Diễn ra từ ngày 14 đến 17-8 tại Park Hyatt Saigon, triển lãm thu hút người xem đến chiêm ngưỡng 4 bộ tượng và 56 bức tranh quý, nổi bật là kiệt tác Vịnh Hạ Long khổ lớn hơn 5m của họa sĩ người Pháp Jean-Louis Paguenaud. Dài 513cm, rộng 212cm, đây là bức tranh lớn nhất của một họa sĩ thời Đông Dương còn lưu giữ đến hiện tại.
Triển lãm hiếm có về mỹ thuật Đông Dương
Với ba không gian lớn, "Mộng Viễn Đông" men theo tuyến du hành của các họa sĩ Pháp đến Đông Dương thời xưa.
Đó là góc nhìn của các họa sư Pháp tại Trường Mỹ thuật Đông Dương (1924-1945) như Victor Tardieu, Joseph Inguimberty, Alix Aymé... - những bậc thầy góp phần dựng nên lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt, đào tạo nhiều danh họa như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh và Nguyễn Gia Trí.
Đó là các "họa sĩ hải quân" - danh hiệu cao quý dành cho các tài năng xuất sắc nhất - đến Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, mang theo hoài bão viễn chinh. Và đó là các "họa sĩ du hành", những người viễn du nghệ thuật theo diện di cư, học bổng.
Gây ấn tượng mạnh bởi vẻ đẹp rực rỡ và kích thước đồ sộ, bức Vịnh Hạ Long được Paguenaud vẽ bằng sơn dầu trên toan, ghi lại một góc non xanh nước biếc cùng thảm thực vật đa dạng miền nhiệt đới.
Đến Việt Nam đầu thế kỷ 20 với vai trò "họa sĩ hải quân", Paguenaud vẽ tác phẩm tại xưởng vẽ sau khi về Pháp năm 1934.
Mượn tranh từ nhà sưu tập tư nhân ở Hà Nội, các chuyên gia hậu cần và phục chế chỉ có 12 ngày để vận chuyển vào Sài Gòn, phục chế những mai một do thời tiết, căng lại toan, tìm cách treo tranh sao cho đảm bảo an toàn...
Từng được ngắm bức Vịnh Hạ Long ở Pháp, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi vui mừng khi thấy kiệt tác được giới thiệu tại Việt Nam.
Theo ông, tranh mang đậm vẻ đẹp "hương xa" (exoticism) huyền bí, mộng mơ, thể hiện cảm hứng nghệ thuật của một họa sĩ phương Tây đến xứ lạ. Những cành cọ, cành phượng, màu sắc nhiệt đới trong tranh hoàn toàn lạ lẫm với người Pháp, ghi lại nét đẹp "đậm tính Việt hơn cả Việt Nam".
Sức hút nghệ thuật đáng chú ý của thị trường Việt Nam
Cùng bức Vịnh Hạ Long, 55 bức tranh khác trong triển lãm được mượn từ 25 nhà sưu tập Việt trong và ngoài nước. So với tranh của bốn danh họa Việt trong triển lãm "Hồn xưa bến lạ" năm 2022 tại TP.HCM, tranh của "Mộng Viễn Đông" dễ xác minh lai lịch hơn do phần lớn họa sĩ Pháp đều có người thân còn sống.
Ông Ace Lê, giám đốc điều hành thị trường Việt Nam của Sotheby's, nhấn mạnh triển lãm hoàn toàn phi thương mại, không công bố trị giá để tập trung vào giá trị văn hóa, lịch sử. Sotheby's sẽ tiếp tục giới thiệu các lớp họa sĩ tiếp nối, sau Đông Dương đến cận hiện đại, đương đại.
Trong bối cảnh kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng mạnh, nghệ thuật Việt Nam đang thu hút quan tâm đặc biệt từ giới mộ nghệ thuật toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận