Dòng vốn FDI đăng ký và giải ngân tiếp tục gia tăng mạnh tại VN, chiếm khoảng 70% giá trị sản xuất công nghiệp, khoảng 2/3 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, nếu Bộ Tài chính tiếp tục ưu đãi miễn giảm đến 91% thuế thu nhập doanh nghiệp cho FDI, trong khi các doanh nghiệp VN chỉ được khoảng 20% thì việc hỗ trợ này có giúp thúc đẩy FDI đóng góp nhiều hơn cho VN hay không?
Các doanh nghiệp (DN) FDI có công nghệ cao ở VN ít tạo được hiệu ứng lan tỏa về công nghệ đối với các DN trong nước do họ đã có nhà cung cấp truyền thống, do khoảng cách công nghệ cũng như sự thiếu vắng lực lượng lao động trình độ cao làm giảm khả năng hấp thụ những tiến bộ công nghệ.
Thực tế, DN FDI khó lòng đem công nghệ mới nhất tới VN.
Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ ở VN chưa phát triển, còn thiếu lao động có kỹ năng cao, cộng thêm xu hướng các công ty đa quốc gia đang có xu hướng đưa VN vào vị trí cuối cùng của chuỗi sản xuất Đông Á (thay Trung Quốc do giá nhân công tại đây gia tăng) khiến giá trị gia tăng mà các DN FDI tạo ra ở VN rất thấp.
Hệ quả là các DN FDI chủ yếu tìm cơ hội tại VN ở các ngành khai thác tài nguyên, gia công tận dụng lao động giá rẻ, tạo giá trị gia tăng thấp cho nền kinh tế, công nghiệp lạc hậu (trên 80% DN FDI sử dụng công nghệ trung bình, 14% thấp và lạc hậu, chỉ 5-6% sử dụng công nghệ cao).
Không những thế, các DN FDI có thể đóng góp vào tăng trưởng trong ngắn hạn, trong khi nguồn lực trong nước có thể bị tiêu hao.
Tăng trưởng GDP có thể cao, nhưng thực chất một quốc gia có được sự phát triển bền vững là nhờ vào tổng thu nhập quốc gia (GNI) và tiết kiệm. Nếu GNI thấp hơn GDP, quốc gia đó phải chi trả sở hữu cho nước ngoài nhiều hơn phần thu được từ sở hữu của mình.
Ở VN hiện nay, luồng tiền chi trả sở hữu ra nước ngoài đang ngày càng tăng, dự kiến 9-10 tỉ USD trong năm nay. Với cơ cấu FDI như hiện nay, tăng trưởng kinh tế ở VN một phần là tăng trưởng "hộ" cho nước ngoài.
Cần lưu ý chi trả sở hữu ra nước ngoài gia tăng về dài hạn có thể ảnh hưởng đến tỉ lệ tiết kiệm quốc gia và khả năng đầu tư của nền kinh tế.
Với những vấn đề tồn tại trên của khu vực FDI, VN khó có thể phát triển bền vững nếu phụ thuộc vào khu vực FDI.
Giải pháp hiện nay là nên hỗ trợ FDI có trọng điểm, có điều kiện chặt chẽ, thay vì cào bằng. Chỉ nên hỗ trợ (ví dụ về thuế thu nhập DN) cho những DN tạo được giá trị gia tăng cao ở VN, có liên kết với các DN phụ trợ trong nước, sử dụng công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường...
Nếu để tình trạng "quê hương là chùm khế ngọt, ai cao thì hái được nhiều" như nhiều doanh nhân lo ngại sẽ khó cho các DN trong nước, đặc biệt là DN vừa và nhỏ.
Chính phủ kiến tạo ở khía cạnh nào đó cần có chính sách sát thực tế để đảm bảo khả năng cạnh tranh, khả năng cùng phát triển cân bằng giữa các thành phần kinh tế. DN khu vực tư nhân cần được "ưu đãi" hơn nữa, không nhất thiết về thuế, mà cơ bản là về môi trường kinh doanh bình đẳng, thân thiện và thực sự được lắng nghe, được kiến tạo...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận