04/11/2011 01:20 GMT+7

Kiệt tác Mỹ trên sân khấu Việt

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Những cảnh đầu tiên trong vở kịch Tất cả đều là con tôi (All my sons) của kịch tác gia người Mỹ Arthur Miller vừa được đạo diễn Mỹ Neil S. Fleckman đưa lên sàn tập sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ chiều 2-11.

BkVWkRFA.jpgPhóng to
Đạo diễn Neil S. Fleckman (thứ ba, từ trái sang) cùng các diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ trong buổi tập chiều 2-11 - Ảnh: Quang Thế

Tất cả đều là con tôi là vở kịch nổi tiếng của Mỹ kể về gia đình Joe Keller - một doanh nhân luôn đặt lợi nhuận lên trên tất thảy đã khiến mấy chục phi công tử nạn vì sản phẩm của mình. Đằng sau câu chuyện kinh doanh còn là tình yêu của Chris và Ann cùng những mối quan hệ phức tạp thể hiện vấn đề đạo đức của xã hội Mỹ trong những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Tác phẩm sân khấu nổi tiếng này đã được Nhà xuất bản Văn Học dịch sang tiếng Việt từ năm 1973 và từng được NSND Nguyễn Đình Nghi dàn dựng thành công trên sân khấu kịch nói Việt Nam ngay đầu thập kỷ 1970. Vở kịch nằm trong bộ sách 100 kiệt tác sân khấu thế giới (Nhà xuất bản Sân Khấu, 2006). “Phiên bản” Việt Nam do đạo diễn Mỹ dàn dựng sẽ ra mắt công chúng Hà Nội và Hải Phòng vào đầu tháng 12.

Vã mồ hôi trên sàn tập

Không ngừng chú ý lắng nghe những hướng dẫn của đạo diễn Neil S. Fleckman thông qua phiên dịch, Quang Ánh - một diễn viên có thể hình khá cao lớn đã vã mồ hôi hột khi hóa thân thành anh chàng Chris đang tìm cách thuyết phục bố - ông Joe (Sỹ Tiến thủ vai) để được kết hôn với Ann - bạn gái của em trai Chris đã tự tử trong chiến tranh. Còn nghệ sĩ Sỹ Tiến thì ngồi luôn trên thành sân khấu, rất gần với khán giả.

Ở một số đoạn xung đột, thậm chí Quang Ánh và Sỹ Tiến còn chạy xuống lối đi dành cho khán giả và đối thoại với nhau ngay tại đó. Mọi diễn biến tâm lý và hành động của nhân vật được đạo diễn thay đổi xoành xoạch. Ông nói với Quang Ánh: “Đây là một cảnh cãi nhau và anh phải hành động mạnh mẽ hơn, vung tay, nhảy và giậm chân mạnh hơn nữa”. Có mặt từ đầu buổi tập cho đến khi những diễn viên cuối cùng rời nhà hát, ông không ngừng thị phạm từng động tác nhỏ cho các diễn viên.

Dù đây không phải lần đầu tiên các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi Trẻ hợp tác với các đạo diễn nước ngoài, nhưng việc đòi hỏi rất cao cả về kỹ thuật diễn xuất lẫn sự biểu cảm trên gương mặt đã khiến các diễn viên phải lao động cật lực. “Tôi đã thấy họ diễn lớp sau tốt hơn lớp trước. Không chỉ diễn viên lớn tuổi thể hiện sự xuất sắc của mình mà các diễn viên trẻ cũng đã thể hiện khả năng diễn xuất rất tốt”, vị đạo diễn người Mỹ tỏ ra hài lòng sau mỗi lớp diễn và không tiếc lời khen ngợi, động viên sự cố gắng của các diễn viên.

Tiếp cận nghệ thuật sân khấu Mỹ

Với kinh nghiệm dàn dựng rất thành công vở kịch này không chỉ ở Mỹ mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, đạo diễn Fleckman cho rằng cái ông muốn mang đến cho khán giả chính là chất Mỹ trong vở kịch.

Theo đạo diễn Bùi Như Lai (trong vai trò trợ lý đạo diễn), trước hết là phong cách tả thực của sân khấu Mỹ sẽ được tái hiện trên sân khấu Việt Nam. Đây sẽ là một sự khác biệt lớn vì trước đây các diễn viên Việt Nam thường xuyên phải biểu diễn trên sân khấu có tính ước lệ cao. Thứ hai, sân khấu Mỹ nói riêng và sân khấu thế giới nói chung đang có xu hướng kéo nghệ sĩ lại gần với khán giả, có thể là ngồi cùng khán giả để biểu diễn, ông đạo diễn đang thực hiện điều này và các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi Trẻ đang làm tốt yêu cầu đó.

Thực hiện lại một vở kịch vốn quá nổi tiếng trên thế giới và đã được dàn dựng ở rất nhiều quốc gia cũng là một thách thức đối với Nhà hát Tuổi Trẻ. Tuy nhiên, đạo diễn Bùi Như Lai cho rằng có một chút khó khăn vì sự khác biệt ngôn ngữ, nhưng với từng động tác thị phạm, các diễn viên đều thể hiện khá tốt ý tưởng của đạo diễn.

Ông nhận định: “Đây là một tác phẩm lớn, chất chứa trong đó nhiều uẩn khúc và khát vọng của con người. Tác phẩm này đã được nhiều nước trên thế giới dàn dựng và tôi tự tin rằng trong phương diện thể hiện cảm xúc của nhân vật, các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi Trẻ không thua kém diễn viên chuyên nghiệp nào trên thế giới. Đó sẽ là tiền đề quan trọng trong việc đưa phong cách sân khấu Mỹ vào Việt Nam, đúng với tiêu chí là trao đổi văn hóa nghệ thuật”.

Chọn diễn viên thông qua các buổi tập

Nằm trong khuôn khổ chương trình Đại sứ văn hóa Hoa Kỳ, dự án dàn dựng và công diễn vở kịch Tất cả đều là con tôi nhằm nâng cao kỹ năng diễn xuất cho các diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ Việt Nam và tiếp cận nghệ thuật sân khấu Hoa Kỳ.

Để thực hiện tốt dự án này, mỗi nhân vật trong vở kịch đều do hai nghệ sĩ đảm nhiệm. Trong suốt năm tuần luyện tập liên tục (2 buổi/ngày) đạo diễn, các trợ lý sẽ trực tiếp chọn ra người xuất sắc hơn để tham gia công diễn. Các nghệ sĩ tham gia tập vở hiện nay gồm có: NSND Lê Khanh, NSƯT Ngọc Huyền, Sỹ Tiến, Bá Anh, Minh Phương, Tú Oanh, Ngọc Tuấn, Tuấn Anh, Thùy Dương, Quang Ánh, Thanh Hòa, Hữu Phương, Thu Quỳnh...

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp