Khó phân biệt trái cây chín tự nhiên và trái cây bị nhúng, tiêm hóa chất gây chín - Ảnh: Thuận Thắng |
Câu chuyện những công nhân ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) ngất xỉu vì ảnh hưởng trong quá trình nhúng sầu riêng vào hóa chất làm chín trái cây, một lần nữa làm hàng ngàn bạn đọc lo lắng, đặt câu hỏi về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ngày nay.
Sau thịt lợn bị tiêm thuốc an thần, rau củ quá tàn dư hóa chất độc hại, sầu riêng bị nhúng hóa chất để làm chín sẽ là gì?
Người nội trợ lo lắng
Chị Tân Thanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể chị thường mua trái cây ở một chỗ quen. Một hôm vì thèm ăn mít nên chị ra hỏi mua thì người bán bảo “hôm nay đừng ăn, mai có mít chín cây tui bán cho”. Nghi ngờ, chị Thanh hỏi lại vậy hôm nay mít bị làm sao thì người này trả lời mít không ngọt, không thơm lắm vì được làm chín bằng thuốc.
“Là chỗ quen biết nên họ nói thì mình mới biết, nếu không chẳng cách nào phân biệt được. Người bán hàng còn chỉ mình là khi mua mít phải nhìn cái cuống, nếu thấy những lỗ li ti thì chắc chắn mít đó chín bằng thuốc thúc chín rồi”, chị Thanh kể.
Phóng viên Tuổi Trẻ đến một cửa hàng bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) hỏi mua thuốc ép chín sầu riêng thì được nhân viên đưa ngay một chai thuốc dung tích 0,5 lít với dòng chữ “phân bón lá cao cấp” trên bao bì.
Theo lý giải của nhân viên ở đây thì việc ghi nhãn "phân bón lá" là để lách sự kiểm tra của cơ quan chức năng.
Các công nhân đang sơ chế sầu riêng tại cơ sở của của Công ty TNHH MTV Kim Quý (Krông Pắk, Đắk Lắk) sáng 24-8 - Ảnh: TRUNG TÂN |
Mắt thường khó phân biệt
Thạc sĩ Bùi Thị Minh Thủy, giảng viên khoa công nghệ hóa học và thực phẩm Đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM, cho biết bằng mắt thường rất khó phân biệt trái cây chín cây và trái cây chín bằng cách tiêm hóa chất.
Tuy nhiên, dựa vào những kinh nghiệm có được, cô Minh Thủy cho biết có thể nhìn vào màu sắc và hình dáng của quả để phán đoán.
“Ví dụ như chuối, chuối ủ thường có màu sắc rất đẹp, căng bóng, trong khi chuối chín tự nhiên thì màu hơi lem nhem, da không bóng. Sầu riêng hay mít thì nên chọn loại gai nở, mắt nở.
Mít chín tự nhiên sẽ có vị ngọt, mít chín bằng cách ngâm hóa chất thì không ngọt được như vậy. Sầu riêng cũng vậy, nếu chín bằng cách ngâm hay tiêm hóa chất để chín liền thì múi sầu riêng sẽ không mềm, ăn vào hơi sượng sượng”, cô Thủy chia sẻ.
Táo, lựu, hồng Trung Quốc được bày bán tại một sạp trái cây ở chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa |
Tiến sĩ (TS) Phạm Văn Tấn, phó giám đốc Phân viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, cho biết trái cây được ủ chín bằng đất đèn hay khí ethylene sẽ chín đồng đều hơn không chỉ trong phạm vi một trái mà cả một lô trái cây so với để chín tự nhiên.
Ví dụ, chuối hay xoài hoặc cam khi được ủ chín sẽ có màu vàng ươm và rất đồng đều về màu sắc. Thịt của trái cũng có độ cứng rất đồng đều. Chín tự nhiên sẽ không được như vậy.
Một thương lái bật mí: sầu riêng bị chấm hóa chất làm chín hay bị đen thâm phần đít trái.
Hóa chất có thể gây ngộ độc, ngất xỉu, hỏng mắt
TS Võ Thái Dân, trưởng khoa nông học Trường đại học Nông Lâm TP.HCM, cho biết về bản chất, chín là quá trình chuyển từ tinh bột thành đường trong trái cây.
“Hôm nay xử lý để ngày mai trái cây chín liền thì rõ ràng tinh bột chưa chuyển hóa kịp, chất lượng quả sẽ bị dở đi”, TS Võ Thái Dân nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Phạm Văn Tấn cho biết các nước thường dùng ethylene để làm chín trái cây.
Chất này không độc nhưng lại đắt tiền nên ở nhiều người ở Việt Nam thường sử dụng loại rẻ tiền hơn là acetylene và ethephon để làm chín trái cây.
TS Nguyễn Văn Phong, trưởng phòng công nghệ sau thu hoạch, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, đánh giá nguồn tạo ra khí ethylene ngoại sinh (như ethephon) để làm chín phải được kiểm định rõ ràng và có quy định về liều lượng được sử dụng trên trái cây sau thu hoạch bởi “nếu sử dụng những nguồn ethephon trôi nổi trên thị trường, dòng ethephon sử dụng trước thu hoạch và đã trộn với nhiều loại thuốc khác nhau nữa thì rõ ràng là có nguy cơ đối với sức khỏe con người”, ông Phong nhận định.
Kéo dài tuổi thọ trái cây bằng hóa chất - Ảnh Khương Văn |
Theo TS Phạm Văn Tấn thì việc sử dụng acetylene để làm chín trái cây là phương pháp mà nhiều người ở Việt Nam, Ấn Độ… thường sử dụng. Cùng một lượng trái cây, tính về nồng độ, nếu chỉ cần dùng 1 phần khí ethylene thì cần đến 10 phần Acetylene để ủ trái cây chín được như nhau.
Acetylene hay còn gọi là “khí đá”, được sinh ra từ phản ứng của đất đèn với nước. Khí acetylene có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người trong một thời gian dài.
Nếu tiếp xúc với khí acetylene ở nồng độ trên 33%, con người có thể bị ngất xỉu. Các triệu chứng của ngộ độc acetylene thường là khát nước, khó nuốt, cảm thấy yếu, ói mửa đôi khi có máu, cảm giác ngứa ngáy ở miệng, cổ họng hay mũi; cảm giác cháy rát da và có thể làm hỏng vĩnh viễn mắt và một số triệu chứng khác nữa.
"Mặc dù ủ chín trái cây bằng khí acetylene rẻ hơn và dễ tìm nhưng nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn cho người sử dụng nếu không biết dùng đúng cách", TS Tấn nói.
Do đất đèn có chứa hợp chất của hydro với phosphorus nên có mùi hôi và rất độc. Do đó, nó đã bị cấm sử dụng ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, Ấn độ, Pakistan, Bangladesh, Nepal, Việt Nam và một số nước khác vẫn còn dùng chất này để ủ chín trái cây.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương thì điều đáng lo ngại chính là làm sao kiểm soát được liều lượng, nồng độ mà người tiêm tiêm vào trái cây để làm chín.
Ăn vào có thể gây ảnh hưởng gan, mật, các triệu chứng về tim mạch
Bên cạnh đó, nếu bơm liều lượng lớn vào trái cây thì ethephon có thể kết hợp với nitrate có sẵn trong trái cây và tạo ra ethylene glycol dinitrate.
“Ngưỡng an toàn của ethylene glycol dinitrate thấp hơn của ethephon và có thể gây ra các triệu chứng về tim mạch như tim đập nhanh, loạn nhịp tim hoặc nhức đầu, chóng mặt và thậm chí là ảnh hưởng gan, mật”, bác sĩ Phương nói.
Bạn đọc Cay Tram chia sẻ việc bơm hóa chất làm chín trái cây có thể giết chết thương hiệu Việt vừa làm suy giảm sức khỏe người tiêu dùng.
“Cần phải có quy định nghiêm ngặt những người bán các loại thuốc bảo vệ thực vật, ghi tên địa chỉ người mua, và có nhật ký bán hàng để đối chiếu với hàng tồn kho và hàng nhập, truy nguồn gốc, phạt nặng những cơ sở không chấp hành ...", bạn đọc viết.
Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:
>> Tiến sĩ Võ Thái Dân
>> Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong
>> Tiến sĩ Phạm Văn Tấn
>> Thạc sĩ Trần Ngọc Lưu Phương
>> Thạc sĩ Bùi Thị Minh Thủy
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận