Kim là vàng; tiền là đồng tiền. Đồng tiền có thể dùng để mua lượng vàng; lượng vàng có thể được bán đi để lấy đồng tiền. Cả kim và tiền đều có mãi lực tổng quát, nghĩa là mua được mọi thứ bất cứ ở nơi đâu và bất cứ thời điểm nào.
Người ta thường ca ngợi đồng đôla Mỹ, đồng bảng Anh, đồng euro của châu Âu là những đồng tiền mạnh. Thế nhưng, có lẽ đồng tiền và lượng vàng trên đất nước ta mạnh không kém đồng tiền nào; nếu hiểu nghĩa chữ "mạnh" là mua được mọi thứ, kể cả những thứ mà người ta không được phép bán.
Thời bao cấp, con người ít ganh tỵ nhau bởi nhìn ra ai cũng nghèo giống nhau, bữa cơm nhà nào "chất lượng" cũng na ná nhau vì... thương nghiệp hợp tác xã bán cho thứ gì thì người ta ăn thứ ấy; ít có ai dư tiền để sắm sửa nổi bật trước cuộc sống.
Cái thời... Nghiêu Thuấn ấy đã xa! Ngày nay, giàu và nghèo phân biệt rõ rệt, sự ganh tỵ phóng phát; người giàu đắc ý cũng nhiều và người nghèo tủi thân cũng lắm. Cái động cơ chạy máy dầu cặn đen thui ấy nổ ầm ầm, thôi thúc người ta tìm mọi cách để làm ra đồng tiền, bán những quyền lực vô hình và tài nguyên hữu hình của nhà nước mà kiếm đồng tiền, lượng vàng.
Nếu người nghèo nhất bỏ sức lao động hay bán chút tim óc chỉ để mong kiếm đủ ăn một ngày, một tuần, một tháng thì những quan chức sẵn sàng bán quyền thế, bán lương tri để mong làm giàu nhanh, vun vén làm giàu nước rút cho ba đời, bốn đời, nhiều đời.
Kim tiền đeo đẳng kiếp người, biến một bộ phận quan chức thành kẻ can đảm, sẵn sàng đánh đổi danh dự và nhân phẩm, chịu phạm tội, chịu ngồi tù để làm giàu nhanh cho gia đình mình.
Hôm qua, anh còn mặc bộ vest đắt tiền, thắt cravate đỏ rao giảng đạo lý giữ gìn phẩm chất đạo đức thì hôm nay, anh đã ra trước tòa đứng làm bị cáo vụ án tham nhũng, nói lời sau cùng xin tòa chiếu cố cho công sức đóng góp nhiều năm của anh mà giảm nhẹ hình phạt.
Món kim tiền ấy nó khôn, nó lỏi, nó luồn lách và lừa mị vô cùng. Nó có ban, có bệ, có phe, có nhóm; nó tạo ra những rào cản gọi là thủ tục giả tạo để moi tiền, móc tiền, thậm chí bóp cổ buộc người khác ói tiền vàng ra cho mình và phe nhóm thụ hưởng.
Chưa bao giờ, đất nước đầy tình thương yêu, đầy tâm hồn nhân văn, đầy những con người khí tiết và có lòng tự trọng như đất nước ta mà bị sức mạnh của kim tiền thao túng, chi phối và hành hạ đến vậy.
Ta đau niềm đau khi nhìn đâu cũng thấy tham ô; nghe người bình dân thấp cổ bé miệng kể bất cứ chuyện gì cũng phải lấy đồng tiền ra mà mua mới được, mới xong, mới có. Vàng tiền phá hoại phẩm giá dân tộc!
Thường nghe nói cuối triều Nguyễn, tệ nạn mua quan bán chức nở rộ nhưng so ra "phiên chợ" mua quan bán chức trong thời chúng ta mới đang phát huy hết mãi lực của nó.
Phiên chợ ấy đưa một số người phẩm chất hạng bét, dở ngu dở khôn ra ngồi đầy trên các ghế công quyền; làm không ra làm, chơi không ra chơi, chỉ chừa cơ hội là ngửa tay đòi tiền, làm khó nhân dân đòi tiền. Người ta biết chức nhỏ nhất như hột mè, hột đậu cũng có thể đẻ ra vàng và tiền nên phải dùng vàng và tiền mua cho được hột mè, hột đậu ấy.
Tôi biết trong nhà thương kia, có những người nghèo không có tiền chữa bệnh mà đành ôm cái chết. Tôi biết trong bưng biền, buôn làng xa kia có những đứa bé muốn được đi học mà cha mẹ không đủ tiền mua áo quần giấy bút nên phải ở nhà mò cua, bắt ốc, cam chịu đời tăm tối. Tôi biết xóm nọ có cô gái nghèo giàu khát vọng vươn lên nhưng phải đi bán trinh tiết của mình đưa tiền cho mẹ...
Đồng tiền cũng đang đeo đẳng những phận đời ấy với những giấc mơ buồn vì không có được đồng tiền. Và sau khi học hết bài học của sự đau đớn, họ bỗng hóa thành nhà hiền triết "Cái số mình nó vậy"!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận