Ông Cần với xấp đơn từ khiếu nại - Ảnh: Ngọc Hậu |
Ông Cần (ngụ TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) bị truy tố về tội “trộm cắp tài sản” nhưng sau khi xét xử, TAND tỉnh Tây Ninh tuyên ông không phạm tội và trả tự do ngay tại phiên tòa từ ngày 3-7-2013 vì tài sản ông trộm là tiền của gia đình do... vợ ông giữ.
Theo luật định, Viện KSND tỉnh Tây Ninh là cơ quan phải bồi thường oan sai do truy tố oan ông Cần.
“Tôi mong mỏi đến ngày được bồi thường, cũng như để được cơ quan chức năng xin lỗi công khai nhằm lấy lại danh dự của mình và phần nào đó bù đắp cho tôi hơn một năm trời ở tù oan. Nhưng cứ đợi chờ mòn mỏi |
Ông Nguyễn Thanh Cần |
Bị truy tố vì trộm tài sản do vợ giữ
Cầm tờ đơn khởi kiện trong tay, ông Cần rưng rưng: “Những ngày ở tù, cuộc đời như đóng sập trước mặt tôi. Tôi không nghĩ mình lấy tiền chung của vợ chồng giấu đi mà lại bị ở tù. Lúc đó, con trai tôi chuẩn bị lấy vợ đành phải hoãn cưới vì tôi vướng vào vụ án. Còn gì tréo ngoe hơn chuyện chồng bị truy tố vì trộm tài sản do vợ giữ, còn vợ lo chạy vạy khắp nơi tìm thuê luật sư cho chồng”.
Theo cáo trạng, ngày 20-5-2012 sau khi đi rẫy về, biết vợ con chở mãng cầu đi bán ở TP.HCM, ông Cần mở cửa phòng vợ (bà Nguyễn Thị Mén, có đăng ký kết hôn) rồi đục két sắt lấy gần 30 lượng vàng và 197 triệu đồng. Đây là toàn bộ tài sản chung của vợ chồng ông Cần. Sau đó ông Cần cưa cửa sổ sắt phòng vợ tạo hiện trường giả.
Số tiền lấy được ông Cần xài hết 200.000 đồng, còn lại đem gửi người quen, còn 30 lượng vàng ông đem chôn trong vườn cao su. Khi bà Mén về nhà phát hiện mất tài sản hỏi chồng thì ông Cần nói mình không biết nên bà Mén báo công an.
Quá trình công an điều tra, ông Cần thừa nhận mình lấy số tài sản trên. Ngày 22-6-2012 Công an tỉnh Tây Ninh đã bắt giam ông Cần. Sau đó, Viện KSND tỉnh ra cáo trạng truy tố ông Cần tội “trộm cắp tài sản”.
Ngày 19-8-2012 tại phiên sơ thẩm đầu tiên, ông Cần khẳng định mình không có ý chiếm đoạt phần tài sản, chỉ muốn lấy tiền đi chữa bệnh và sẽ trả lại cho vợ.
Bà Mén cũng cho biết ông Cần có nói cần tiền đi khám mắt nên có lẽ muốn lấy tiền đi chữa bệnh. Thế nhưng đại diện Viện KSND vẫn bảo lưu quan điểm, ông Cần bị tòa tuyên phạt 7 năm tù giam.
Ông Cần kháng cáo. Cuối năm 2012, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên trả hồ sơ yêu cầu tòa sơ thẩm xét xử lại.
Tại phiên xét xử sơ thẩm lần 2, TAND tỉnh Tây Ninh cho rằng do tài sản mà ông Cần tạo hiện trường giả giấu đi là của chung hai vợ chồng chưa có thỏa thuận phân chia, cũng như chưa có cơ quan chức năng nào có văn bản quyết định phân chia... Do vậy tòa tuyên bố ông Cần không phạm tội và trả tự do ngay tại tòa.
Chờ mỏi mòn
Ngày 13-5-2014, ông Cần được phản hồi từ Cục Bồi thường nhà nước với văn bản yêu cầu Viện KSND tối cao giải quyết việc bồi thường của ông. Tiếp đó sau khi thương lượng với ông Cần, Viện KSND tỉnh Tây Ninh mới ra quyết định bồi thường cho ông số tiền 153 triệu đồng và sẽ công khai xin lỗi ông.
Tuy nhiên, ông Cần cho biết: “Tôi mong mỏi đến ngày được bồi thường, cũng như để được cơ quan chức năng xin lỗi công khai nhằm lấy lại danh dự của mình và phần nào đó bù đắp cho tôi hơn một năm trời ở tù oan. Nhưng cứ đợi chờ mòn mỏi”.
Về việc chậm bồi thường, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Lành - viện trưởng Viện KSND tỉnh Tây Ninh - nói: “Quyết định giải quyết đã có, Viện KSND tối cao cũng đã đồng ý với quyết định bồi thường. Vừa rồi đã trình qua Bộ Tài chính để thẩm định duyệt và thông qua nhằm cấp kinh phí. Nếu kinh phí được chuyển về, chúng tôi sẽ tiến hành trả tiền cho ông Cần”.
Bức xúc với việc chậm bồi thường oan sai, ông Cần đã gửi đơn đến TAND tỉnh Tây Ninh khởi kiện Viện KSND tỉnh.
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn luật sư TP.HCM): Không đúng Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước Theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật, cơ quan có trách nhiệm bồi thường hưởng kinh phí từ ngân sách trung ương thì chuyển hồ sơ đến cơ quan quản lý cấp trên. Trong thời hạn năm ngày làm việc, cơ quan nhận được hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị bồi thường để cấp kinh phí hoặc có văn bản gửi cơ quan tài chính cùng cấp đề nghị cấp kinh phí bồi thường. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị bồi thường hợp lệ, cơ quan tài chính có thẩm quyền cấp kinh phí cho cơ quan có trách nhiệm bồi thường để chi trả cho người bị thiệt hại. Sau khi nhận được kinh phí do cơ quan tài chính cấp, trong thời hạn năm ngày làm việc cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện việc chi trả bồi thường cho người bị thiệt hại hoặc thân nhân của người bị thiệt hại. Trường hợp của ông Cần đã có quyết định bồi thường từ ngày 24-4, nhưng đến nay chưa nhận được tiền bồi thường là không đúng với tinh thần của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước. Ông Cần nên có đơn khiếu nại gửi đến viện trưởng Viện KSND tỉnh Tây Ninh yêu cầu thực hiện đúng quy định pháp luật. Nếu họ trả lời ông không thỏa đáng, ông có thể gửi đơn đến viện trưởng Viện KSND tối cao và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhờ can thiệp. Nếu Viện KSND tỉnh Tây Ninh không tự nguyện bồi thường, ông cũng có thể gửi đơn đến Cục Thi hành án dân sự tỉnh yêu cầu thi hành theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận