Xã hội bất ổn từ kim cương máu!
Tại Cộng hòa dân chủ Congo (DRC), Chủ tịch Hội đồng kim cương châu Phi M'Zee Fula Ngenge cho biết kim cương có một lịch sử xung đột do "lòng tham, chủ nghĩa ly khai hậu thuộc địa, cũng như sự xói mòn trách nhiệm của khu vực công và sự quản lý của chính phủ".
Ông Ngenge tin rằng chỉ một số ít tổ chức được hưởng lợi trực tiếp từ quá trình lao động đến đổ máu của những người lao động nghèo khổ.
Xung đột khu vực không chỉ làm tăng thêm sự kiểm soát và áp bức bất hợp pháp, mà còn mang lại lợi ích cho những tên tuổi lớn trong ngành buôn bán kim cương.
Kịch bản xung đột này ở Congo cũng tương tự ở các quốc gia châu Phi khác có nguồn tài nguyên khoáng sản lớn. Ông Ngenge nhấn mạnh nhiều quốc gia trong khu vực bất ổn chính trị và xã hội là "mục tiêu có chủ ý của ngành công nghiệp kim cương".
Điểm chung của Congo, Angola, Mozambique và nhiều quốc gia giàu khoáng sản khác ở châu Phi là có hai thị trường khai thác khoáng sản: Một ngành công nghiệp khai thác chính thức, hầu hết do nước ngoài thống trị và chịu sự giám sát ở một mức độ nào đó. Thị trường còn lại diễn ra trong bí mật và do những người khai thác lậu cùng các nhà tài trợ nước ngoài.
Đài truyền hình Đức DW đã đến thăm thị trấn khai thác kim cương Cafunfo ở tỉnh Lunda Norte của Angola, nằm gần biên giới với Congo.
Caiongo Adelino là một thợ mỏ không chính thức (còn gọi là garimpeiro) trong hơn 10 năm. Người đàn ông 49 tuổi nói các nhóm đào mỏ thường có các nhà tài trợ. Họ trả tiền cho các nhóm đi sâu vào rừng để khai thác kim cương bất hợp pháp. Sau đó, những nhà tài trợ này mua lại kim cương của họ với giá rẻ mạt.
Ông Adelino nói với DW: “Lần cuối cùng tôi bán một viên kim cương, nó có giá 1.250 USD. Nhưng đây không phải là giá thực".
Thị trường mua bán kim cương bí mật do thợ mỏ khai thác - phần lớn là người Senegal, Trung Quốc, Pháp, Eritrea, Guinea và Congo.
Thế giới phát triển 'làm ngơ'?
Dữ liệu từ Hội đồng kim cương châu Phi ước tính khoảng 28% đến 32% tổng sản lượng kim cương châu Phi bị thất thoát vào tay các nhóm buôn lậu.
Ông Ngenge nói với DW: “Trong một số trường hợp, kim cương vận chuyển trái phép bị tịch thu và trở thành tài sản của quốc gia tịch thu chúng".
"Vì vậy, 'thế giới phát triển', như Giáo hoàng Francis gần đây đã gọi họ, chắc chắn có tội khi nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng buôn lậu kim cương này", ông Ngenge nói.
Đài DW cũng nói chuyện với một chuyên gia về địa chính trị kim cương - người đã yêu cầu không nêu tên trước khi nêu bật một số cơ chế rửa tiền đằng sau giao dịch này.
"Đôi khi kim cương bị đánh cắp từ các mỏ ở Angola và được vận chuyển đến DRC. Sau đó chúng được xuất khẩu sang Dubai với các tài liệu ghi những viên kim cương này đến từ DRC", ông nói.
Ông Rafael Marques de Morais, một nhà báo người Angola và là tác giả của cuốn Những viên kim cương máu, chỉ trích những cải cách trong thương mại kim cương ở Angola và quốc tế.
Ông tin rằng chương trình chứng nhận "quy trình Kimberley" đa phương, được thành lập vào năm 2003, đang bị lạm dụng như một cái cớ để xoa dịu những tiếng nói chỉ trích.
Quy trình Kimberley là sự hợp tác quốc tế giữa nhiều quốc gia, tổ chức phi chính phủ và ngành công nghiệp kim cương nhằm chứng nhận kim cương bán ra thị trường có nguồn gốc sạch, không đến từ những vùng có xung đột và vấy máu người châu Phi.
Theo ông Marques de Morais, giao thức này chẳng qua để trang trí nhằm giảm tác động của việc cướp bóc và chuyển giao tài nguyên khoáng sản từ các nước nghèo. Trong khi thực tế, nó bảo vệ lợi ích của các quốc gia mua những viên đá quý.
"Nói rằng kim cương sạch là đủ để biện minh cho mọi thứ? Nhưng chúng không sạch, vì chúng tiếp tục bị khai thác thô bạo", ông nói với DW.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận