Kiều Maily là người Chăm làng Pabblap Phước Nhơn (tỉnh Ninh Thuận). Chị là hội viên Hội Văn hóa nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Trong thời gian qua, Kiều Maily có nhiều hoạt động, dự án góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa của người Chăm.
Tiếp tục "sứ mệnh" của mình, sáng nay tại TP.HCM, Kiều Maily có cuộc trò chuyện với chủ đề "Áo dài Chăm - Việt, nét đẹp từ ký ức đến hiện tại", giúp cho nhiều người hiểu thêm về nét độc đáo của áo dài Chăm. Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy - hội trưởng Hội quán Các bà mẹ - đồng hành với vai trò dẫn dắt.
Áo dài là linh hồn của người Chăm
Theo chị Kiều Maily, áo dài Chăm có ba tên gọi khác nhau gồm Aw dha baung, Aw dwa baung và Aw bak kwang. Điểm đặc biệt của loại áo dài này là mặc chui đầu, áo dài không xẻ tà.
Về cổ áo, hình lá trầu là loại cổ áo xưa nhất. Tuy nhiên, trong dòng chảy đời sống xã hội hiện nay, cổ áo dài Chăm có nhiều thay đổi, có nhiều kiểu dáng khác nhau, phù hợp với xu hướng bây giờ.
"Áo dài Aw dwa baung được may từ 7 mảnh vải ghép lại với nhau. Nguyên nhân được cho rằng ngày xưa khung dệt hẹp nên buộc phải ghép vải lại với nhau.
Còn áo dài Aw bak kwang được may từ nhiều mảnh vải lại với nhau. Màu sắc kết hợp tùy theo sở thích của chủ nhân. Phần thân, hai tay chọn màu sắc khác nhau. Về cổ áo là cổ lá trầu, tiếng Chăm gọi là Takuai hala có thể may với màu sắc khác biệt, hoặc để trơn tùy sở thích.
Còn áo dài Aw dha baung là loại áo cách tân, đang được phổ biến hiện nay, được các bạn trẻ chuộng mặc" - chị Kiều Maily chia sẻ.
Điều đặc biệt, áo dài được xem như là linh hồn của người Chăm. Áo dài được sử dụng trong tất cả hoạt động của đời sống và tất nhiên không thể thiếu trong bất kỳ lễ hội nào. Áo dài mặc trong lễ hội lại có quy định riêng.
Loại vải chọn may áo dài là vải trơn. Tùy vào sở thích mà người mặc sẽ chọn màu. Những màu thông thường được chọn nhiều gồm màu đen, trắng, đỏ và xanh. Trong đó, người Chăm thường dùng vải đen may váy.
Trước đây, áo dài Chăm thường được đính thổ cẩm lên trên viền áo nhưng không nhiều. Vì hoa văn của người Chăm được dệt phần lớn dùng trong nghi lễ tôn giáo.
Kiều Maily ước mong xây dựng một bảo tàng Chăm
Cách đây khoảng 10 năm, Kiều Maily khởi động dự án Chăm đẹp trên mọi nẻo đường với mong muốn kêu gọi giới trẻ Chăm quay lại sử dụng áo dài truyền thống của dân tộc.
Kết quả bước đầu đã tạo được cảm hứng và khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc trong các bạn trẻ. Các bạn đã thấy được nét đẹp của dân tộc mình trong cộng đồng 54 dân tộc anh em tại Việt Nam.
"Giới trẻ người Chăm đã và đang quan tâm đến áo dài của dân tộc mình. Theo quan sát của Maily, giới trẻ thích áo dài Aw dwa baung và Aw dha baung" - chị Kiều Mailly vui mừng chia sẻ.
Điều mong mỏi và trăn trở nhất hiện nay của Kiều Maily là xây dựng một bảo tàng nho nhỏ ngay trong ngôi làng của mình, để có thể bảo tồn những trang phục, đồ vật người Chăm không còn dùng trong nhà nữa.
"Bởi lẽ mình không làm thì các bạn trẻ có thể lãng quên trước cuộc sống hối hả, hội nhập hiện nay. Họ sẽ không nhớ văn hóa của người Chăm, không nhớ áo quần trong đời thường như thế nào, trong nghi lễ như thế nào" - Kiều Maily cho biết thêm.
Để thực hiện được ước mơ của mình, Kiều Maily đã xây dựng chương trình trải nghiệm văn hóa Chăm tại Hội An. Chị chọn Hội An vì nơi đây đông du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, cơ hội để chị mang văn hóa Chăm đến với nhiều người.
Nơi đây trưng bày trang phục Chăm, nhạc cụ của người Chăm, các vật dụng dùng trong nghi lễ của người Chăm.
Chương trình này là nền tảng xây dựng về chương trình kết nối du lịch tại quê nhà Ninh Thuận của Kiều Maily. Khi đó, du khách về làng Chăm sẽ hiểu hơn về các giá trị văn hóa của người Chăm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận