18/08/2017 08:09 GMT+7

Kiểu làm BOT đang tiềm ẩn bất ổn

TUỔI TRẺ
TUỔI TRẺ

TTO - Xung quanh dư luận về trạm thu phí BOT tuyến Cai Lậy, dù Bộ GTVT đã họp báo nhưng trả lời của người đại diện vẫn chưa thỏa mãn nhiều người. Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia.

Ngày thứ 3 trạm thu phí BOT Cai Lậy tạm dừng thu phí (ảnh chụp nhày 17-8) - Ảnh: NAM TRẦN
Ngày thứ 3 trạm thu phí BOT Cai Lậy tạm dừng thu phí (ảnh chụp nhày 17-8) - Ảnh: NAM TRẦN
Ông Huỳnh Thế Du - Ảnh: Q.ĐỊNH
Ông Huỳnh Thế Du - Ảnh: Q.ĐỊNH

* Ông Huỳnh Thế Du (giảng viên Đại học Fulbright VN):

Phải thẳng thắn với nhau

Những năm gần đây, mô hình hợp tác công tư (PPP) được triển khai rầm rộ trong ngành GTVT. Việc này đã tạo ra sự thay đổi đáng kể đối với hạ tầng GTVT ở VN. Đây là điều đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là: tại sao hầu hết các dự án PPP giao thông - mà chủ yếu là BOT - lại được xây dựng trên các tuyến đường hiện hữu trong khi cái mà VN thực sự cần là một hệ thống đường bộ cao tốc đồng bộ trải dài từ Nam ra Bắc?

Việc triển khai vội vã rất nhiều dự án trong bối cảnh hai yếu tố cơ bản để các dự án PPP có thể thành công, là: năng lực của Nhà nước và tính minh bạch chưa thể đáp ứng, đã gây ra rất nhiều hệ lụy.

Rất ít dự án PPP có thể đạt được 9 điều kiện để có thể thành công gồm: 1) lập kế hoạch kỹ càng, 2) ước tính chặt chẽ các chi phí và nguồn thu, 3) người sử dụng sẵn sàng chi trả và kế hoạch truyền thông tốt, 4) nghiên cứu khả thi kỹ càng thông qua việc sử dụng các chuyên gia về PPP, 5) tuân thủ các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng, 6) khung pháp lý và quy định phù hợp, 7) các thể chế mạnh với các nguồn lực phù hợp, 8) quá trình đấu thầu cạnh tranh và minh bạch, 9) giảm thiểu và linh hoạt trong việc quản trị các rủi ro vĩ mô (môi trường vĩ mô ổn định).

Trái lại, hầu hết các dự án lại hiển hiện các nguyên nhân thất bại gồm: 1) khung pháp lý và chế tài không tốt, 2) năng lực thể chế và chiến lược phát triển PPP yếu, 3) những ước tính không thực tế về các chi phí và doanh thu, 4) thiếu những phân tích kinh tế và tài chính chi tiết, 4) cách thức chia sẻ rủi ro không phù hợp, 6) thiếu đấu thầu cạnh tranh, và 7) sự kháng cự của công chúng.

Việc triển khai các dự án PPP giao thông ở VN rõ ràng đang gặp rất nhiều vấn đề, nhưng nghiêm trọng hơn là chiến lược phát triển GTVT dường như đã không đúng hướng.

Đã có những phân tích từ rất lâu chỉ ra rằng VN nên ưu tiên xây dựng mạng lưới đường bộ cao tốc, nâng cấp hệ thống đường sắt hiện tại và chuẩn bị đủ hạ tầng cho nhu cầu vận tải hàng không.

Tuy nhiên, trên thực tế cả ba nội dung này chỉ được triển khai giống như cho có, trong khi nguồn lực lại được tập trung vào việc nâng cấp hoặc xây dựng những công trình giao thông hết sức tốn kém nhưng mang lại hiệu quả kinh tế rất thấp.

Trên thực tế nguồn vốn đầu tư dành cho GTVT của VN trong mấy thập niên qua không phải là ít, nhưng kết quả là một hệ thống hạ tầng giao thông luôn quá tải bị bủa vây bởi hệ thống trạm thu phí dày đặc tạo ra sự bức xúc rất lớn cho người dân và tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn nghiêm trọng.

Do vậy, VN cần có những nhìn nhận và đánh giá thẳng thắn về chiến lược phát triển cũng như cách làm của ngành GTVT trong thời gian qua để có những giải pháp hợp lý và cần thiết.

PGS Nguyễn Lê Ninh - Ảnh: NVCC
PGS Nguyễn Lê Ninh - Ảnh: NVCC

* PGS Nguyễn Lê Ninh (ủy viên Ủy ban MTTQ VN TP.HCM):

Bộ GTVT xem thường dư luận

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định trạm thu phí BOT Cai Lậy đặt đúng vị trí là xem thường dư luận, không quan tâm đến ý kiến của người dân.

Những giải đáp của ông Đông trong buổi họp báo chiều 17-8 là không rõ ràng, không có căn cứ, không giải quyết được vấn đề gì. Nhiều người dân đã bắt đầu phản ứng không đồng tình, các tài xế vẫn đang tiếp tục kêu gọi đồng nghiệp đi đổi tiền lẻ.

Tình trạng này kéo dài đến bao giờ mới chấm dứt?

Nếu Bộ GTVT khẳng định trạm thu phí đặt đúng chỗ và đúng quy trình kỹ thuật thì phải trình ra cho toàn dân được rõ những nghiên cứu, hồ sơ dự án... Với hiểu biết của cá nhân tôi, trạm thu phí chắc chắn đã đặt sai vị trí.

Từ xưa đến nay, tất cả các tuyến quốc lộ đều là của dân, do dân đóng góp tiền xây dựng, cho nên không ai được quyền thu phí. Nhà đầu tư đừng mượn cớ xây sửa vài kilômet đường mà buộc người dân gánh thêm những mức phí vô lý.

Hằng năm Nhà nước thu quỹ bảo trì đường bộ, bây giờ Thứ trưởng Đông lại khẳng định tiền quỹ bảo trì chỉ đạt được 50% cho việc bảo trì chung. Bộ GTVT hãy công khai tổng mức thu, mức chi phí bảo trì cụ thể là bao nhiêu, để người dân nắm được nước ta thiếu hụt bao nhiêu tiền bảo trì đường bộ.

Thiết nghĩ, trong vấn đề tại trạm thu phí BOT Cai Lậy, Bộ GTVT hãy xem xét lại, nhìn nhận những điểm chưa hợp lý và khắc phục kịp thời.

Suốt nhiều năm qua, hàng loạt công trình quan trọng đều được chỉ định thầu, quá trình kiểm định chất lượng công trình cũng mơ hồ, không rõ ràng. Trong thời gian tới, tất cả công trình quốc gia đều nên thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch.

Sau khi hoàn thành, toàn bộ công trình phải được kiểm định chất lượng. Tốt nhất, VN nên ưu tiên thuê tư vấn thiết kế, các công ty kiểm định quốc tế kiểm tra các công trình, kết quả sẽ chính xác, khách quan.

Ông Nguyễn Xuân Thành  - Ảnh: Q.ĐỊNH
Ông Nguyễn Xuân Thành - Ảnh: Q.ĐỊNH

* Ông NGUYỄN XUÂN THÀNH (Đại học Fulbright VN):

Làm đúng mới tạo tiền lệ tốt cho BOT

Việc các cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư BOT cùng đồng ý điều chỉnh giảm phí (mức giảm 22-30% đối với các loại xe) cho thấy họ cũng đã chấp nhận sự phi lý của mức phí cao. Nhưng chỉ dừng lại ở đó. Họ chưa thấy sự phi lý của việc lập trạm để thu tiền của cả xe đi đường tránh lẫn quốc lộ 1.

Ngay cả giảm phí đi 22-30% (theo các loại phương tiện) rồi điều chỉnh tăng thời gian thu phí lên hơn gấp đôi (từ 6 năm lên trên 12 năm) thì gánh nặng tài chính cũng đổ lên người dân và doanh nghiệp, có khi cao hơn.

Để giảm gánh nặng thực sự và đảm bảo công bằng, giải pháp tốt hơn là không thu phí đối với xe đi quốc lộ 1 hiện hữu qua thị xã Cai Lậy, chỉ thu phí đối với xe đi đường tránh đã được đầu tư mới theo hình thức BOT.

Việc hoàn tiền cho chủ đầu tư đã cải tạo, nâng cấp đoạn quốc lộ 1 hiện hữu nên lấy từ ngân sách. Đó sẽ là tiền lệ tốt cho các dự án giao thông có thu phí: tạo lựa chọn cho người đi đường.

Quan ngại của cơ quan quản lý nhà nước là vì áp lực xã hội mà phải điều chỉnh hợp đồng thì sẽ gây nản lòng các nhà đầu tư BOT hiện tại cũng như trong tương lai. Nhưng việc điều chỉnh một quyết định đầu tư cho dù không sai về quy trình, nhưng đúng về hiệu quả kinh tế cũng như công bằng về xã hội thì lại là một tiền lệ tốt.

Các nhà đầu tư BOT cần phải biết rằng nếu công khai, minh bạch, không dùng những thủ thuật để lách quy định nhằm tăng tính khả thi tài chính thì dự án của họ sẽ được pháp luật bảo vệ và người dân ủng hộ.

Đồ họa: NHƯ KHANH
Đồ họa: NHƯ KHANH
TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp