08/01/2025 14:46 GMT+7

Kinh hoàng rác nhựa ngập tràn - Kỳ 5: Người trẻ 'gieo' lối sống xanh

Trong môi trường ngập tràn rác thải, không ít bạn trẻ vẫn kiên trì theo đuổi lối sống bền vững và đi "gieo" mầm xanh bảo vệ môi trường.

Kinh hoàng rác nhựa ngập tràn - Kỳ 5: Người trẻ 'gieo' lối sống xanh - Ảnh 1.

Chị Hồng Sương khoe đổi được nhiều cây xanh từ những chương trình lấy rác đổi quà mà mình tích cực tham gia - Ảnh: TRÚC QUYÊN

"Hằng ngày, cái nào xanh được thì mình xanh, như hạn chế dùng đồ nhựa một lần, trồng thêm cây xanh nếu có thể, tiết kiệm điện nước, không chi nhiều cho thời trang, mỹ phẩm... Mình cảm thấy yên lòng khi sống như vậy, không có cảm giác có lỗi hay đang làm sai", chị Trần Thị Thủy (34 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ.

Sống xanh trong thói quen sinh hoạt, cách dạy con...

Trong môi trường ngập tràn rác thải và nhiều người vẫn đang "vô tư" xả rác khắp nơi, một bộ phận không ít bạn trẻ kiên trì theo đuổi lối sống bền vững hơn. Họ đi "gieo" mầm xanh bảo vệ môi trường.

Chia sẻ biết lối sống xanh có lẽ bắt nguồn từ môi trường gia đình, chị Thủy vẫn nhớ những câu mẹ dạy, như tắt điện khi không sử dụng, của bền tại người, không bỏ thừa đồ ăn... Vòng kết nối của chị cũng là những người có lối sống thiện và lành.

Chồng chị cùng chung quan niệm. Chị cho rằng "tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình", dù chưa có điều kiện làm gì đó thật lớn lao cải thiện môi trường sống nhưng gia đình chị sẽ sống thật xanh từ những điều nho nhỏ trước.

Kinh hoàng rác nhựa ngập tràn - Kỳ 5: Người trẻ 'gieo' lối sống xanh - Ảnh 2.

Một số cửa hàng, siêu thị tại TP.HCM dùng túi giấy gói hàng cho khách, góp phần bảo vệ môi trường - Ảnh: YẾN TRINH

Khi chăm sóc, dạy con, chị chú trọng câu chuyện sống xanh, theo kiểu ba mẹ làm gương một cách tự nhiên. Theo chị, nếp sống ba mẹ thế nào con sẽ quen như vậy.

"Các con còn nhỏ, nhiều khi lơ đễnh nên tôi cũng như mẹ mình ngày xưa, nhắc nhở cho con nhớ, mưa dầm thấm lâu. Ở trường các con được học rất nhiều về môi trường, biến đổi khí hậu. Các con cũng đổi sách cũ lấy cây xanh, đổi pin lấy hạt giống, cùng bố mẹ trồng cây".

Người ta hay nói vài người cố gắng gìn giữ môi trường thì không thay đổi gì nhiều. Nhưng theo chị, ai cũng cần có trách nhiệm với bản thân, gia đình, với cuộc sống xung quanh.

"Bản thân hay gia đình, môi trường sống đều có liên hệ với nhau hết. Nếu không giúp ích được cho môi trường thì ta đừng làm hại thêm", chị chia sẻ.

Kinh hoàng rác nhựa ngập tràn - Kỳ 5: Người trẻ 'gieo' lối sống xanh - Ảnh 3.

Ống hút giấy và ly tre thân thiện môi trường ở một quán ăn tại quận Bình Thạnh - Ảnh: YẾN TRINH

Tập cho mình lối sống xanh hai năm nay, chị Nguyễn Thị Hồng Sương (31 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM) chọn làm việc cho một công ty sản xuất bao bì thân thiện môi trường.

Sương cho biết lúc trước vẫn xài ly nhựa dùng một lần. Nhưng từ lúc nhận thức được tác hại rác thải nhựa tới môi trường sống, sức khỏe, chị bắt đầu tìm hiểu về các sản phẩm thân thiện môi trường. Chị sắm bình giữ nhiệt để uống nước, bên trong bằng inox, bên ngoài bằng tre.

Đọc những thông tin về vấn đề ô nhiễm nhựa diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên Trái đất khiến chị không khỏi giật mình. Đây là vấn đề cấp thiết, mang tính toàn cầu, đòi hỏi mỗi người dù ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào cũng phải chung tay hành động.

"Lúc mới thực hiện lối sống mới tôi chưa quen. Trước xài đồ nhựa lâu rồi, mới thay đổi sẽ khó khăn. Thường tôi uống ly nhựa xong sẽ bỏ nhưng bây giờ phải thêm thao tác chùi rửa bình nước. Mỗi một hành động nhỏ của mình, mình đều nghĩ là đang góp phần bảo vệ môi trường thì sẽ có động lực hơn", chị nói.

Kinh hoàng rác nhựa ngập tràn - Kỳ 5: Người trẻ 'gieo' lối sống xanh - Ảnh 4.

Nhóm tình nguyện Sài Gòn Xanh thu gom rác thải trên các kênh rạch TP.HCM - Ảnh: YẾN TRINH

Người thân cùng hưởng ứng

Động viên người thân trong gia đình cùng sống xanh, Sương kể ban đầu gặp nhiều bất tiện. Đầu tiên chị mang bao bì sinh học tự hủy, ống hút từ bột ngô, ống hút giấy... về để bố mẹ và anh chị trong nhà dùng thử.

Sau một thời gian, các loại bao bì nhựa trong nhà chị ít dần đi, rác thải nhựa của gia đình giảm đáng kể. "Xưa ông bà đi chợ về sẽ lấy túi ni lông chứa đồ bỏ trong tủ lạnh, còn bây giờ dùng túi vải đi chợ, sử dụng túi sinh học thay thế túi ni lông truyền thống", chị hào hứng khoe.

Ngoài việc hạn chế thải rác nhựa bằng những hành động nhỏ từ bản thân, gia đình, Sương tham gia các hoạt động tuyên truyền, mang lối sống xanh đến với cộng đồng. Theo chị, mọi lứa tuổi đều có thể góp phần hành động, không riêng gì giới trẻ.

Đặc biệt chị luôn tích cực thu gom rác thải, các sản phẩm nhựa có thể tái chế, pin... tham gia các chương trình lấy rác đổi quà được tổ chức tại nhiều nơi ở TP.HCM. Chị đổi lấy nhiều cây xanh mang về chăm sóc, trang trí ở nhà và chỗ làm.

Chị thường xuyên dành những ngày cuối tuần đi dọn dẹp, làm xanh thành phố. Thông qua những hoạt động cộng đồng để tái tạo năng lượng, sống và làm việc tích cực hơn.

Đến trạm refill, đi hội chợ xanh

Chung tay để các bạn trẻ vững tin sống xanh, nhiều mô hình mua sắm, xu hướng thân thiện môi trường ra đời. Trong đó, mô hình trạm đổ đầy lại (refill) là một nét thú vị.

Chiều mát, tại một trạm refill ở quận 3, hai bạn trẻ ghé vào chọn chai sữa tắm 300ml. Ngọc Diệp (26 tuổi, ngụ quận Tân Bình) cho biết mình rất hứng thú với mô hình này: "Xuất phát từ nhu cầu dùng mỹ phẩm hữu cơ lành tính đã dùng qua nhiều nhãn hiệu, nay tôi chuyển sang dùng thử dòng này. Đọc thông tin thấy các bạn có hình thức refill nên tôi ưu tiên hơn, xem như một việc làm bé nhỏ hạn chế rác nhựa ra môi trường".

Cạnh những chai lọ xinh xắn, một chiếc kệ với những túi refill xếp ngay ngắn kèm hướng dẫn.

"Bạn có thể đem vỏ chai của chúng tôi đến để làm đầy lại, hoặc vỏ chai bất kỳ. Bạn cần làm sạch vỏ chai, chọn sản phẩm muốn tái nạp, nhớ ghi chú hạn sử dụng vì sản phẩm thiên nhiên thường sẽ có hạn sáu tháng sau khi mở nắp", nữ nhân viên vui vẻ nói. Với người muốn trải nghiệm, tiệm có hình thức làm đầy chỉ 100ml dùng thử.

Kinh hoàng rác nhựa ngập tràn - Kỳ 5: Người trẻ 'gieo' lối sống xanh - Ảnh 5.

Trong khi đó vẫn còn rất nhiều người chưa ý thức bảo vệ môi trường khi sử dụng nhiều đồ nhựa một lần - Ảnh: Yến Trinh

Theo Ngọc Trúc - quản lý cửa hàng, thương hiệu áp dụng hình thức này hai năm nay. Cuối tuần cửa hàng sẽ để một quầy lưu động phía ngoài tăng sự tương tác. Hình thức đổ đầy lại giúp khách hàng tiết kiệm 30 - 50% chi phí so với việc mua chai mới, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Việc này giúp giảm bớt chi phí sản xuất, giảm bớt thời gian vì sản phẩm sẽ vào thẳng túi refill, không qua khâu băng chuyền đóng nắp, bọc màng co so với chai nhựa...

Mở cửa đến gần 22h mỗi ngày, Trúc chia sẻ: "Chúng tôi cũng học hỏi những mô hình refill khác. Ở đây chúng tôi có những khách hàng ưa chuộng refill nhiều độ tuổi. Có khách còn mang chai thủy tinh để đựng".

Khách mua hàng còn được tặng túi vải màu xanh hữu dụng. Theo chị, sự gia tăng của khách hàng chọn mô hình này là dấu hiệu tốt, cho thấy người dùng quan tâm hơn đến việc bảo vệ môi trường.

Tương tự, TP.HCM hiện nay có nhiều "tiệm đổ đầy lại" với mô hình hoạt động tương tự. Ngoài ra, những hội chợ, ngày hội sống xanh, chương trình đổi rác lấy quà, đổi pin lấy cây xanh... là điểm hẹn thường xuyên của những bạn trẻ yêu môi trường.

Có thể thấy việc thay đổi thói quen sống, tiêu dùng hằng ngày là điều không dễ. Tuy nhiên khi nhận thức tác hại của rác thải nhựa đối với cuộc sống, sức khỏe của bản thân và gia đình, nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn hành động ngay.

Lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường

Bên cạnh những hình ảnh đáng lo về rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, đang bị xả lăn lóc khắp nơi, thực tế cũng có những dấu hiệu tích cực lan tỏa. Nhiều lần chúng tôi nhìn thấy hình ảnh các bạn trẻ đi siêu thị, cửa hàng, bỏ bớt lại bao ni lông bọc đồ dù đó là loại bao nhanh tự tiêu hủy.

Các bạn nói người bán cứ bỏ hết đồ vào một bao, không cần phải chia nhiều bao. Họ còn cho biết về nhà sẽ tận dụng lại những bao này nhiều lần nhất có thể, chứ không vứt ngay ra thùng rác. Nhiều bạn cũng lướt nhanh qua quầy hàng chén đĩa và các loại đồ nhựa dùng một lần. Họ không chọn những thứ này dù tiện dụng và rẻ tiền.

Bạn Nguyễn Quốc Hương, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, nói lên điều mong mỏi: "Chúng em làm những điều này để góp phần bảo vệ môi trường và hy vọng sẽ lan tỏa đến nhiều người khác. Một người khó trồng được cả cánh rừng nhưng mỗi người cùng góp vào một cây xanh sẽ trồng nên cả cánh rừng lớn".

**********

Không chỉ đơn thuần đi gom rác thải, các bạn còn lan tỏa thông điệp, ý thức về rác thải độc hại và cho thấy rác nhựa bị xả ra môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào.

>> Kỳ tới: Những người xin đi... nhặt rác

Kinh hoàng rác thải nhựa ngập tràn - Kỳ 5: Người trẻ 'gieo' lối sống xanh - Ảnh 4.Kinh hoàng rác nhựa ngập tràn - Kỳ 4: Cứ tiện tay thì vứt, mặc kệ người khác dọn rác

Bộp!, chừng 21h, đang chạy xe máy hướng đường Trường Chinh (quận Tân Bình, TP.HCM) về nhà, chị Thủy Tiên (33 tuổi, ngụ quận 3) sảng hồn vì bịch ni lông rác từ một xe máy khác vứt xuống. Ly nước, vỏ bánh lăn lóc dưới đường.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp