04/01/2015 10:41 GMT+7

​Kinh doanh trong “nhà ống”, làm sao an toàn?

M.QUANG - D.NgỌC HÀ - M.TRƯỜNG - H.LỘC ghi
M.QUANG - D.NgỌC HÀ - M.TRƯỜNG - H.LỘC ghi

TT - Tình trạng kinh doanh trong “nhà ống” không phải đến vụ cháy tám căn nhà trên đường Trần Quốc Thảo (Q.3, TP.HCM) mới phải đáng báo động.

Vụ cháy căn nhà ở đường Nguyễn Trãi (Q.5, TP.HCM) ngày 16-9-2014 là bài học lớn về chuyện kinh doanh trong khu dân cư - Ảnh: Hũu Khá

Quy định, quy chuẩn đã có nhiều nhưng cần khắc phục ở khâu kiểm tra giám sát và cả ý thức của người dân.

* Ông MAI HIẾU THẢO (trưởng ban an toàn bảo hộ lao động Tổng công ty Ðiện lực TP.HCM):

Thiết bị điện: thích gì làm nấy

Dù việc xây nhà tại các TP đều có quy chuẩn xây dựng, trong đó có quy chuẩn thiết kế điện, nhưng thực tế ở trong nhà người dân muốn lắp đặt như thế nào cũng được.

Từ việc lắp đặt đến sử dụng điện còn nhiều vấn đề có thể gây mất an toàn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy.

Ðặc điểm của nhà người dân tại các đô thị là kết hợp giữa nhà ở và chỗ buôn bán kinh doanh. Ðể tăng hiệu quả trong việc kinh doanh, thường người dân mua sắm rất nhiều trang thiết bị điện nên có thể gây quá tải, dẫn đến các vụ cháy (cháy dây dẫn, đồ điện...).

Hơn nữa, tâm lý của người dùng điện hiện nay ít chú ý đến việc bảo trì bảo dưỡng đường dây, trang thiết bị điện. Cứ bật lên thấy đang hoạt động được là để xài mà không hề để ý quá trình xài lâu không được thay thế có thể phát sinh hư hỏng, gây giật điện, tạo điều kiện cho tia lửa điện gây cháy.

Ngoài ra, các đồ điện trên thị trường cũng không ai kiểm tra độ an toàn điện. Nguy hiểm hơn, khi đưa về nhà sử dụng, người dân thường để các đồ vật đè lên dây điện, lâu ngày sinh nhiệt hoặc gây hư hỏng lớp vỏ cách điện nên rất dễ gây cháy.

Một điều cần lưu ý nữa là những hộ dân kinh doanh thường để các mặt hàng dễ bén lửa (giày dép, túi nilông...) gần đồng hồ điện, cầu dao, cầu chì điện... nên chỉ cần tia lửa điện phát ra là có thể sinh ra vụ cháy.

Do đó trong quá trình sử dụng điện, người dân cần phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị điện, đường dây. Nếu thấy có dấu hiệu hư hỏng cần phải sửa chữa hoặc thay mới để đảm bảo an toàn. Không để các vật đè lên dây điện, không để các vật dụng dễ cháy xung quanh khu vực đồng hồ, cầu dao, cầu chì điện.

* Một lãnh đạo Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng:

Quy hoạch kinh doanh theo khu vực

Quy hoạch 1/2.000 ban đầu của khu đô thị Phú Mỹ Hưng(Q.7) có những khu vực quy định chỗ nào không được kinh doanh, khu nào được ở kết hợp với các ngành nghề kinh doanh an toàn, khu nào được phép kinh doanh.

Khu kinh doanh có những quy định nghiêm ngặt về phòng cháy chữa cháy (PCCC), khác với khu ở. Tránh trường hợp khu nhà ở cũng bị yêu cầu những tiêu chuẩn, thiết kế về PCCC giống như khu kinh doanh và ngược lại...

Quy định là vậy nhưng khi đi vào thực hiện ban đầu cũng có những trục trặc do các cơ quan liên quan chưa “thông” nhau. Cụ thể, việc cấp phép kinh doanh là do các cơ quan chức năng khác cấp phép mà không thông qua ý kiến của Công ty Phú Mỹ Hưng hoặc ban quản lý khu Nam nên có chuyện giấy phép kinh doanh được cấp cho những địa chỉ thuộc khu vực không được phép kinh doanh hoặc cho phép kinh doanh những ngành nghề không được kinh doanh trong khu kinh doanh xen nhà ở.

Một khi cơ quan chức năng đã cấp phép thì không thể cản người dân kinh doanh được, khiến chúng tôi khó xử, trái với cam kết ban đầu của chủ nhà khi mua nhà, đất của Phú Mỹ Hưng. Những hộ dân khác không đồng ý, họ phản đối chính quyền, Công ty Phú Mỹ Hưng và phản đối cả hộ dân được cấp giấy phép kinh doanh không đúng chỗ đó.

Hiện nay, UBND Q.7 có thỏa thuận với Công ty Phú Mỹ Hưng: khi cơ quan chức năng cấp giấy phép kinh doanh trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng đều có hỏi ý kiến của Công ty Phú Mỹ Hưng và Ban quản lý khu Nam.

Người kinh doanh trong khu dân cư không hẳn chỉ là người có thu nhập trung bình hoặc thấp mà ngay cả những nhà giàu, ở những khu vực cao cấp vẫn có nhu cầu kiếm thêm tiền. Nhiều chủ nhà trong các khu vực biệt thự rất đẹp ở Phú Mỹ Hưng cũng muốn mở cà phê cao cấp hoặc cho thuê để mở dịch vụ này.

Tuy nhiên, quy hoạch ban đầu là không được và khách hàng cũng đã cam kết phải xây dựng sử dụng nhà, đất theo đúng quy hoạch thỏa thuận bằng văn bản hoặc trong hợp đồng mua bán. Ngay khi đầu tiên đăng ký mua nhà khách hàng đã biết rõ. Vì vậy, khi họ muốn kinh doanh là chính họ đã vi phạm cam kết ban đầu.

Do quy hoạch trước, thông tin rõ ràng với khách hàng nên khi Phú Mỹ Hưng không đồng ý cấp phép kinh doanh, họ cũng không nói được. Việc cho hay không cho kinh doanh một địa chỉ nào đó phù hợp với quy hoạch, với chủ trương của TP chứ không phải là ý chí của riêng Phú Mỹ Hưng nên các cơ quan chức năng cũng ủng hộ.

Hiện tại, Nhà nước cho phép kinh doanh trong khu dân cư không giới hạn ngành nghề, những nhà hàng, karaoke, cà phê... nhạy cảm mọc sát vách với nhà ở khiến người dân rất phiền phức mà không biết kêu ai.

Khổ vì tiếng ồn, môi trường sống bị ảnh hưởng là một lẽ, việc lo lắng về điều kiện an toàn văn hóa, an toàn cháy nổ trong khu dân cư càng khổ hơn.

* Ông NGUYỄN VĂN DIÊU (nguyên trưởng phòng quản lý chất lượng Sở Xây dựng TP.HCM):

Quy định có nhưng bị lơ là

Thật ra, những quy định về thiết kế an toàn cháy nổ, cách âm, an toàn lao động... trong những công trình tập trung đông người đều đã có.

Nhưng vấn đề ở chỗ người dân lơ là, không thực hiện đúng quy định. Nhà nước cần có quy chế để nhắc nhở người dân phải để ý, tuân thủ các quy định.

Vấn đề cải tạo nhà liên kế thành quán karaoke hoặc quán ăn (nơi tập trung đông người) không có gì khó. Vấn đề là chất liệu xây dựng, cải tạo phải là vật liệu chống cháy.

Nhiều người không nắm kỹ thuật hoặc ít vốn đầu tư thường ngăn các phòng bằng vật liệu tạm như ván ép hoặc tấm nhựa thay vì dùng tường thạch cao.

Những vật liệu cách âm chống nóng cũng dùng mút, xốp cho rẻ thay vì dùng những vật liệu đúng kỹ thuật, an toàn.

Nhà liên kế cải tạo thành quán ăn, karaoke phải đập thêm để thông tầng, nhiều cửa thông thoáng ra bên ngoài, đặt thang ở các cửa sổ, lối thoát hiểm... để có nhiều lối đi ra ngoài càng tốt.

Một vấn đề nữa người dân không quan tâm tới như nhà không có cửa hậu hoặc lối thoát thứ hai ra phía bên ngoài (như vụ cháy ở Hải Phòng vừa qua).

Nhà liên kế thì ba mặt giáp với nhà khác, việc có cửa hậu để ra hẻm khác hay đường khác rất khó nhưng người dân có thể chừa một lối thoát khác như sân thượng, bancông, cửa trên gác... để có thể thoát ra mái nhà của nhà bên cạnh hoặc dễ dàng leo ra ngoài khi cửa chính không thể sử dụng được.

Quy định của Nhà nước thì nhà dưới 250m2 do người dân tự chịu trách nhiệm thiết kế. Người dân cũng tiết kiệm kinh phí nên chưa xem trọng việc mời kiến trúc sư có nghề để thiết kế nhà ở, chỉ sử dụng một đơn vị vừa thi công vừa thiết kế theo ý mình.

Vì vậy nhiều kỹ thuật cơ bản bị bỏ qua. Bình thường không sao, nhưng khi người dân sử dụng căn nhà trên thành điểm kinh doanh thì nguy cơ xảy ra tai nạn luôn cận kề.

Vì vậy, lúc này cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra chặt chẽ, gắt gao, chính quyền phải nhắc nhở tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức. Nếu cần thiết có thể xử phạt để người dân nhớ.

Xử phạt ở đây không phải làm khó dễ việc kinh doanh của người dân, mà là để nhắc nhở và cứu họ trước những nguy hiểm có thể xảy ra.

* Thượng tá ĐỖ THANH HẢI (trưởng phòng tuyên truyền Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an):

Người dân cần trang bị kiến thức phòng chống cháy nổ

Các vụ cháy gây thiệt hại về người thời gian qua chủ yếu xảy ra ở loại hình nhà dân kết hợp làm nơi kinh doanh, buôn bán và tại các cơ sở vui chơi, giải trí đông người không bố trí, trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện chữa cháy, lối thoát nạn không bảo đảm theo yêu cầu như quán bar, karaoke... Trong khi đó, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản phần lớn xảy ra tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo đánh giá của chúng tôi, do việc phát triển của kinh tế thị trường và việc thiếu quy hoạch ở nhiều nơi, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng dễ cháy nổ nằm xen kẽ giữa các khu dân cư, đây là nơi có nguy cơ cháy nổ cao, dễ dẫn đến cháy lớn và gây thiệt hại nghiêm trọng.

Thực tế cho thấy công tác PCCC tại các cơ sở này còn không ít khó khăn, bất cập, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC, có cơ sở đi vào hoạt động nhưng không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về PCCC.

Mặt khác, nhiều chủ cơ sở không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các quy định về PCCC như khi xây dựng nhà xưởng hoặc tổ chức sản xuất kinh doanh không thẩm duyệt thiết kế về PCCC; không trang bị phương tiện PCCC hoặc có nhưng chỉ là hình thức, mang tính đối phó; không tổ chức và duy trì hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ..., thậm chí tổ chức sản xuất kinh doanh trái phép các mặt hàng dễ cháy nổ.

Ðể đảm bảo an toàn PCCC, đối với các hộ gia đình, đặc biệt là gia đình có tổ chức sản xuất, kinh doanh tại gia ở dạng nhà ống phải tìm hiểu, học tập để có kiến thức phổ thông về an toàn PCCC, có kỹ năng xử lý và thoát nạn khi có cháy nổ xảy ra; tuyệt đối không buôn bán, tàng trữ trái phép chất cháy chất nổ; quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt và chất dễ cháy, nhất là trong quá trình sản xuất, sửa chữa, đun nấu, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã..., sử dụng an toàn hệ thống điện và thiết bị điện, tránh gây quá tải, tắt các thiết bị điện không cần thiết trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà.

Ðối với vật tư, hàng hóa phải sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị điện tối thiểu 0,5m để đảm bảo an toàn; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, chất chữa cháy để dập cháy, đặc biệt phải có phương án thoát nạn khi có cháy nổ xảy ra.

Giảm cháy, giảm thiệt hại tài sản nhưng tăng số người chết

Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, năm 2014 cả nước đã xảy ra 2.375 vụ cháy làm chết 90 người, bị thương 143 người, thiệt hại về tài sản ước tính trị giá 1.307 tỉ đồng và đã xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản (có 31 vụ cháy lớn, gây thiệt hại tài sản 907 tỉ đồng).

So với năm 2013, số vụ cháy giảm 249 vụ, thiệt hại về người chết tăng 30 người, về người bị thương giảm 56 người, thiệt hại về tài sản giảm 349 tỉ đồng.

Số vụ cháy lớn tăng 6 vụ; thiệt hại tài sản do cháy lớn gây ra giảm 506 tỉ đồng.

Tình hình cháy năm 2014 tuy có nhiều diễn biến phức tạp nhưng đã được kiềm chế, giảm cả về số vụ và thiệt hại về tài sản do cháy gây ra so với năm 2013.

 

M.QUANG - D.NgỌC HÀ - M.TRƯỜNG - H.LỘC ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp