Sách do NXB Văn Hóa Dân Tộc ấn hành |
Sự ra đời của cuốn sách khuyến khích việc phải tiếp tục không ngừng lần mò, khảo sát, tìm kiếm, phát hiện, ghi chép, tư liệu hóa tất cả vốn liếng văn hóa vật thể của ông cha chúng ta còn rơi vãi, tản mác nhiều nơi để mà tích lũy và lưu truyền nối tiếp. |
GS.TS.KTS HOÀNG ĐẠO KÍNH |
|
Ông nói: “Các kiến trúc của cha ông thường làm bằng vật liệu bền vững, tồn tại được vài ba trăm năm, song vẫn là những vật mau hỏng đối với lịch sử nghìn năm.
Chúng ta không thể và cũng không đủ sức giữ lại cả nghìn công trình cổ hoặc cũ.
Ngay như những công trình được công nhận là di tích chúng ta cũng không đủ sức để duy trì do thiếu cả kinh phí, vật liệu, nhân lực lẫn khoa học.
Cho nên công việc duy nhất khả thi là chúng ta phải ưu tiên ghi chép một cách khoa học những công trình này bằng hình ảnh, bản vẽ hoặc ảnh chụp để dành cho con cháu mai sau”.
* Ông có thể nhận xét cụ thể hơn về những hữu ích mà công trình trên tay ông mang lại?
- Suốt 40 năm qua, Viện Bảo tồn di tích (tiền thân là Xưởng bảo quản, tu sửa di tích trung ương, sau đổi thành Trung tâm Thiết kế và tu bổ du tích trung ương) đã đo vẽ và ghi chép rất nhiều kiến trúc di tích.
Quý hơn cả là thời gian đầu, trong điều kiện hết sức khó khăn về tài chính lẫn kỹ thuật, đội ngũ họa viên, kiến trúc sư đã phải trèo lên di tích, soi rọi bằng ánh đèn, ánh nến rồi vẽ ghi từng chi tiết kiến trúc bằng tay.
Đây là những tư liệu quý hiếm, không chỉ ghi lại kịp thời những hình ảnh có nguy cơ đổ nát mà còn thể hiện những tình cảm, cảm nhận, cảm xúc của họa viên đối với di tích trong mỗi bản vẽ.
Riêng trong cuốn sách này, đó là sự công bố một phần những bản vẽ, hình ảnh, những tư liệu sống, tư liệu “tươi” được tích lũy từ mấy chục năm trước về những ngôi đình có từ thế kỷ 15-16, thuộc hàng cổ quý bậc nhất Việt Nam.
Nếu không có tư liệu này thì chúng ta không thể đảm bảo việc trùng tu khoa học, không đảm bảo nguồn tư liệu cho công tác nghiên cứu di sản văn hóa kiến trúc dân tộc, đồng thời không có nhiều khả năng để trao tay cho thế hệ mai sau chân dung, hình hài của những gì có thể sẽ không còn nữa qua thời gian.
Không chỉ là nguồn quan trọng phục vụ việc bảo tồn, trùng tu các di tích kiến trúc, cuốn sách còn là nguồn dữ liệu cần thiết cho người nghiên cứu và những ai quan tâm đến những tài sản văn hóa lịch sử của đất nước, phục vụ tốt công việc giảng dạy các kiến trúc sư và họa sĩ tại các trường đại học, đồng thời giúp việc quảng bá rộng rãi những giá trị văn hóa, những kiệt tác kiến trúc của dân tộc ta.
* Phải chăng niềm vui của ông còn xuất phát từ thực tế: rất nhiều viện nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân bỏ rất nhiều sức lực, tiền bạc và thời gian để nghiên cứu, khi có kết quả thì thường là... bí mật?
- Đúng là có nhiều cơ quan này, cơ quan nọ có những việc làm tích lũy về di sản văn hóa vật thể tương tự, song thường không có sự công bố hoặc chỉ công bố từng phần.
Với Viện Bảo tồn di tích, đã có tích lũy thì phải chia sẻ, điều đó không những giúp những tư liệu này đến tay nhiều người, nhiều cơ quan nghiên cứu, mà còn có khả năng giữ lại cho mai sau...
Bởi vì không chắc di tích còn mãi đã đành, ngay cả kho tư liệu cũng có thể bị mất mát và cuốn sách này ra đời nhằm làm cho chân dung tài sản văn hóa còn đọng lại ở nhiều nơi khác. Đó là thái độ phụng sự cho khoa học.
Tôi nghĩ rằng việc làm khoa học là phải làm sao cho những gì của mình trở thành của mọi người. Và đấy chính là cái mang lại sự toại nguyện, niềm vui cho những người thực hiện.
Sách thể hiện 15 ngôi đình làng tiêu biểu ở miền Bắc thông qua hệ thống bản vẽ, ảnh chụp kèm theo bài khảo cứu chi tiết về mặt lịch sử, kiến trúc và điêu khắc. Đây là những tư liệu lần đầu được công bố, trong đó rất nhiều thành phần gốc trong một số đình làng hiện đã mất mát, thay đổi, chỉ còn được lưu giữ bằng hình ảnh trong sách... Theo Viện Bảo tồn di tích, Kiến trúc đình làng Việt tập 1 mở đầu cho hàng loạt công trình tương tự sẽ được ấn hành nhằm công bố kho tư liệu đồ sộ của viện này. Tập 2 dự kiến ra mắt năm 2018. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận