thì hãy xử phạt theo quy định. Bà Kim Chi cũng lưu ý rằng cần nghiên cứu đặc thù từng địa phương để hướng dẫn người dân phân loại rác cho hợp lý.

Ví dụ ở vùng nông thôn, loại rác hữu cơ có thể xử lý để làm phân vi sinh, vậy thì hãy hướng dẫn người dân cách làm phân vi sinh, đào hố, ủ phân thế nào. Những loại rác còn lại thì phân loại theo thùng chứa màu sắc khác nhau để thu gom, vận chuyển đưa đi tái chế hoặc xử lý tập trung.

Kinh hoàng rác nhựa ngập tràn - Kỳ cuối: Chống rác thải nhựa cần nhiều giải pháp đồng bộ - Ảnh 2.

Một bao rác nhựa lớn được vứt ngay đoạn kênh nước đen đầu đường Tô Hiệu, quận Tân Phú, TP.HCM. Rất cần việc giáo dục, tuyên truyền để giảm thiểu tình trạng xấu này - Ảnh: THÙY CHI

Cần tăng cường giáo dục bảo vệ môi trường

Trong khi đó, tiến sĩ sinh y học Nguyễn Thị Hải Hoa - Université Paris-Saclay, Pháp - cho rằng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường. Việc giáo dục này cần được thực hiện đồng bộ nhiều cách thức ở nhiều nhóm đối tượng và kiên trì, liên tục.

"Tôi làm nghiên cứu sinh ở Pháp thấy vấn đề này đã được làm từ rất lâu, rất đồng bộ và hiệu quả. Từ trẻ nhỏ đến người lớn đều có ý thức trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường.

Chẳng hạn người ta đi siêu thị thường mang giỏ ở nhà theo để đựng, còn đồ thường được gói bằng các loại giấy tái chế. Nhiều người còn ý thức tiết kiệm giữ các loại giấy đã gói đó để lần sau đi siêu thị tiếp tục tái sử dụng.

Rất hiếm thấy cảnh dùng tràn lan đồ nhựa một lần và khó phân hủy như ở Việt Nam. Họ luôn có ý thức lựa chọn cái gì tốt cho môi trường hay không làm hại đến môi trường.

Bản thân tôi cũng như nhiều người khác ở Pháp đi ăn uống còn tự mang theo ống hút bằng kim loại của mình, sau đó lại đem về rửa để sử dụng cho lần sau", TS Hải Hoa chia sẻ.

Cô cho rằng việc bảo vệ môi trường, hạn chế xả thải rác, đặc biệt là rác nhựa độc hại cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như giáo dục, pháp luật, kỹ thuật, kinh tế... Trong đó nhiều vấn đề cần có điều kiện và thời gian như kỹ thuật tái chế rác nhựa, sản xuất ra sản phẩm thân thiện môi trường có giá cả hợp lý.

Nhưng giáo dục ý thức và cách thức bảo vệ môi trường thì có thể dễ dàng làm ngay và đồng bộ từ trường lớp đến các cộng đồng dân cư, cơ quan, xí nghiệp... Sự giáo dục này là gốc và sẽ có hiệu quả bền bỉ đến việc bảo vệ môi trường.

Chú trọng kênh phản biện xã hội vì môi trường

Ông Phạm Văn Sơn - giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường, tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - cho rằng nhiều người mong muốn bảo vệ môi trường nhưng cách tiếp cận lại khác nhau.

Ở đây chưa có sự song hành một cách chặt chẽ giữa khối quản lý và khối chuyên gia. Các cấp quản lý thì rất muốn những điều tốt. Các nhà khoa học, nhà chuyên môn hiểu kỹ thuật, hiểu các vấn đề thực tế, hiểu cách tiếp cận vấn đề.

Những nhà quản lý đề ra "what to do" - làm cái gì, nhưng họ cần phải song hành với "how to do" - làm như thế nào, nghĩa là kết hợp chặt chẽ với chuyên gia.

Ông Sơn cho rằng còn một vấn đề rất quan trọng nữa là tư vấn và phản biện xã hội. Cái này cần phải được thể chế hóa, không phải làm kiểu hình thức.

"Tức là tôi đưa ra vấn đề phản biện nhưng lại bị im lặng, không có bất cứ phản hồi nào là tôi có được tiếp thu hay không. Vậy là xảy ra tình trạng các anh cứ phản biện, cứ đóng góp đi nhưng cuối cùng vẫn như cũ mà không giải thích vì sao không tiếp thu. Luật Bảo vệ môi trường là một ví dụ.

Giới chuyên gia đã cảnh báo việc đó không khả thi nếu không có lộ trình, không chuẩn bị những yếu tố quan trọng để khi luật được ban hành sẽ đi vào cuộc sống", ông Sơn chia sẻ.

Kinh hoàng rác nhựa ngập tràn - Kỳ cuối: Chống rác thải nhựa cần nhiều giải pháp đồng bộ - Ảnh 3.Kinh hoàng rác nhựa ngập tràn - Kỳ 9: Tái chế nhựa - động lực mới cho kinh tế tuần hoàn

Những con số từ các nghiên cứu gần đây càng khiến chúng ta phải giật mình: nếu không có sự thay đổi căn bản trong cách thức sản xuất và tiêu thụ nhựa, đến năm 2050 thế giới sẽ phải đối mặt với 33 tỉ tấn rác thải nhựa tích tụ trong môi trường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp