Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong gặp gỡ, chụp ảnh cùng đại biểu kiều bào trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM - Ảnh: THUẬN THẮNG |
“Ở Thái Lan, những biến động gần đây đã ảnh hưởng việc kinh doanh. Rất nhiều người đã quyết định chuyển nhà máy về Việt Nam. Tôi đang triển khai một số hoạt động kinh doanh tại Việt Nam vì nhìn thấy cơ hội ở đây |
Ông Tochai Ningwatthana (kiều bào Thái Lan) |
Hội nghị với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng TP.HCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế”, chính thức khai mạc vào sáng nay.
Ấn tượng chung với các kiều bào sau chuyến tham quan một số công trình quan trọng của TP.HCM là diện mạo của đô thị này đang dần thay da đổi thịt theo hướng hòa nhập quốc tế, hiện đại, năng động.
Vui mừng trước những thay đổi nhanh chóng
Chọn chuyến tham quan khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ban quản lý hầm Thủ Thiêm và tòa nhà Bitexco - những biểu tượng mới của sự phát triển thành phố năng động, đoàn kiều bào tỏ ra vui mừng và tự hào trước những thay đổi nhanh chóng của thành phố.
Đứng từ tầng cao của tòa nhà Bitexco ngắm nhìn toàn thành phố, ông Tochai Ningwatthana, Việt kiều Thái Lan, nói với tốc độ tăng trưởng hiện nay, TP.HCM hoàn toàn vượt qua nhiều thành phố khác trong khu vực ASEAN trong vòng 10 năm tới.
Theo ông Tochai Ningwatthana, TP.HCM có những lợi thế không nhiều nơi có được là sự năng động của một thành phố trẻ, nhiệt huyết của những người lãnh đạo. Sự ổn định chính trị đem lại yên tâm cho các nhà đầu tư.
Trong đoàn đại biểu đi thăm Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Quốc tế, Khu công nghệ cao TP.HCM sáng 11-11, có rất nhiều đại biểu làm việc trong lĩnh vực giáo dục, kinh tế, công nghệ. Các ý kiến đều bày tỏ mong muốn được hợp tác nghiên cứu, giảng dạy.
Ông Hồ Trung Chánh, Việt kiều Canada, hiện là giảng viên tại Đại học Hoa Sen, chia sẻ sau nhiều năm học tập, nghiên cứu, giảng dạy ở nước ngoài, rất nhiều người muốn mang kiến thức, kinh nghiệm về để hướng dẫn lại cho các học viên trong nước.
Tìm cơ hội hợp tác
Ông Võ Toàn Trung, hiện giảng dạy y khoa tại Đại học Paris 11, chủ động đăng ký về dự hội nghị kiều bào năm nay để tìm kiếm thêm những cơ hội hợp tác giảng dạy với các trường đại học trong nước.
Ông sang Pháp học tập sau đó ở lại làm việc từ năm 1991 cho tới nay. Mỗi năm ông về nước hai lần, chủ yếu là phối hợp làm công tác giảng dạy, hướng dẫn tại các trường, các bệnh viện.
Ông Trung cho rằng khoảng 10 năm gần đây, ngành y tế của Việt Nam đã có nhiều bước phát triển nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên ông cho rằng trình độ và khả năng tiếp nhận kiến thức của người Việt Nam rất tốt nên việc đào tạo đội ngũ bác sĩ giỏi, với số lượng đủ đáp ứng là việc rất khả thi.
Nhiều đại biểu kiều bào cũng mong muốn được tham gia cùng TP.HCM trong việc xây dựng cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, phát triển du lịch…
Trong số các kiều bào tham dự hội nghị lần này, nhiều người đã trở về nước sinh sống và làm việc nhiều năm nay, mang theo những kinh nghiệm, bài học tích lũy trong những năm tháng xa quê hương.
Là một Việt kiều Canada, về quê hương Trà Vinh sống đã hơn 10 năm, ông Nguyễn Thanh Mỹ bắt đầu “khởi nghiệp lại” ở tuổi 60, sau khi thôi giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn.
“Tôi vẫn còn quá trẻ để nghỉ ngơi”, ông Mỹ hóm hỉnh. Vậy là ông bắt tay nghiên cứu về cách khắc phục tình trạng thất thoát nước sạch, gây lãng phí lớn như hiện nay.
Ông Mỹ cùng các kỹ sư làm đồng hồ nước thông minh, lắp vào mỗi hộ dùng nước. Mỗi giờ, đồng hồ này tự động gửi dữ liệu về để so sánh lượng nước qua đồng hồ tổng, từ đó so sánh và phát hiện nơi rò rỉ để khắc phục.
Ngoài sản phẩm này, công ty của ông Mỹ còn có rất nhiều sáng chế như thiết bị quan trắc môi trường tự động, gửi tín hiệu về smartphone để kiểm soát chất lượng môi trường xung quanh…
Ông Mỹ mong muốn được chính quyền TP.HCM tạo điều kiện, giới thiệu để các sản phẩm “100% Việt Nam” này được ứng dụng vào thực tế nhiều hơn, góp phần xây dựng TP.HCM thông minh.
Đoàn đại biểu kiều bào tham quan khu Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM - Ảnh: C.H. |
Môi trường: vấn đề quyết định
Đánh giá yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững là vấn đề môi trường, ông Minh Trí Amacher, Việt kiều Thụy Sĩ, lưu ý TP.HCM khi xây dựng các khu đô thị mới phải nghiên cứu và đầu tư rõ hơn về hướng xử lý môi trường, rác thải, chuyện thoát nước, duy trì năng lượng cho các khu đô thị.
TP đang chịu những trận ngập lịch sử vì nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do rác thải làm tắc nghẽn cống rãnh, dân số mật độ cao.
Ngoài ra, các vấn đề từ năng lượng, chống ngập, đến xử lý rác thải sinh hoạt của TP.HCM cần được giải quyết có chiến lược, tầm nhìn lâu dài... chứ không nên mang tính đối phó.
Muốn vậy, theo ông Trí, TP.HCM cần tìm nhà tư vấn hiệu quả, và thực hiện một cách có kế hoạch, không chờ đến khi xảy ra vấn đề rồi mới tìm cách giải quyết.
“Việt Nam có thuận lợi là phát triển, đi sau các nước, điều đó giúp cho Việt Nam có những bài học lớn. Ở Thụy Sĩ, việc tái sử dụng rác thải được nghiên cứu kỹ và tìm cách tái sử dụng một cách hiệu quả, bắt đầu bằng việc phân loại rác thải ngay từ các hộ gia đình” - ông Trí nói.
Theo chuyên gia kinh tế này, hiện nay các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam được nhà đầu tư Thụy Sĩ quan tâm và ông sẵn sàng kết nối doanh nghiệp hai nước.
Tạo điều kiện cho “thế hệ F2, F3”
Ông Lưu Thanh Dũng - Việt kiều Pháp - đã chia sẻ như vậy trên chuyến xe đi tham quan rừng ngập mặn, đảo khỉ và đặc khu rừng Sác.
Cho rằng thời gian qua, Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho các kiều bào, nhất là “thế hệ F1” như ông (định cư ở Pháp từ năm 1963) được về thăm quê hương để có những đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
“Tuy nhiên hiện tại Nhà nước chưa tạo đủ điều kiện tốt nhất cho thế hệ con (F2), cháu (F3) hồi hương đóng góp cho quê hương xứ sở, có chăng đó chỉ là số ít người làm khoa học nổi tiếng, trong khi đây là một nguồn tài nguyên rất lớn của đất nước”, ông Dũng chia sẻ.
Bởi theo ông, thế hệ F2, F3 được tiếp xúc với nền khoa học kỹ thuật tiên tiến, đào tạo bài bản nên sẽ có những đóng góp thiết thực cho đất nước.
GS.TS Huỳnh Hữu Tuệ, kiều bào Canada, cho rằng TP.HCM nên triển khai một số chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” như cách làm của Hàn Quốc, Trung Quốc hay Singapore là dành cho người tài một số quyền lợi cao hơn bình thường, đặc biệt là tạo môi trường làm việc thuận lợi.
Cụ thể, ở Hàn Quốc và Trung Quốc, các nhà khoa học trở về từ nước ngoài thường được hưởng lương gần giống như lúc họ ở nước ngoài. Nếu không thể áp dụng đại trà thì có thể lựa chọn một số chuyên gia mà TP.HCM đánh giá là cần thiết trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận