Phóng to |
Ảnh minh họa |
Giảm giá, sức mua cũng giảm
Chiếc điện thoại Nokia 8800 khi mới công bố ra thị trường, giá 16.900.000đ nhưng nay đã giảm xuống còn 14.970.000đ. Nokia N77 ra mắt thị trường trong tháng 6 nhưng chỉ vài ngày sau cũng đã rớt giá thảm hại.
Chiếc dopod M 700 thuộc hàng siêu cấp của hãng Nokia giá 11.500.000đ nay chỉ còn 8.899.000đ. Sony Ericson K810i ra mắt vào tháng 5-2007 thuộc loại hàng bán chạy nhất, giá công bố là 8.100.000đ nay xuống chỉ còn 7.699.000đ…
Không chỉ riêng điện thoại Nokia mà hầu hết các hãng di động khác như Motorola, Siemens, Panasonic… cũng đều liên tục rớt giá để tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù giá đã giảm nhiều so với giá ban đầu công bố trên thị trường nhưng việc mua bán điện thoại di động khá đìu hiu. Người đến với cửa hàng chủ yếu là đi xem hàng chứ người mua chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nói về vấn đề này, một chuyên gia về lĩnh vực thị trường điện thoại di động nhận định, sau một thời gian ngắn công bố mẫu mã mới trên thị trường thì sẽ có xu hướng giảm giá, trung bình giảm từ 15%-20% so với giá ban đầu. Các sản phẩm không được ưa chuộng lắm nhưng mẫu mã dễ chấp nhận, giá cả hợp túi tiền thế nhưng “down” (giảm) giá xuống từ 35%-40% cũng chẳng ai mua. Số này tập trung chủ yếu ở các hãng như Siemens, Panasonic, LG…
Chiêu thức
Hầu hết các nhà phân phối điện thoại di động đều có cùng nhận định rằng thời điểm từ tháng 4 đến tháng 8 trong năm là thời điểm khó khăn nhất trong việc tìm đầu ra cho các sản phẩm điện thoại di động. Đây không phải là thời điểm mua sắm, người tiêu dùng không có nhu cầu vì đang là giữa năm và một nguyên nhân không kém quan trọng là thời điểm này ít có dòng máy mới ra đời.
Cứ để ý sẽ thấy hầu hết các sản phẩm mới được tung ra thị trường vào khoảng tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau - tức chu kỳ của sản phẩm kéo dài từ 4-6 tháng. Khi đã sắp vào giai đoạn hết chu kỳ thì như có một thông lệ là các hãng đẩy mạnh chương trình giảm giá để giải quyết dứt điểm hàng tồn đọng. Thay vào đó là lên kế hoạch tung sản phẩm mới ra thị trường.
Một chuyên gia lý giải về vấn đề này nghe có vẻ hợp lý: “Bất kỳ một dòng sản phẩm nào khi tung ra thị trường thì thời điểm bán chạy nhất chỉ tròm trèm trong vòng từ 6 đến 7 tháng, giá sẽ giảm dần theo chu kỳ là điều tất yếu”.
Theo một nhà phân phối điện thoại di động tại TP.HCM thì với những mặt hàng điện thoại siêu cấp có giá khởi điểm từ 10 triệu đồng trở lên thì giá trị thực cũng chỉ dao động từ 8-8,5 triệu đồng.
Ông Tuấn, nhà phân phối hàng ở khu vực chợ Nhật Tảo, quận 10 cho biết: “Cũng như các mặt hàng kỹ thuật số, điện thoại chỉ có giảm giá chứ không tăng, vấn đề là người tiêu dùng cần phải nắm được thời điểm giảm giá lúc nào trong năm, tỷ lệ giảm giá cao hay thấp, tốc độ nhanh hay chậm… Tuy nhiên, vẫn còn phụ thuộc vào việc dòng máy đó có được người tiêu dùng ưa chuộng hay không”.
Giảm giá bất kỳ một sản phẩm nào đó được xem là một trong những chiến thuật, chiến lược kinh doanh, chưa nói là phải chịu sức ép từ hàng lậu. Vì thế, việc điều chỉnh giá điện thoại trên thị trường dường như là một chuyện đương nhiên.
Theo SGGP 12h
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận