23/07/2023 11:14 GMT+7

'Kiếp nạn' chung nhà với người ở bẩn

Mới đây mạng xã hội xôn xao với bài đăng của một cô gái tố bạn cùng phòng là một hotgirl ở bẩn. Khi bị góp ý đã tự ái chuyển trọ mà không bù tiền cọc.

Bài đăng và hình ảnh chứng minh của một cô gái “bóc phốt” bạn cùng phòng - Ảnh: D.QUÍ chụp màn hình

Bài đăng và hình ảnh chứng minh của một cô gái “bóc phốt” bạn cùng phòng - Ảnh: D.QUÍ chụp màn hình

Bài viết "bóc phốt" hotgirl bầy hầy, đồ dơ của phụ nữ còn vứt bừa phứa, tự tiện dùng đồ người khác kèm những hình ảnh "bốc mùi" nhận được khá nhiều sự đồng cảm. Hóa ra nhiều người cũng có chung "kiếp nạn" này.

Chia "địa phận" trong phòng

Nhắc tới "kiếp nạn" sống chung nhà với người lười biếng và ở dơ, Cao Như Huyền (23 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết vẫn nổi da gà bởi không chỉ một mà đến hai lần trải nghiệm. Hồi phổ thông, do chuyển từ huyện lên TP học buộc Huyền phải tìm người ở ghép chung phòng dù không hề biết nhau trước đó.

Người bạn vẻ ngoài khá xinh, trau chuốt nên Huyền nghĩ chắc "sống cũng xinh như ngoại hình". Hỡi ôi ở cùng chưa đến một tháng, Huyền ngã ngửa! 

Cô bạn xinh đẹp ấy có khi cả tuần chỉ lấy khăn thấm nước lau người rồi thay quần áo, thay xong nhét dưới giường. Bạn ấy cũng không bao giờ chà rửa giày, bốc mùi cũng kệ, mang tới khi đôi này cũ và mua đôi mới. Chưa kể ở bẩn tới nỗi dù có lội trời mưa về tới nhà cũng không bao giờ rửa chân, ăn xong để nguyên tại chỗ không dọn.

"Thiệt tình là ở dơ "tàn canh gió lộng" dù vẻ ngoài rất xinh. Mới vào ở chung bắt đầu cũng thân nhưng cách sống vậy, góp ý hoài không được nên thôi thân ai nấy lo cho rồi", Huyền kể và quyết định chuyển sang phòng khác, "cạch mặt" luôn bởi cô bạn ấy bảo sống vậy... có gì quá đáng đâu!

Lần khác, khi người bạn đại học cùng phòng trọ đi du học, Huyền đăng tin tìm người mới và một bạn đồng hương nhắn muốn ở cùng. 

Nhưng khi vào ở chung, dù đã thỏa thuận trước song cô bạn mới không động tay động chân vào bất cứ việc gì. Đến độ quần áo còn ngâm mấy ngày chưa buồn giặt, giặt xong phơi và mỗi lần mặc bộ nào ra rút vào bộ đó chứ không hề gấp lại.

Tức quá, Huyền chia phòng làm hai, để hết đồ của mình qua bên phải và chỉ quét dọn "địa phận" của mình. Nhưng nhà lúc nào cũng có mùi khó chịu, còn bị chủ nhà cằn nhằn "sao hai đứa con gái mà ở dơ quá". Đỉnh điểm là cãi nhau một trận, bạn kia chuyển đi, hủy luôn kết bạn Facebook.

Tương tự, chị Trâm Anh (30 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM), chuyên viên truyền thông, ngán ngẩm kể từng ở ghép với một nàng bầy hầy hết phần thiên hạ. "Là nhân viên sale, đi đâu cô ấy cũng xịt nước hoa thơm phức nhưng về tới nhà là quần áo tứ tung, hộp cơm ăn xong không vứt", chị kể.

Một lần từ quê lên, Trâm Anh thấy chảo thịt bốc mùi, nồi cơm điện nổi mốc. Dù từng nhắc bao nhiêu lần ăn không hết nhớ bỏ đi rồi dọn dẹp song lý do của bạn luôn là bận nhưng lúc rảnh cũng không dọn. 

Do đổi chỗ làm, bạn này sau đó chuyển trọ. Bạn dọn đi, Trâm Anh làm tới tối mới về với bãi chiến trường nào là bịch ni lông bụi bặm, quần áo cũ, cả các vật dụng đã hỏng. "Tôi trọ mấy nơi, ở ghép cũng vài người nhưng chưa bao giờ gặp cảnh này", chị lắc đầu.

Đến không còn nhìn ra đây là phòng ở vì ngổn ngang đồ dùng, ăn uống xong không buồn dọn - Ảnh minh họa

Đến không còn nhìn ra đây là phòng ở vì ngổn ngang đồ dùng, ăn uống xong không buồn dọn - Ảnh minh họa

Người chọn chuyển đi, người ra nội quy

"Cao chạy xa bay" khỏi phòng trọ ở TP Thủ Đức là cách anh Minh Duy (34 tuổi) chọn sau khi quá chán cảnh phải làm việc nhà như ôsin cho hai người bạn. 

Anh kể bạn mình về tới phòng là nằm ườn chơi game và liên tục hút thuốc, mùi rất hôi. Mỗi khi mở tủ lạnh là một phen não nề vì cánh tủ cáu bẩn, đồ ăn để lâu ngày xộc mùi nhức mũi. Đã quen sạch sẽ, Duy không mặc kệ được nên phải lau chùi, sắp xếp suốt.

"Nói ra kêu nói quá chứ móng tay của bạn tôi bám đất chắc cải mầm mọc được đó. Mền chiếu hôi hám, đen thui vì lâu ngày không giặt. Tôi không dám dẫn bạn bè về chơi luôn", anh nói. Không còn chiêu gì "đặc trị", Duy quyết định dọn đi dù chi phí cao hơn, dù vẫn là những người bạn anh quý mến nhưng không thể mãi chung sống chịu đựng vậy hoài.

Nhắc lại, anh Nguyễn Vương (29 tuổi, kinh doanh nhà đất, ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) đến giờ vẫn khó quên người bạn ở cùng ký túc xá. Đến nỗi khi thấy bạn này đánh răng buổi tối, nhiều người ngạc nhiên lắm bởi đến tắm còn thi thoảng và mỗi lần không quá 5 phút.

Anh Vương ám ảnh: "Quần áo bốc mùi nó mới thay xong cuộn thành đống, hết đồ sạch lại lựa trong đám đồ dơ mặc lại". Chưa kể anh chàng này còn hay tự động lấy đồ người khác diện đi học, đi chơi rồi treo lại chỗ cũ như chưa có chuyện gì xảy ra. 

"Chưa một lần thấy bạn cầm chổi quét nhà hay lau phòng dù lịch trực vệ sinh có phân công rõ nhưng lúc nào cũng viện lý do không làm", Vương ngán ngẩm.

Mấy người cùng phòng ra nội quy, không ai được xâm phạm đồ đạc người khác nếu chưa được đồng ý, ai cũng phải trực vệ sinh đúng lịch... May mắn là sau đó người này đã có cải thiện. Anh Vương bảo đối phó với người ở bẩn là không được cả nể, cái gì cũng cần quy định chi tiết mới dễ xử.

Cuộc đời bề bộn và mất điểm

Nói về thói quen cũng không hẳn là hiếm của người trẻ này, anh Nguyễn Vương bày tỏ chuyện ăn ở thiếu vệ sinh không chỉ ảnh hưởng tới cá nhân người đó mà còn khiến người ở chung bị những người khác nhìn không thiện cảm.

Có nhận định rằng những bạn ở dơ bị mất điểm không chỉ trong mắt bạn bè mà còn cả với người yêu. "Họ thể hiện sự bừa bộn cả ở chỗ làm, ngay bàn làm việc. Mà nếu mọi thứ xung quanh lộn xộn, bẩn thỉu, tâm trí khó mà thoải mái. Chưa kể vệ sinh kém có khi còn là nguyên nhân của bệnh tật, và cuộc đời cũng bề bộn theo", anh Vương nêu quan điểm.

Hàng xóm "ở dơ, sống dị", sống cùng ra sao?Hàng xóm 'ở dơ, sống dị', sống cùng ra sao?

TTO - Ba tháng nay, khu nhà tôi đang ở (đường 11, Q.Thủ Đức, TP.HCM) có hàng xóm mới. Và từ đó cả xóm mất vui vì đủ thứ mùi khó chịu, tiếng ồn ào từ nhà những người mới đến.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp