24/02/2013 08:14 GMT+7

Kim Nguyễn và cuộc nổi loạn thần kỳ

MẠNH CƯỜNG VŨ 
MẠNH CƯỜNG VŨ 

TT - Mười năm sau khi làm bộ phim đầu tay, sự thần kỳ dường như đã đến với Kim Nguyễn - chàng trai Canada gốc Việt sinh năm 1974, tác giả của Rebelle (Nữ phiến quân) - tên gốc của bộ phim War witch (Phù thủy chiến tranh).

<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

SXmqytbM.jpgPhóng to
Kim Nguyễn (thứ hai từ trái) chụp ảnh cùng đoàn làm phim Rebelle
JUXez8LO.jpgPhóng to

Từng được đón nhận nồng nhiệt tại Berlinale - Liên hoan phim quốc tế Berlin năm 2012, bộ phim hiện là ứng cử viên sáng giá cho giải Oscar phim nói tiếng nước ngoài hay nhất được trao vào tối chủ nhật 24-2 (sáng thứ hai giờ VN).

Ba cuộc thử thách

Ngay từ thời trung học tại Trường Jean-de-Brébeuf ở Montréal, Kim đã chọn chuyên ngành truyền thông. Ở đó, anh được tiếp xúc với những kỹ năng sơ khởi về nhiếp ảnh, truyền hình, đạo diễn và sản xuất. Vào đại học, Kim quyết tâm theo đuổi đam mê điện ảnh khi theo học ngành sản xuất phim tại Trường đại học Concordia. Ðồng thời anh tự học thêm về viết kịch bản và nhiếp ảnh. Ðể có cơ hội thử nghiệm những kỹ thuật cải biến hình ảnh nghệ thuật, anh tự thành lập công ty riêng mang tên Shen Studios, chữ 神 (Shen) có nghĩa là thần. Trước khi bắt tay vào làm bộ phim dài đầu tiên Le marais (Ðầm lầy) vào năm 2002, Kim đã có hai phim ngắn La route (Con đường, 1997) và Soleil glacé (Mặt trời đóng băng,2000) trong vai trò đạo diễn và tự viết kịch bản.

Le marais với câu chuyện diễn ra ở Ðông Âu vào thế kỷ 19 được đề cử tới sáu giải Jutra - một giải thưởng điện ảnh thường niên cho phim nói tiếng Pháp ở Québec (Canada). Chọn một đề tài hóc búa về hai người đàn ông bị xã hội ruồng bỏ, trở thành bạn thân và sống cách biệt tại một khu đầm lầy bị ma ám, bộ phim đầu tay của Kim phảng phất không khí kỳ bí. Phim đầu tay này của Kim Nguyễn cũng là phim chiếu bế mạc Ðại hội điện ảnh VN quốc tế (ViFF) lần thứ nhất vào năm 2003 ở miền nam California.

Bộ phim tiếp theo Truffe (Nấm cục,2008) là một tác phẩm giả tưởng hài hước với bối cảnh tại chính thành phố Montréal quê anh. Ðiểm đặc biệt là phim đen trắng, theo như giải thích của Kim nhằm có tự do khi quay phim do không phải cân đối tất cả màu sắc của đèn, đồng thời anh có thể chú tâm vào bố cục thay vì cố gắng hòa hợp mọi thứ.

Tác phẩm thứ ba La cité (Thành phố, 2010) với câu chuyện về một bác sĩ người Pháp giữa một thành cổ thời 1885 ở Bắc Phi đã cho thấy tư duy hình ảnh vượt trội của Kim. Tuy được tạp chí phim Montréal đánh giá là một đạo diễn tài năng của Québec, tất cả ba bộ phim này đều chưa đi xa được ra quốc tế, khi Kim còn mang ảnh hưởng phong cách làm phim của rất nhiều tên tuổi đi trước và bị đánh giá là còn yếu ở khâu kịch bản.

Cuộc nổi loạn gây xúc động

Cuộc nổi loạn thật sự của Kim Nguyễn chỉ đến khi anh quyết định thay đổi hoàn toàn phong cách làm phim ở tác phẩm thứ tư - Rebelle (War witch). Mặc dù có kịch bản nung nấu suốt mười năm, khi bắt tay thực hiện Kim quyết định không cho diễn viên biết về kịch bản. Các diễn viên này hầu hết lần đầu đứng trước máy quay và chỉ sống với những gì đang diễn ra theo như chỉ bảo của đạo diễn. Kim nổi loạn với chính mình, dám chơi canh bạc để cho diễn viên có cơ hội được phiêu theo cảm xúc chân thật.

Bộ phim được quay hoàn toàn ở Kinshasa và khu vực lân cận tại Cộng hòa Dân chủ Congo - một điểm nóng trên thế giới, dù câu chuyện được thai nghén từ một mẩu tin buổi sáng mà Kim tình cờ đọc được đến từ một châu lục hoàn toàn khác. Ðó là thông tin về "Johnny và Luther Htoo"- hai đứa trẻ song sinh khoảng 10 tuổi người Myanmar được tôn thờ làm thánh trong nhóm phiến quân.

Hai đứa rít thuốc liên tục và huyền thoại cho rằng chúng có thể điều khiển được một đội quân vô hình gồm 250.000 lính. Ðó là khởi điểm để Kim bắt tay vào việc tìm hiểu về thiếu sinh quân và thế giới tâm linh của chúng. Các câu chuyện thực tế từ Sierra Leone, Angola hay các vùng chiến sự đẫm máu khác trên toàn cầu đã làm nên các chi tiết trong phim. Trước khi khởi quay, Kim đã đến khảo sát nhiều lần từ vài tuần đến vài tháng để tìm hiểu kỹ hơn về những gì thực chất diễn ra. Anh hiểu rằng quá trình tiến đến hòa bình là một con đường dài lâu, và phía sau các tranh chấp còn là những lợi ích về kinh tế liên quan đến phương Tây.

Rebelle là câu chuyện của thiếu nữ Komona khi đang mang thai và kể cho đứa con trong bụng về cuộc đời cô. Ngơ ngác bên bờ sông chứng kiến cảnh phiến quân đột nhập ngôi làng, ép buộc cô cầm súng giết cha mẹ, bị bắt cóc cùng những đứa trẻ mới lớn khác và được tẩy não rằng từ nay cây súng mới là cha mẹ thật sự. Một lần tình cờ thoát chết trong cuộc đọ súng với quân chính phủ đã giúp Komona được tôn vinh làm thần linh của nhóm chiến binh và nhận được sự bảo vệ tối cao. Tuy vậy, cô vẫn quyết tâm bỏ trốn với một chàng trai trẻ bạch tạng mệnh danh Magicien (Nhà ảo thuật).

Thế giới tâm linh đặc biệt của người châu Phi với lòng tin tuyệt đối vào linh hồn còn hiện diện sau khi chết cũng góp phần tạo dựng không khí đặc biệt của phim - sự đối chọi giữa một bên là hiện thực đau đớn và một bên là cuộc sống tinh thần như là chỗ dựa. Kim Nguyễn không sa đà vào việc phân tích đúng - sai một chủ đề đầy nhức nhối, mà để cho người xem tự cảm nhận những gì diễn ra trên màn ảnh.

Tại Berlinale năm 2012, Rebelle đã lấy nhiều nước mắt của khán giả và làm tốn nhiều giấy mực của báo chí. Với riêng tôi, bộ phim xứng đáng đoạt Gấu vàng năm đó hơn cả trong số các phim tranh giải. Cuối cùng cô gái người Congo từng sống bụi đời Rachel Mwanza trong vai Komona đã xứng đáng nhận giải Gấu bạc nữ diễn viên xuất sắc nhất. Cho đến trước thềm Oscar, bộ phim đã nhận được tổng cộng sáu giải thưởng khác nhau.

Còn một quê cha...

Tôi dự buổi họp báo ở Berlinale của phim Rebelle và sau đó nói chuyện riêng với Kim Nguyễn. Cảm giác mà Kim đem lại cho người đối diện luôn là sự lịch lãm mà gần gũi, không hề giống như hình dung về một kẻ nổi loạn từng thử nghiệm kể các kiểu câu chuyện khác nhau bằng hình ảnh. Nụ cười sáng láng, thoải mái. Chiếc đầu trọc như của một thiền sư. Tôi chia sẻ với anh về niềm hi vọng được thể hiện trong phim và thắc mắc liệu có ngày anh sẽ làm một bộ phim với bối cảnh VN hay không. Anh cười trong vẻ bối rối, nói là phải nghĩ cách trả lời câu hỏi thứ hai nên trả lời về niềm hi vọng trước.

Sau khi diễn giải về Rebelle, anh ngưng ngắn rồi tiếp: "Mang nửa dòng máu Việt, tôi quả thực rất muốn ngày đó thành hiện thực. Thế nhưng tôi chưa từng sống ở VN bao giờ. Ðể phân tích xung đột nội bộ và diễn đạt nó với niềm hi vọng trong bối cảnh VN một cách cặn kẽ và đa chiều, thật sự là rất khó. Tôi cũng không biết nói và hiểu tiếng Việt. Vì vậy tôi lo ngại có thể đánh giá sai tình huống". Nhưng rồi Kim cũng thẳng thắn: "Ðiều gì không biết thì có thể nghiên cứu. Và ta chỉ có thể kể chuyện tốt nếu cảm được câu chuyện".

Bắt tay Kim rất chặt và chúc cho những thành công sẽ đến với Rebelle, tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi bộ phim và quan niệm sâu sắc về nghề nghiệp của anh. Vâng, biết đâu cuộc nổi loạn thứ năm của Kim Nguyễn sẽ là một tác phẩm liên quan đến quê cha của anh? Và tác phẩm đó chắc sẽ là điều thần kỳ với riêng anh, cho dù tại lễ trao giải Oscar tới cái tên Kim Nguyễn có được xướng lên hay không.

(từ Berlin)

MẠNH CƯỜNG VŨ 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp