14/11/2016 13:33 GMT+7

Kiều bào hiến kế cho phát triển

MAI HOA - QUANG KHẢI - , NHƯ BÌNH, MAIHOA@TUOITRE.COM.VN
MAI HOA - QUANG KHẢI - , NHƯ BÌNH, [email protected]

TTO - Phiên thảo luận chuyên đề kiều bào tham gia đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ của TP.HCM diễn ra sôi nổi với câu hỏi: Làm thế nào để thu hút kiều bào đầu tư về TP.HCM?

*** Error ***
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong gặp từng nhóm kiều bào lắng nghe sáng kiến góp ý cho TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng


“Tôi có một người bạn là tỉ phú tiền đô, rất thân thiết. Tôi muốn anh này về đầu tư tại Việt Nam nên đã tạo điều kiện để anh gặp gỡ, tiếp xúc với các cơ quan trong nước. Nhưng cuối cùng, anh bạn này nói rằng cơ hội thì nhiều nhưng không rõ ràng lắm, anh cũng không biết phải bắt đầu từ đâu. Chưa kể là nhiều lĩnh vực tiềm năng nhưng rủi ro cũng rất lớn. Đến nay, người này vẫn chưa đầu tư được” - TS Đinh Thanh Hương (Việt kiều Pháp, quản lý tư vấn tài chính ngân hàng của Tập đoàn Accenture của Mỹ) mở đầu phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới ngày 13-11 bằng bài phát biểu về giải pháp thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào TP.HCM.

Tư duy kết nối kiều bào

Một bộ phận kiều bào muốn về sinh sống và làm việc tại Việt Nam, một bộ phận khác về nước tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác. Còn một bộ phận khác không kém phần quan trọng, đó là những người có uy tín đứng ra làm cầu nối để thu hút đầu tư về Việt Nam.

Bà Hương dẫn câu chuyện của GS Trần Thanh Vân tổ chức hội thảo khoa học, thu hút những nhà khoa học hàng đầu thế giới về Việt Nam. Hay như câu chuyện một người bạn của bà, đã mang về được dự án cung cấp loại tơ đặc biệt dùng trong quốc phòng, bằng việc dùng 2.000ha đất ở Lâm Đồng để trồng dâu nuôi loại tằm cho tơ đặc biệt...

Với đội ngũ “cầu nối” này, nhiều nước như Singapore, Hàn Quốc... đã tập hợp, phát huy họ để mang về những nguồn đầu tư lớn cho đất nước. Đó là kinh nghiệm rất lớn cho Việt Nam, phải tìm ra những con người đầu tàu như vậy, có sức ảnh hưởng, có uy tín và nhiệt huyết với quê hương.

Chia sẻ với quan điểm này, TS Hoàng Xuân Bình, chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan, cũng nhấn mạnh cái đầu tiên kiều bào muốn mang về nước không phải là tiền mà là công nghệ, tri thức.

Theo ông Bình, suốt nhiều năm qua khi nói tới sự đóng góp của kiều bào chủ yếu là nói về kiều hối. Điều ấy đáng quý nhưng không thể hút kiều hối mãi.

Ông nói: “Tôi cho rằng đã tới lúc chuyển từ tư duy thu hút kiều hối thành tư duy kết nối kiều bào. TP.HCM hãy cùng chúng tôi xây dựng các đầu cầu ở khắp nơi trên thế giới, mang nguồn lực tri thức và công nghệ về với Việt Nam”.

Theo ông Bình, khi đã có những điểm cầu như vậy thì người trở về không chỉ là người Việt ở nước ngoài, mà còn là những bạn bè quốc tế hiểu được và yêu mến đất nước Việt Nam, mong muốn được đến đầu tư, làm việc và sinh sống.

Một doanh nhân khác đã về nước hơn 10 năm nay xây dựng một tập đoàn kinh tế có tổng giá trị hơn 100 triệu USD nhưng luôn tự nhận mình là nông dân. Ông là TS Nguyễn Thanh Mỹ, Việt kiều Canada, nổi tiếng với những bằng sáng chế và nhiều ý tưởng sáng tạo.

Ông Mỹ chia sẻ khi mới về Trà Vinh ông cũng rất lo lắng về các chính sách của Nhà nước. “Nhưng các anh chị đừng sợ gì hết, về với trái tim và khối óc “ngàn tỉ” cha mẹ để lại cho thì chúng ta sẽ thành công. Chứ nếu về nước đầu tư để làm sao mang được thật nhiều tiền đi thì sẽ thất bại” - ông Mỹ nói.

Bắt đầu với một trường ĐH đủ mạnh

GS Nguyễn Đăng Bằng - Việt kiều Pháp - dẫn ví dụ về TP Cambridge (Anh) chỉ với 280.000 dân nhưng được biết đến là một trong những TP có nền kinh tế tri thức hàng đầu thế giới.

Theo cách dẫn giải của ông Bằng, TP Cambridge là “thiên đường” cho những ý tưởng sáng tạo, nghiên cứu được thực hiện một cách tới nơi tới chốn thông qua một trường ĐH Cambridge. Ở TP này trong vòng bán kính khoảng 10km người ta dễ dàng tìm được những phòng nghiên cứu, phòng lab đáp ứng cho rất nhiều lĩnh vực nghiên cứu.

Ở đây cũng có tới 4.300 công ty, trong đó có những công ty sản phẩm họ làm ra kết tinh đến 90% là tri thức, phần còn lại là từ nguyên liệu tự nhiên, đây cũng là địa danh được xem là phát minh ra công nghệ máy tính, công nghệ biến đổi gen, chip điện thoại di động...

GS Bằng cũng cho rằng TP.HCM là TP cởi mở, tiếp nhận xu hướng mới, đặc biệt là đông đảo tầng lớp trí thức, kiều bào xa quê luôn sẵn sàng đóng góp nên luôn có lợi thế để phát triển nền kinh tế tri thức. “Hãy bắt đầu với một trường ĐH hay một viện nghiên cứu đủ mạnh” - ông Bằng khuyến nghị như vậy, tức là phải xây dựng nền tảng, hệ sinh thái cho nền kinh tế tri thức.

Ông Bằng cho rằng: “Chi phí đầu tư khoa học công nghệ là quan trọng nhưng ở Việt Nam không thể dựa vào kinh phí ngân sách mà cần huy động các nguồn lực khác. Nhưng để có các nguồn lực cần có cơ chế đột phá”.

Theo GS Bằng, đột phá cơ chế cần rất nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là phải triển khai mọi hình thức khu công nghệ cao, kỹ thuật cao mà không cần dùng ngân sách nhà nước. Thay vào đó, TP sẽ tạo cơ chế miễn giảm thuế, cho mượn trụ sở hoặc giúp nghiên cứu ban đầu, làm cho các thủ tục đơn giản hơn.

“Những điều đó có tác dụng nhiều hơn là đơn thuần đầu tư về mặt ngân sách” - ông Bằng nhấn mạnh.

Tại buổi thảo luận chuyên đề kiều bào với phát triển khoa học công nghệ, kinh tế tri thức của TP, ông Bằng đã đề xuất xây dựng một hệ sinh thái cho kinh tế tri thức, trong đó có trung tâm nghiên cứu, trường ĐH nghiên cứu chất lượng cao hay những quỹ đầu tư.

Nếu có một hệ thống như vậy, Việt kiều sẽ tự nhìn thấy những thứ mình làm được và chủ động quay trở về đóng góp.

Tạo môi trường cho kiều bào đóng góp

Cách đây 12 năm, khi nhận yêu cầu của TP.HCM xây dựng một trung tâm công nghệ sinh học ngang tầm với các nước trong khu vực nhưng phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nhân lực hiện tại của Việt Nam, các bạn bè trong nước và nước ngoài cứ nói không hiểu tại sao TS Nguyễn Quốc Bình đang định cư ở nước ngoài lại trở về Việt Nam.

Bây giờ, trung tâm đã trở thành nơi cung cấp các giải pháp công nghệ giải quyết những vấn đề của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế phía Nam, là địa điểm tập trung, thu hút những trí thức Việt kiều về đóng góp.

TS Bình chia sẻ với bất kỳ một người Việt xa quê nào, quyết định trở về Việt Nam là một thử thách mà những ưu đãi vật chất chưa hẳn đã giải quyết hết những nghi ngại.

Không dễ dàng cho bất kỳ ai từ bỏ một nơi có điều kiện sống cao hơn để trở về xắn tay bắt đầu lại, những thách thức về công việc, điều kiện sống, thu nhập đang chờ phía trước.

Nhưng kiều bào không trở về Việt Nam để được nhận ưu đãi mà những chuyến trở về luôn xuất phát từ ước mong được đóng góp vào sự phát triển của đất nước, đem những tinh hoa, tri thức gom góp được trong thời gian bôn ba về cùng xây dựng quê hương.

“Bởi vậy, điều quan trọng để tận dụng được nguồn lực kiều bào khắp thế giới là cần môi trường để họ cảm thấy đóng góp của mình được thừa nhận và có giá trị” - ông Bình nói.

MAI HOA - QUANG KHẢI - , NHƯ BÌNH, [email protected]
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp