Câu chuyện về Bitcoin nóng lên tại Hội thảo "Blockchain và thuế số hoá - Những tác động đến ngành kinh doanh" do Viện kế toán công chứng Anh và xứ Wales tổ chức ngày 15-11.
Tại đây, ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc Bộ phận Tư vấn thuế Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, cho rằng, ngay cả với các cơ quan quản lý nhà nước, cách quản lý và ứng xử với đồng tiền điện tử này cũng chưa thống nhất.
Dẫn chứng cụ thể nhất, theo ông Hoàng, là trường hợp vụ kiện đình đám đầu tiên về truy thu thuế Bitcoin tại Bến Tre vào cuối tháng 9 vừa qua giữa Chi Cục thuế thành phố Bến Tre và ông Nguyễn Việt Cường.
Từ giữa năm 2008, ông Nguyễn Việt Cường bắt đầu kinh doanh tiền điện tử kiểu Bitcoin qua mạng Internet.
Đến tháng 9-2013, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bến Tre đã nhiều lần mời ông Cường đến làm việc về các hoạt động liên quan đến việc trao đổi tiền điện tử này và sau đó kết luận trường hợp kinh doanh này không phải là hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, đến tháng 10-2015, cơ quan này gửi công văn cho các ban, ngành và Chi cục Thuế thành phố Bến Tre đề nghị xử lý hành chính đối với hành vi mua bán tiền ảo, tiền điện tử của ông Nguyễn Việt Cường.
Sau đó Chi cục Thuế thành phố Bến Tre đã ra Quyết định 714 "Về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả", buộc ông Cường phải nộp hơn 981 triệu đồng tiền thuế giá trị gia tăng và hơn 1,6 tỉ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân, tổng cộng hơn 2,6 tỉ đồng.
Theo các chuyên gia, dù Bitcoin vẫn chưa được công nhận hợp pháp, và Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng cảnh báo, tuy nhiên một vài nơi tại Việt Nam vẫn chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin.
Dù chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin nhưng việc định giá hàng hóa vẫn chỉ bằng VND hoặc USD.
Trên thực tế, các điểm chấp nhận giao dịch đó khi thanh toán bằng Bitcoin xong thì lập tức chuyển đổi sang VND hoặc USD để tránh các rủi ro do biến động giá của đồng BTC này trong thời gian qua là rất lớn
Ông Cường nhiều lần khiếu nại vì cho rằng hình thức kinh doanh này không vi phạm pháp luật, kể cả pháp luật về thuế chưa có quy định và điều chỉnh.
Do loại hình kinh doanh tiền điện tử không được coi là hàng hóa để đăng ký kinh doanh thương mại theo Nghị định 53/2013 ngày 16-5-2013 về thương mại điện tử nên ông Cường không thể đăng ký được tại Sở Kế hoạch - Đầu tư.
Do đó, ông Cường không thực hiện được chế độ chứng từ, hóa đơn, cũng như kê khai nộp thuế vì hình thức kinh doanh chưa có tên và chưa có mã số ngành nghề trong hệ thống ngành nghề kinh doanh Việt Nam.
Sau nhiều lần hòa giải không thành, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đã thụ lý đơn kiện của ông Cường và cuối tháng 9 vừa qua đã đưa ra xét xử.
Tại đây, Tòa tuyên hủy các quyết định về truy thu thuế đối với ông Cường vì cho rằng hiện nay chưa có quy định pháp luật nào công nhận Bitcoin là hàng hóa nên nếu thu thuế thì mặc nhiên coi đó là hàng hóa trong khi Đề án về khung pháp lý để quản lý, xử lý loại tiền này chỉ mới đang xây dựng.
Mặt khác, tại quyết định truy thu thuế, cơ quan thuế có ghi nhận không xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Cường do hình thức kinh doanh mua bán tiền kiểu Bitcoin trên mạng Internet là một loại hình mới phát sinh, các văn bản hướng dẫn áp dụng thu thuế còn chậm. Điều đó thể hiện việc mua bán loại tiền này chưa có văn bản hướng dẫn thi hành.
"Như vậy, rõ ràng hiện nay quy định giữa các cơ quan quản lý còn "đá" nhau, và việc này cần có thời gian để xử lý", ông Hoàng nhận định.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, trong thời gian qua, Bitcoin đã hai lần lao dốc, mỗi lần mất ít nhất 2.000 USD một BTC.
Lần đầu tiên, khi giá một Bitcoin tăng lên đến 5.000 USD vào đầu tháng 9 và về còn 3.000 USD hai tuần sau đó.
Lần thứ hai, cách đây một tuần khi giá một Bitcoin lên đến hơn 7,700 USD lại đổ dốc mất hơn 2.200 USD, rồi lại hồi phục đi lên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận