Đó là nội dung được nêu từ buổi giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM với các đơn vị về công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Giải ngân được 17.041 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 21,5%
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, tính đến ngày 18-10, tổng số vốn đã giải ngân là 17.041 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 21,5% trên tổng vốn đầu tư công được Thủ tướng giao (79.263 tỉ đồng).
Hiện nay, số vốn giải ngân của TP chưa đạt so với kế hoạch giải ngân đã đề ra của các đơn vị, thấp hơn 4.619 tỉ đồng (kế hoạch đến hết tháng 9 các đơn vị đã xây dựng là 20.734 tỉ đồng, tỉ lệ 26,2%).
Qua rà soát, có 7 đơn vị có kết quả giải ngân đến hết tháng 9 đạt trên mức bình quân của TP.HCM (20,3%). Tuy nhiên, các đơn vị này lại không đạt tỉ lệ giải ngân theo chỉ đạo của UBND TP tại thông báo số 849 (phải đạt từ 26,9% trở lên).
Đặc biệt, có 11 đơn vị giải ngân dưới mức tỉ lệ giải ngân chung của TP.HCM đến hết quý 3 năm 2024. Cụ thể gồm khối các ban quản lý dự án TP: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (8,6%), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (19,7%).
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (7,9%), Ban Quản lý đường sắt đô thị (17,1%), Ban Quản lý khu công viên Lịch sử văn hóa dân tộc (0%), Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao (0,5%).
Khối các quận, huyện và TP Thủ Đức, gồm huyện Nhà Bè (10,5%), TP Thủ Đức (8,0%), quận 1 (11,6%), quận 10 (8,8%), quận 5 (13,0%).
Giải ngân chậm, vì sao?
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc chậm giải ngân trong 9 tháng đầu năm chủ yếu do nhóm nguyên nhân chính.
Nhóm liên quan thủ tục của trung ương (có số vốn dự kiến giải ngân 4 tháng cuối năm 2024 là 10.517 tỉ đồng, tỉ lệ 13,3% tổng vốn): Gồm dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với kế hoạch giải ngân là 6.800 tỉ đồng; dự án metro số 1 với tổng số kế hoạch giải ngân là 3.717 tỉ.
Nhóm liên quan điều chỉnh quy hoạch 1/2000 (số vốn dự kiến giải ngân 4 tháng cuối năm là 4.008 tỉ đồng, tỉ lệ 5,05% tổng vốn): Có 57 dự án hiện đang chờ hoàn tất thủ tục điều chỉnh quy hoạch và dự kiến chỉ giải ngân được chi phí chuẩn bị đầu tư và khó có khả năng khởi công dự án và kịp giải ngân trong năm 2024.
Nhóm liên quan công tác bồi thường giải phóng mặt bằng: Khoảng 30.504 tỉ đồng (chiếm 38,4% tổng vốn) sẽ giải ngân vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 (tập trung ở 17 dự án đã giải ngân là 681 tỉ đồng trên tổng vốn là 31.086 tỉ đồng).
Nhóm các dự án khởi công mới (không vướng điều chỉnh quy hoạch 1/2000): Khoảng 8.925 tỉ đồng (chiếm 11,2% tổng vốn) trong các tháng đầu năm còn chậm thực hiện các thủ tục về cấp phép môi trường, điều chỉnh quy hoạch 1/500. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay các thủ tục này đã được đẩy nhanh và tháo gỡ, cam kết sẽ giải ngân theo kế hoạch đề ra.
Ngoài ra, với 3 dự án nhóm A chiếm 1.200 tỉ đồng là 3 dự án mua sắm trang thiết bị các bệnh viện cửa ngõ hiện còn chậm trong việc thực hiện thủ tục trình phê duyệt dự án, dẫn đến chưa thể trình thẩm định và phê duyệt dự án.
Sở Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị chủ đầu tư nghiên cứu đề xuất UBND TP.HCM cho phép tạm ứng cho các dự án này theo quy định với tỉ lệ tối đa là 50% thay vì 30%, bởi dự án này có thể giải ngân được 1.800 tỉ đồng thay vì 1.200 tỉ như dự kiến.
Sở cũng kiến nghị UBND TP.HCM phê bình 11 đơn vị giải ngân dưới mức tỉ lệ giải ngân chung của TP đến hết quý 3 năm 2024 (20,2%) và không có nguyên nhân khách quan.
Đầu tư công hiệu quả, giải quyết dự án tồn đọng cũng là tránh lãng phí
Về công tác giải ngân đầu tư công, ông Lê Trương Hải Hiếu, trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, cho rằng việc tập trung giải ngân vốn đầu tư công không chỉ giúp xây dựng và phát triển TP mà còn có ý nghĩa hạn chế lãng phí.
“Đầu tư hiệu quả và giải quyết được dự án tồn đọng cũng nhằm hạn chế lãng phí, bởi theo Tổng Bí thư Tô Lâm từng nói lãng phí còn gây hại và tổn thất nhiều hơn cả tham nhũng.
Đề nghị các đơn tập trung, đánh giá, nhìn nhận lại nguyên nhân nào là then chốt cần phải tháo gỡ để chuẩn bị cho kỳ trung hạn sau bởi chúng ta đặt ra rất nhiều chỉ tiêu”, ông Hiếu nói.
Theo lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách, hiện nay TP đã có cơ chế đặc thù với nghị quyết 98, đồng thời hướng đến lộ trình đô thị đặc biệt. Do đó, các đơn vị cần tập trung nghiên cứu đề xuất cơ chế đặc biệt để TP thực hiện đầu tư công thuận lợi hơn, tháo gỡ các khó khăn hiện hữu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận