Đại diện các kiều bào góp ý cho giáo dục đại học Việt Nam tại hội nghị chiều 29-11 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Chiều 29-11, Hội nghị "Kiều bào góp ý về chương trình nâng cao , cao đẳng trên địa bàn TP.HCM" thu hút sự tham dự của gần 100 chuyên gia , nhà khoa học Việt kiều và lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng tại TP.HCM.
Hội nghị do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức.
Sinh viên quá đông, không đảm bảo chất lượng
Theo GS.TS Đặng Lương Mô - kiều bào Nhật Bản, giáo sư ĐH Hoise Tokyo, điều kiện "vật chất" để làm thành một đại học có chất lượng cao chỉ gồm có ba phần: trường ốc đầy đủ với diện tích xây dựng khoảng 6-10 m2 cho mỗi sinh viên; số lượng thầy có trình độ tiến sĩ đủ để nâng tỉ số thầy/trò khoảng 1:10; và sinh viên ưu tú.
"Chỉ cần có hai điều kiện đầu thì tự nhiên điều kiện thứ ba sẽ thỏa mãn", GS Mô khẳng định.
GS Đặng Lương Mô đã dẫn ra các điều kiện vật chất về thiết lập một đại học mới ở Nhật Bản (đào tạo công nghệ/kỹ thuật): diện tích đất của khuôn viên phải đạt 10m2 cho mỗi sinh viên; tỉ lệ trò/thầy là 5,6 người, nghĩa là chưa tới sáu sinh viên/một giảng viên có học vị tiến sĩ.
Trong khi một số đại học Việt Nam đều là những trường có số sinh viên rất đông, đông hơn những đại học đó có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và thành phần giảng dạy để đủ bảo đảm chất lượng giáo dục.
Với tổng số giảng viên cơ hữu là 930 người các cấp, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) chỉ được phép giảng dạy 9.300-13.950 sinh viên bậc đại học, so với số sinh viên bậc đại học hiện hữu là 24.587 (chưa kể học viên cao học và nghiên cứu sinh).
GS Mô cho rằng với số giảng viên cơ hữu hiện nay Trường ĐH Bách khoa chỉ được phép thu nạp 1/2 số sinh viên hiện có. "Đây là điều kiện thứ nhất không bảo đảm chất lượng giáo dục đại học. Điều này cần được chấn chỉnh ngay", GS Mô nhấn mạnh.
GS Đặng Lương Mô khẳng định cần phải tạo những điều kiện cơ bản để cho đại học có thể đạt được "chất lượng" như mong đợi. Những điều kiện cơ bản đó thật ra chỉ là những điều kiện "vật chất", rất dễ tuân thủ bởi đại học và dễ kiểm tra bởi cơ quan quản lý.
"Trường ĐH Bách khoa cần phải gấp rút xây dựng thêm phòng học, phòng thí nghiệm, xưởng… lên gấp 3 lần hiện nay để chỉ đủ hội những điều kiện xin mở trường đại học.
Đồng thời nhà trường cần phải gấp rút tuyển thêm khoảng 1.000 giảng viên có trình độ TS và ThS mới bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, với tư cách một đại học tiêu biểu, đại học hàng đầu của TP.HCM nói riêng, của cả Nam bộ nói chung", GS Mô kiến nghị.
GS.TS Đặng Lương Mô cho rằng để có đại học chất lượng cao phải đảm bảo điều kiện "vật chất" - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Không nên hướng vào từng chuyên ngành quá hẹp
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - kiều bào Mỹ, nhận định chương trình đào tạo các ngành khoa học kỹ thuật của nước ta quá lạc hậu so với các nước tiên tiến.
Theo ông Tống, để giải quyết vấn đề việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học phù hợp với ngành nghề đào tạo, chương trình đào tạo không nên hướng vào từng chuyên ngành quá hẹp mà phải theo mô hình ngành rộng mà sinh viên tốt nghiệp có khả năng tự đào tạo để chuyên môn hóa thêm dần trong quá trình làm việc.
Một xu hướng đã hình thành từ lâu là nhiều sinh viên học thêm bằng hai để mở rộng năng lực chuyên môn giữa hai ngành và tăng cơ hội tìm việc làm phù hợp với hai ngành đào tạo. Sinh viên giỏi có thể học hai bằng cùng một lúc bằng cách theo học chương trình bằng đôi (dual degree) để rút ngắn thời gian và giảm chi phí học tập.
"Cần xây dựng các chương trình bằng đôi giữa các ngành khoa học kỹ thuật và các ngành kinh tế để đào tạo nhân lực trình độ cao cho những vùng giao giữa các ngành công nghiệp trọng yếu của TP.HCM và cả nước", ông Tống kiến nghị.
Cần chú trọng đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên
Ông Danny Võ Thành Đăng - kiều bào Singapore, cho rằng hiện nay đại đa số giới trẻ đang thiếu kỹ năng mềm trầm trọng. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến trình trạng thất nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học.
Theo số liệu thống kê, có khoảng hơn 75% sinh viên ra trường không có việc làm hoặc làm việc trái ngành. Trung bình mỗi năm tại Việt Nam, có trên 400.000 sinh viên tốt nghiệp rồi thất nghiệp và 90% sinh viên sau khi ra trường hầu như không có kỹ năng mềm.
Ông Đăng nêu ra giải pháp cho vấn đề nâng cao nguồn nhân lực sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng tại Việt Nam. Thứ nhất, việc lựa chọn giảng viên cơ hữu nên tích cực liên hệ và hợp tác với các giảng viên doanh nhân… để mang đến cho người học kiến thức đa chiều, thực tiễn về kỹ năng mềm.
Thứ hai, bài giảng dạy phải được cập nhật thường xuyên thực tế, đưa việc cải thiện ứng xử, đối nhân xử thế, biến hóa từ người bình thường thành phong cách chuyên nghiệp, thiết thực phù hợp nhưng không kém tinh tế.
Thứ ba, các trường nên tạo điều kiện để người học có cơ hội thực hành, vận dụng những gì đã học vào tình huống thực tế của bản thân.
Hợp tác quốc tế để nâng chất lượng
Ông Peter Hồng - kiều bào Úc, chủ tịch BankPay Việt Nam, phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, cho rằng để nâng cao chất lượng và thứ hạng của các trường đại học, cao đẳng kinh nghiệm từ Úc cho thấy cạnh tranh và hợp tác, trong đó có hợp tác quốc tế chính là bí quyết để thành công của các trường đại học ở đất nước có nền giáo dục tiên tiến này.
Điều làm nên chất lượng của các trường đại học ở Úc là sự tiên phong trong công tác nghiên cứu khoa học. Các trường đại học phải thể hiện được độ sâu trong công tác nghiên cứu và giảng dạy, chất lượng đạt chuẩn ít nhất ba chuyên ngành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận