28/04/2016 12:30 GMT+7

Kiều bào về với Trường Sa - Kỳ 1: Trở về từ New Caledonia

NGUYỄN TRƯỜNG UY
NGUYỄN TRƯỜNG UY

TTO - Khi tàu kiểm ngư KN 490 tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh ở vùng biển Gạc Ma, bà Nguyễn Thị Thu - kiều bào Pháp đã kềm lòng để tiếng khóc của mình không bật lên thành tiếng.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Thu trên biển Trường Sa - Ảnh: Trường Uy
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Thu trên biển Trường Sa - Ảnh: N.T.U.

 

Tháng 4-2016, kỷ niệm 41 năm thống nhất đất nước, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Quân chủng hải quân tổ chức một chuyến thăm quần đảo Trường Sa cho 70 kiều bào từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ về thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

“Bao nhiêu năm sống ở nơi xa xôi, chúng tôi nghĩ mình là những người con đã bị lãng quên, nhưng không ngờ hôm nay được trở về đây, được thăm một nơi rất đặc biệt, trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, tôi ngập tràn hạnh phúc” - bà Nguyễn Thị Thu (Nguyen Maryvonne), một kiều bào VN ở New Caledonia (Pháp), bày tỏ khi đặt chân lên quần đảo Trường Sa.

Tôi muốn con cháu tôi có một quê hương chôn nhau cắt rốn như cách ngày xưa bố mẹ đã làm với tôi, để cho con cháu tôi luôn xác định rằng mình luôn mang dòng máu Việt

Bà NGUYỄN THỊ THU  (kiều bào New Caledonia)

Những đứa con trở về

Gia đình bà Thu có một hoàn cảnh xa xứ đặc biệt. 13 tuổi, ông ngoại của bà rời quê nhà Hải Dương đi phu mỏ (chân đăng) ở New Caledonia. Sau năm năm ở vùng đất Tân thế giới này, ông trở về quê nhà sinh con đẻ cái.

Ba mẹ của bà Thu trở thành thế hệ tiếp nối, họ sang New Caledonia vào năm 1918 khi mới 18 tuổi, làm phu mỏ xong thì ra ngoài lập nghiệp trên vùng đất mới, họ đến với nhau và có 12 người con.

Năm 1950 bà Thu ra đời, và 12 năm sau đó ba mẹ bà dắt díu 10 người con (trong đó có bà Thu) trở về quê nhà, để lại hai đứa con đã có gia đình ở nơi xa. Hoàn cảnh lại đẩy đưa thêm hai thế hệ nữa của gia đình bà Thu hình thành ở New Caledonia.

Vào năm 1980, bà Thu cùng chồng, hai con và ba mẹ bà sang lại nơi ấy nhờ bảo lãnh của hai anh chị. Tân thế giới bấy giờ đã rất phát triển, bà Thu từ một thợ may buổi đầu lập nghiệp đã nỗ lực trở thành một nhà thiết kế thời trang, và sau đó là kinh doanh siêu thị.

Con đàn cháu đống nở hoa trên vùng đất mới, đến bây giờ tính cả đại gia đình của bà có tổng cộng 100 người đang sinh sống ở New Caledonia.

“Điều tôi nuối tiếc duy nhất là đến bây giờ chưa đưa được mộ phần của bố mẹ mình từ New Caledonia về quê nhà. Sinh thời mẹ tôi luôn có nguyện ước rằng: Bố mẹ ở New Caledonia có các con và cháu chắt bên cạnh thì đây cũng là quê hương, nhưng mẹ còn có một quê hương chôn nhau cắt rốn khác ở Hải Dương, nếu được các con đưa bố mẹ về nơi ấy” - bà Thu kể.

Từ vài người rời Việt Nam đi phu mỏ năm xưa đã hình thành nên cộng đồng 10.000 người Việt ở New Caledonia hiện nay và là cộng đồng sắc tộc lớn nhất ở Tân thế giới, tập trung ở thủ phủ Numea.

Hội Ái hữu người Việt Nam ở New Caledonia kết nối cộng đồng lại với nhau, tại Numea có “Nhà Việt Nam” trong khuôn viên rộng do chính quyền cấp đất.

Vợ chồng bà Thu là thành viên tích cực trong cộng đồng, do đã nghỉ hưu nên bà có thời gian đi về Việt Nam nhiều hơn, thường là hai năm có một chuyến trở về.

Cuối tháng 3-2016, bà nhận được điện thoại từ Hội Người Việt Nam tại Pháp đề nghị tham gia chuyến đi Trường Sa cùng các kiều bào khắp thế giới, vợ chồng bà đồng ý ngay.

“Hai năm gần đây, bà con người Việt ở New Caledonia rất bức xúc trước việc Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

Chúng tôi tổ chức các buổi diễn thuyết ở Nhà Việt Nam, thông tin cập nhật tình hình ở Việt Nam cho bà con. Bây giờ đứa con Việt xa xứ bao năm là tôi được có mặt ngay tại Trường Sa, tôi mừng quá!” - bà Thu nói.

Bà con kiều bào cùng các chiến sĩ hải quân chào cờ Tổ quốc ở Trường Sa - Ảnh: Trường Uy
Bà con kiều bào cùng các chiến sĩ hải quân chào cờ Tổ quốc ở Trường Sa - Ảnh: Cảnh Tiêu

Thèm quê hương chôn nhau cắt rốn

Vợ chồng bà Thu có lẽ là người New Caledonia đầu tiên có mặt ở Trường Sa. “Sờ thấy” cụ thể Trường Sa, tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra tại hòn đảo này là điều khiến bà Thu quá thỏa lòng.

Hôm 22-4, khi tàu kiểm ngư KN 490 tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh ở vùng biển Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, bà Thu đã kềm lòng để tiếng khóc của mình không bật lên thành tiếng.

Đứng giữa các kiều bào Anh, Mỹ, Đức, Hungary, Ba Lan đang rưng lệ, bà Thu rưng rưng nói: “Các anh đã hi sinh anh dũng vì Tổ quốc, bà con kiều bào có mặt ở đây luôn nhớ các anh. Đây là một kỷ niệm đẹp và sẽ theo tôi suốt cuộc đời”.

Bà Thu cũng nói rằng sau chuyến trở về đặc biệt thăm biển đảo quê hương này, bà có thêm rất nhiều tư liệu quý thực tế mà ở Numea không thể mường tượng ra.

Suốt hành trình qua 11 điểm đảo và nhà giàn DK1, bà Thu quay khá nhiều phim, bà cho hay khi trở về New Caledonia sẽ làm một cuốn phim để mang ra chiếu cho bà con gốc Việt xem, rồi chuyền tay nhau trong cộng đồng để bà con hiểu hơn, nghĩ nhiều hơn về Tổ quốc để có nhiều đóng góp cho Việt Nam.

Trước việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, bà Thu còn nói sẽ nỗ lực cùng vận động kiến nghị quốc tế, đặc biệt là nước Pháp, lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Chính gốc gác Việt Nam sẽ thêm thôi thúc bà hướng về Tổ quốc.

Đoạn sau của cuộc đời bà Thu có phần giống như cha mẹ bà. Hai người con của bà, 43 và 38 tuổi, đã có gia đình riêng.

Bà muốn trở về Việt Nam ở hẳn nhưng vì sợ con cái nhớ mong, bà đành chọn cách đi đi về về giữa New Caledonia và Việt Nam.

Năm 1989, tức chín năm sau khi xách vali cùng chồng con sang New Caledonia, bà đã trở về mua nhà ở Hải Dương, 27 năm qua con cháu bà khi về Việt Nam luôn ở ngôi nhà ấy.

Bà làm hộ chiếu Việt, đăng ký nhập hộ khẩu, làm chứng minh nhân dân Việt Nam và thuyết phục con cái làm như mình.

“Là vì tôi muốn con cháu mình có một quê hương chôn nhau cắt rốn như cách ngày xưa bố mẹ đã làm với tôi, để con cháu tôi luôn xác định rằng chúng luôn mang dòng máu Việt” - bà Thu nói. Bà muốn dòng máu ấy thôi thúc qua thế hệ thứ năm của đại gia đình bà.

_________

Kỳ tới: Hậu duệ họ Lý ra Trường Sa

Dòng họ Lý Hoa Sơn ở Hàn Quốc đã về Bắc Ninh, Việt Nam nhận tiên tổ 22 năm trước. Giờ đây, hậu duệ đời thứ 28 của dòng họ này có mặt ở Trường Sa, nhận thêm một phần đất của Tổ quốc mình.

NGUYỄN TRƯỜNG UY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp