Một trong những gia đình kiều bào quyết định ở lại quê hương, không muốn đi đâu nữa là gia đình chị Phạm Hải Yến (quê gốc Ninh Bình, hiện đang sinh sống tại thị xã Tân Uyên, Bình Dương).
Niềm vui các con được đến trường
"Đợt mới chạy lánh chiến tranh, trở về nước, chúng tôi đã quyết định xây nhà trên miếng đất mua sẵn trước đó. Giờ các cháu đã ổn định việc học, chúng tôi cũng bắt đầu công việc nên không muốn đi đâu nữa, phần đời còn lại chỉ muốn sống ở quê thôi", chị Yến vui vẻ cười nói và khoe đang sắm sửa Tết.
Chúng tôi đã có dịp trò chuyện với chị Yến khi gia đình chị mới về nước và biết nhiều phụ huynh đã gặp khó khăn khi làm thủ tục nhập học cho con. Nay chị khoe các con đã học tốt các môn, trừ môn văn và lịch sử bởi viết tiếng Việt hơi khó.
Học thạo tiếng Việt nữa là các con chị biết bốn thứ tiếng gồm tiếng Việt, Nga, Ukraine và tiếng Anh.
Hai người con chị Yến, cô gái học lớp 10 và cậu trai học lớp 8, đã làm quen với trường lớp và bạn bè mới. Chị Yến vui vì các con thích thú, hòa nhập nhanh với môi trường mới, được bạn bè và thầy cô yêu quý.
Nhớ những ngày đầu cùng con ôn bài, chị Yến cười rớt nước mắt với một ngàn câu hỏi vì sao của con.
"Không biết ở lớp nghe kiểu gì mà về nhà bạn ấy nói "con trâu là chồng con bò, trâu có trâu trai và trâu gái đó mẹ", chị kể.
Ra chợ thấy sạp có quả gì ghi "cả ký", bạn ấy hỏi "cả ký là quả gì hả mẹ?". Hôm vừa rồi, bạn còn hỏi cô giáo: "Ông thầy tổ tiên và ông thầy cúng có cùng là một không?"...
Thế mà mẹ thử xúi "quay" bài, bạn ấy dứt khoát trả lời: "Con không phải người như thế, thi được thì lên lớp, không thi được thì con ở lại học thêm một năm".
"Thời gian đầu, tôi phải nhờ bạn bè ở quê tư vấn thêm cách dạy con. Tôi lựa chương trình học nhẹ nhàng để con học, mua và xin sách tiếng Việt khuyến khích con đọc mỗi ngày. Thấy con hào hứng cả nhà đều vui, chứ nhiều trẻ về nước sợ học lắm", chị Yến vui vẻ kể.
Về công việc, vợ chồng chị Yến đã đầu tư kinh doanh một cách bài bản với dự tính lâu dài. Vợ chồng chị cùng bạn bè thành lập công ty kinh doanh mảng trang trí nội thất, nhập khẩu sản phẩm ốp tường nano và gỗ phiến đá thêu cao cấp phân phối độc quyền.
Cũng quyết định ở lại quê nhà sau 25 năm bươn chải nơi xứ người Ukraine, gia đình chị Nguyễn Thị Luyến ở Cẩm Giàng (Hải Dương) đã ổn định cuộc sống bên người thân của mình.
Ngồi bên chiếc máy may mới đầu tư, cẩn thận từng đường khâu mũi chỉ trên trang phục của khách, chị Luyến đang có công việc tốt để cùng chồng và hai con bắt đầu cuộc sống mới ở quê nhà.
Chị may mắn bắt đầu công việc từ đợt về quê lánh nạn, giờ đã có kinh nghiệm hơn, thêm khả năng thiết kế phong cách hiện đại mà khách hàng tìm tới ngày càng nhiều. Chồng chị cũng tìm được công việc tại nhà máy sản xuất mì gói ở quê, thu nhập cả hai tạm đủ cho nhu cầu sinh hoạt và học tập của hai con.
Việc học tập của các con chị không quá lo lắng, vì con trai đầu đã về nước học đại học ngoại ngữ, năm nay là năm cuối cấp. Còn con thứ hai đã đăng ký vào học lớp 9 ở trường quê, việc học thuận lợi vì chị Luyến đã cho con học lớp tiếng Việt bên Ukraine.
Gia đình chị Luyến đang sống cùng gia đình anh trai trong ngôi nhà khá rộng rãi ở quê. Thời gian chờ đợi mua nhà riêng, chị Luyến vui vì anh em trong gia đình yêu thương và đùm bọc nhau lúc cần.
Háo hức đón xuân bên người thân yêu
Năm nay, gia đình ông Trương Xuân San ở phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) sẽ đón Tết với đông đủ con cháu nhất. Bảy thành viên gia đình ông từ Ukraine trở về lánh nạn vẫn ở lại quê nhà chờ chiến tranh kết thúc mới quay trở lại.
Hai gia đình con trai, con dâu cùng các cháu trở về sống cùng ông trong ngôi nhà nhỏ ở khu phố. Dù không gian và sinh hoạt có nhiều bất tiện nhưng được nhìn thấy con cháu vui khỏe, an toàn bên gia đình khiến ông San rất yên tâm.
"Tôi nay tuổi đã ngoài 70 tuổi. Chiến tranh, con cháu nguy hiểm, vất vả nhưng cũng may lần này về đông đủ, tôi được đón Tết cùng con cháu. Có cháu lần đầu đón Tết ở quê nên rất vui", ông San hào hứng.
Gia đình con trai đã sang Đức tiếp tục lánh chiến tranh, vợ chồng ông Phạm Quang Sơn tại phố Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã quyết định ở lại quê hương sinh sống.
Gia đình ông Sơn đã lập nghiệp ở Ukraine hơn 20 năm, đợt trở về này ông bà không đi đâu nữa mà sẽ hưởng tuổi già ở quê với gia đình con gái.
"Tết năm nay chúng tôi dự định đi thăm bà con bên nội, ngoại thôi. Bên Ukraine có tuyết, nhiệt độ xuống âm độ. Chúng tôi tuổi đã cao, phải làm quen với thời tiết trước rồi mới đi nhiều nơi được", ông Sơn cho biết.
Gia đình anh Hùng, chị Lan ở khu phố Mỹ Đình (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đang chuẩn bị đón Tết cùng người thân. Không gian sinh hoạt khá chật, nhưng anh Hùng cảm nhận được sự bình yên và ấm cúng.
Đối với gia đình chị Yến, năm nay là một cái Tết đặc biệt. Phải tới 6 năm gia đình chị mới cùng nhau đón Tết ở quê nhà.
"Ở bên Ukraine vào dịp Tết cổ truyền, người Việt mình đều tổ chức Tết nhưng cũng không thể nào bằng không khí ở quê nhà được. Cả gia đình tôi đang háo hức đón Tết lắm, nếu được ra quê Ninh Bình thì còn vui hơn nữa", chị Yến chia sẻ.
Gia đình chị Yến vừa xây nhà mới vừa đầu tư kinh doanh, tài sản bên Ukraine lại đang "đóng băng" nên điều kiện kinh tế năm nay sẽ khó dư dả.
Đây cũng là hoàn cảnh của phần lớn gia đình người Việt đang lánh nạn, khi cuộc chiến diễn ra. Nhưng dù gì họ cũng tưng bừng vui Tết, đã lâu lắm rồi mới có mùa xuân quây quần trên quê hương yêu thương của mình...
Và ai cũng mong chiến tranh Ukraine kết thúc, không còn cảnh vợ chồng ôm con nhỏ chạy loạn ngược xuôi.
Trong không khí Tết yên bình ở quê nhà, họ mong mùa xuân cũng sớm trở lại trên quê hương thứ hai của mình.
Nỗi lo chiến tranh vẫn còn
Đã gần một năm nhưng chiến sự ở Ukraine vẫn chưa có hồi kết, tình hình này đang đẩy nhiều gia đình người Việt vào tình cảnh đi cũng không được mà ở cũng không xong.
Với nhiều người Việt, Ukraine là quê hương thứ hai đã gắn bó gần nửa đời người. Nhà cửa, công việc, tài sản đã xây dựng cả 10 - 20 năm nay có nguy cơ mất trắng. Gia đình nào may mắn không bị đạn bom phá hủy thì cũng đang đóng cửa niêm phong, chưa biết ra sao ngày mai.
Gia đình chị Luyến thì khu nhà ở Ukraine vẫn ổn, nhưng hàng hóa đã bị bom dội san bằng. Gia đình anh Hùng, chị Lan ở trong chính hoàn cảnh đi không được mà ở không xong.
Hai vợ chồng và cậu con trai 8 tuổi đang phải ở ké nhà họ hàng trong căn nhà nhỏ tại TP Hà Nội đông đúc. Hiện anh Hùng và vợ vẫn chưa tìm được công việc đúng chuyên môn nên không có thu nhập ổn định.
Trường hợp tạm lánh sang Đức như gia đình con trai ông Sơn cũng không mấy khả quan.
"Để tiện cho con cháu học hành, vợ chồng con trai tôi đã qua Đức như nhiều gia đình người Việt khác. Tuy các cháu được đi học, vợ chồng con trai cũng có công việc, nhưng hiện nay cả nhà cháu vẫn phải sống trong khu tị nạn nên tôi không yên tâm lắm", ông Sơn tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận