Việt kiều Mỹ xuống sân bay Tân Sơn Nhất về quê ăn tết năm 1995 - Ảnh: T.T.D.
Tác giả Vũ Minh Hoàng - tiến sĩ ngành lịch sử tại ĐH Cornell (Mỹ), hiện là giảng viên thỉnh giảng khoa sử học - Việt Nam học ĐH Fulbright Việt Nam - cung cấp những tư liệu và góc nhìn mới về vai trò của đồng bào hải ngoại cho công cuộc xây dựng kinh tế nước nhà trong một giai đoạn khó khăn nhất.
Bằng bất kể thước đo nào, 18-3-1993 cũng là một ngày bận rộn cho cán bộ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.
Chỉ trong hôm đó, NHNN đã tiếp nhận 8 tập hồ sơ dày hàng trăm trang xin tái thành lập doanh nghiệp nhà nước đến từ các đơn vị trực thuộc UBND TP.HCM. Tất cả đều là những công ty kinh doanh vàng bạc đá quý, với tổng mức vốn 157.359.000.000 đồng.
Những đóng góp ít được nhắc đến
Tại sao các công ty này lại đồng loạt nộp đơn xin tái thành lập trong cùng ngày như vậy? Lý do trực tiếp là để thực hiện nghị định 388-HĐBT năm 1991 về quy chế thành lập và giải thể doanh nghiệp nhà nước, được ban hành với mục đích thống kê lại toàn bộ tài sản và hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong thời kỳ quá độ từ bao cấp lên cơ chế thị trường.
Nhưng đọc kỹ hơn, những bản kê khai chi tiết này cũng để lại cho thế hệ sau một số manh mối về những đóng góp ít được nhắc đến của cộng đồng người Việt hải ngoại cho công cuộc Đổi mới.
Các công ty thương mại vàng bạc đá quý nêu trên đều được sáng lập lần đầu tiên vào những năm 1987 - 1990. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), trong những năm này đồng tiền Việt Nam mất giá trầm trọng, lạm phát đến 350-400% mỗi năm trong giai đoạn 1986-1988.
Thế nhưng đến năm 1989 thì mức lạm phát giảm còn 70%, đến năm 1990 còn 42% và từ năm 1996 đã ổn định ở dưới mức 10%, chính thức thoát khỏi tình trạng siêu lạm phát.
Hoạt động kinh doanh trên đường Nguyễn Thiệp, trung tâm TP.HCM, vào năm 1989 dưới góc máy của nhiếp ảnh gia không chuyên người Thụy Sĩ Elmar Reich
Nhà kinh tế học Karl Otto Pohl từng ví lạm phát với thuốc đánh răng: một khi đã ra khỏi tuýp thuốc, sẽ rất khó đẩy nó vào lại được.
Vậy những yếu tố nào đã giúp Việt Nam một phần kiểm soát được nạn lạm phát thành công trong thời gian tương đối ngắn? Luận chứng kinh tế kỹ thuật để xin tái thành lập các công ty kinh doanh vàng bạc đều nêu rõ mục đích "góp phần kiềm chế tốc độ tăng giá vào những lúc thị trường có biến động".
Bằng cách chế xuất lượng vàng khối được nhập khẩu làm trang sức để kinh doanh trong và ngoài nước, các công ty đã giúp vàng lưu thông như một dạng tiền tệ ổn định, tạo công ăn việc làm cho công nhân viên sản xuất và buôn bán trang sức, và qua xuất khẩu trang sức tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.
Có thể nói là nạn lạm phát của những năm đầu áp dụng chính sách Đổi mới đã ít nhiều được giải quyết bởi những hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc ở TP.HCM, nơi mà thời đó ước tính giữ đến 80% lượng vàng toàn quốc.
Nhưng phải có một lượng vàng lớn được nhập thì các công ty trên mới tiến hành được công việc của mình. Theo các số liệu nhà nước, giai đoạn 1989 - 1992, TP.HCM đã nhập đến 77,2 tấn vàng - đó là chưa kể lượng vàng được nhập qua những con đường không chính thống.
Phần lớn lượng vàng này được nhập khẩu dưới dạng "kiều hối" - nghĩa là được gửi về bởi những gia đình người Việt hải ngoại (phần lớn là kiều bào ở Mỹ).
Ở TP.HCM, kiều hối bằng vàng chỉ có thể được tiếp nhận qua Công ty Dịch vụ Việt kiều và xuất khẩu tại chỗ (COSEVINA). Ngoài vàng ra, nhiều gia đình gửi về ngoại tệ và vật tư. Những khoản kiều hối này đã đóng góp rất tích cực cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn đầu của Đổi mới, khi đất nước rất khan hiếm vốn, đặc biệt là ngoại tệ.
Luồng gió mới giải quyết bế tắc
Trước thời kỳ Đổi mới, chính sách với kiều hối thay đổi rất nhiều, gây khó khăn cho kiều bào muốn gửi tiền về cũng như người tiếp nhận tiền.
Từ năm 1975 đến 1979, công tác thu nhận kiều hối được tiến hành phần lớn ở một số Đại sứ quán Việt Nam, đạt kết quả tương đối tốt, ví dụ ở Pháp trong thời gian này thu được khoảng 6 triệu francs mỗi năm.
Ngoài ra, Chính phủ còn nâng cao tỉ giá khuyến khích kiều bào gửi ngoại tệ, có những thời điểm cao hơn giá chính thức những 70%.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh chiến tranh tái bùng phát, Việt Nam bị bao vây cấm vận, công văn số 246/V7 ngày 9-2-1980 đã đình chỉ việc thu nhận kiều hối đặc biệt qua các đại sứ quán. Phủ thủ tướng đánh giá rằng từ năm 1979, "ngoại tệ chuyển về nước có chiều hướng giảm sút... Ngược lại, quà biếu có chiều hướng tăng lên... [vì] tỉ giá khuyến khích không hấp dẫn".
Trị giá kiều hối dưới dạng hàng hóa tăng từ 55.646.576 USD năm 1980 lên đến 83.865.587 USD năm 1981. Rắc rối hơn là xu hướng hàng nhập lậu ngày càng tăng (Bảng 1).
Trước tình trạng đó, quyết định 151-HĐBT ngày 31-8-1982 đã áp dụng nhiều hạn chế về kiều hối nhằm "tránh tình trạng để họ lợi dụng việc nhận tiền làm phương tiện đầu cơ, gây rối loạn thị trường, trật tự an ninh quốc gia".
Mỗi hộ gia đình ở Hà Nội và TP.HCM chỉ được phép nhận không quá 6.000 đồng mỗi quý; các hộ ở các tỉnh, thành phố khác chỉ giới hạn 4.500 đồng mỗi quý.
Những hộ gia đình có người "đang bị tòa án truy tố hoặc kết án về tội phản cách mạng" thì tuyệt đối không được nhận kiều hối, trong khi những đối tượng đã bị kết án tội "đầu cơ, buôn lậu nghiêm trọng làm hại kinh tế quốc dân" và "giết người, cướp phương tiện chạy trốn ra nước ngoài" thì rơi vào dạng chưa được nhận tiền.
Đại diện các hội Việt kiều yêu nước ở Pháp, Canada, Mỹ, Ý, Nhật Bản đã về nước họp từ ngày 16 đến 18-2-1982, yêu cầu Nhà nước không nên hạn chế số tiền người ở trong nước được rút để chi dùng cho sinh hoạt và kiến nghị tăng tỉ giá kiều hối.
Một bất cập lớn các đại diện nêu là mức thuế cho vật tư nhập khẩu quá cao (bảng 2), trong khi mức hàng nhập khẩu được miễn thuế (2.000 đồng) là quá thấp. Ngoại tệ và vàng bạc chỉ được nhập với sự cho phép đặc biệt của NHNN.
Những biện pháp hạn chế kiều hối dưới hình thức hàng hóa đã đạt kết quả vượt xa mong tưởng. Từ ngày 11-10-1984, "để đảm bảo sự cân đối giữa hàng hóa và tiền tệ", Hội đồng Bộ trưởng đã cho phép NHNN trích ra 1/3 khoản ngoại tệ kiều hối chuyển vào một tài khoản riêng để nhập hàng tiêu dùng và nguyên liệu tiêu dùng, đồng thời giao cho Bộ Nội thương lập đơn hàng.
Thứ trưởng Vũ Trọng Nam nêu ý kiến trong công văn ngày 15-11-1984: "Bộ Nội thương đã nhiều lần lập đơn hàng nhận hàng tiêu dùng và nguyên liệu sản xuất, bảng tiêu dùng cho năm 1984 bằng ngoại tệ tư bản từ 10 đến 12 triệu đôla Mỹ (USD), nhưng Ủy ban Kế hoạch nhà nước chỉ duyệt 2,5 triệu USD.
Sau đó rút xuống còn 820.000 USD, và gần đây chỉ còn 810.000 USD. Nhưng đến nay các đơn vị thuộc Bộ Nội thương vẫn chưa được cấp đủ số ngoại tệ 810.000 USD để nhập khẩu".
Kiều hối đã đến với Bộ Nội thương năm ấy như một luồng gió mới, giải quyết được bế tắc lâu ngày trong việc cung cấp vật tư cao cấp cho nhân dân.
Kinh ngạc kỹ nghệ chuyển tiền
Bất chấp những rào cản trên, trong thập niên 1980, người Việt hải ngoại vẫn tìm được nhiều con đường để đưa tiền và vật tư về cho người thân, đóng góp cho phát triển kinh tế nước nhà.
Theo tư vấn của ông Calvin Trần Khánh Vân - chủ tịch tổ hợp Công ty Calvin Tran and Associates, lượng hàng hóa kiều bào ở Mỹ gửi về ước tính 300 - 350 triệu USD mỗi năm, một con số làm cán bộ Ban Việt kiều trung ương kinh ngạc, vì thời gian này chỉ có 8 - 9 triệu USD mỗi năm đi qua các kênh chính thức.
Ông Calvin Trần miêu tả kỹ nghệ chuyển tiền bất hợp pháp sử dụng những công nghệ kỹ thuật số tân tiến nhất của thập niên 1980: "Tại California có những trung tâm thu hút kiều hối chỉ có 2 người mà mỗi ngày thu 20.000 - 40.000 USD.
Họ đã dùng máy vi tính để ghi và chuyển danh sách người nhận tiền bằng đĩa mềm về nước theo đường biển bằng loại thuyền tốc độ nhanh (speed boat). Mỗi đĩa mềm ghi danh sách được hơn 4.000 người.
Chuyển bằng cách này nhanh và kín đáo hơn dùng telex và facsimi (máy fax). Một số tổ chức thu gom còn ứng trước tiền cho người nhận trong nước, sau khi lấy được tin gia đình đã nhận tiền mới thu tiền của người gửi bên ngoài".
Lý do chính tại sao nhiều kiều bào không đi theo con đường danh chính ngôn thuận để đưa tiền về cho gia đình họ hàng vì tỉ giá kiều hối Nhà nước quy định trong những năm này quá thấp so với giá thị trường.
Nhà nước đã sớm nhận định ra vấn đề và có những biện pháp để khuyến khích kiều bào gửi ngoại tệ về đóng góp cho đất nước. Ngày 23-4-1985, Hội đồng Bộ trưởng đã có quyết định số 147/CT cho kiều hối tỉ giá đổi tiền đặc biệt là 150 đồng/USD, trong khi tỉ giá áp dụng đại trà là 100 đồng/USD.
Thêm nữa, ngày 28-5-1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã lập tổ công tác về kiều hối, tập hợp nhân viên từ nhiều ban bộ ngành liên quan để đưa ra những biện pháp cải tổ công tác kiều hối.
Với đánh giá rằng người Việt hải ngoại "ít nhiều còn có thân nhân đang sinh sống ở Việt Nam, họ trước đây đều muốn gửi tiền về nhưng rất lúng túng… không những về mất an toàn mà còn gặp những khó khăn này khác về mặt thủ tục", Nhà nước đã cố gắng mở các công ty xuất nhập khẩu ở những địa bàn nhiều người Việt hải ngoại để tư vấn cho kiều bào về cách gửi tiền an toàn về nước.
Tuy nhiên, những biện pháp này đã không giải quyết được mấu chốt của vấn đề, đó là kể cả tỉ giá ưu đãi của Nhà nước vẫn còn quá thấp so với tỉ giá của thị trường tự do.
Tháng 4-1988, khi tỉ giá của NHNN đổi 1 USD là 900 đồng, COSEVINA trả đến 1.200 đồng, các doanh nghiệp quốc doanh lẫn tư doanh sẵn sàng trả 1.500 - 1.800 đồng để nhập vật tư nguyên liệu sản xuất, và giá thị trường chợ đen là 2.000 đồng.
Dù nhiều phần trong số lượng kiều hối chuyển về trong những năm 1979 - 1995 đã về nước theo những con đường bất hợp pháp, ảnh hưởng của kiều hối tới nền kinh tế Việt Nam nhìn chung là tích cực.
Thêm nữa, các con đường kiều hối hợp pháp vẫn đem lại nhiều lợi ích cho kinh tế nước nhà những năm đầu thực hiện chính sách Đổi mới. Ví dụ, riêng Công ty kiều hối Vina USA năm 1993 đã tiếp nhận 20.617.542 USD, 43.223 chỉ vàng và đặc biệt là 366.103.000 đồng quy góp cho các công tác xã hội.
Trong thời kỳ 1979 - 1985, khi Việt Nam đang bị phương Tây bao vây cấm vận và Nhà nước nhiều khi hi sinh kinh tế vì an ninh, kiều hối đã là một dây cứu sinh vật tư và ngoại tệ quan trọng cho nền kinh tế nước nhà.
Trong thời kỳ đầu Đổi mới từ 1986 - 1995, kiều hối đã tiếp tục tạo vốn cho kinh tế bùng phát, tạo công ăn việc làm với mức thu nhập ngày càng cao và góp phần ổn định tiền tệ trong giai đoạn siêu lạm phát.
Thêm nữa, những người con từng phải rời quê hương trong hoàn cảnh không mong muốn, trong giờ khắc Tổ quốc kêu gọi đã sẵn sàng cống hiến tri thức của mình để giúp Việt Nam hội nhập quốc tế thành công.
Những lời khuyên quý hơn vàng
Chia sẻ với người viết, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cho biết thời ông đàm phán để Việt Nam gia nhập Khu vực mậu dịch tự do ASEAN những năm 1992 - 1995, các nhà hoạch định kinh tế Việt Nam còn rất thiếu kinh nghiệm và non trẻ trong việc thương lượng các hiệp định thương mại quốc tế.
Calvin Trần chỉ là một trong số khá nhiều người Việt hải ngoại đã sẵn sàng đứng ra tư vấn cho Nhà nước trong thời kỳ khó khăn này.
Có lẽ tiêu biểu nhất là ông Paul Trần Văn Thình, nhà kinh tế học từng dẫn đầu phái đoàn thường trực của Hội đồng châu Âu (EC) tại Geneva từ năm 1976. Năm 1994, ông dẫn đầu đoàn đàm phán của EC trong vòng thương lượng Uruguay mà đã sáng lập ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cùng năm.
Nhận lời mời của Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tới thăm Việt Nam năm 1988, ông Paul Trần Văn Thình đã tư vấn cho Việt Nam đàm phán gia nhập Hiệp định chung về thuế quan và thương mại, và tập trung đầu tư vào nguồn vốn con người.
Trong năm 1993, Nhà nước cũng đã tổ chức Hội thảo triển vọng quan hệ Việt - Mỹ, với sự tham gia đông đảo của Việt kiều trí thức.
Sự ủng hộ của những tổ chức Việt kiều yêu nước, trong đó tiêu biểu là Global Village Foundation và East Meets West Foundation của Lê Lý Hayslip, qua vận động hành lang và những hoạt động từ thiện cũng đã là một động lực thúc đẩy chính quyền Tổng thống Bill Clinton bỏ cấm vận năm 1994 và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995.
Tài liệu tham khảo: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, các phông: Phủ Thủ tướng,
Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và nhiều phông khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận