Sân bay Vân Đồn là 1 trong 6 sân bay dự kiến thực hiện các chuyến bay quốc tế thường lệ - Ảnh: S.G
Báo cáo Thủ tướng, Bộ GTVT cho biết hiện nay phần lớn các quốc gia đang kiểm soát hoạt động vận chuyển hành khách quốc tế bằng máy bay theo nguyên tắc chỉ cho phép nhập cảnh đối với công dân của mình, người nước ngoài có thẻ cư trú, một số đối tượng đặc biệt như thương gia, chuyên gia kỹ thuật, sinh viên...
Những người này được phép nhập cảnh khi được nhà chức trách phê duyệt và phải cách ly 14 ngày tại gia đình hoặc cơ sở lưu trú (có thu phí) khi nhập cảnh.
Một số nước khôi phục từng bước các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách với hạn chế nhất định về đối tác kết nối, tần suất khai thác. Tuy nhiên, một số nước tái đóng cửa sau giai đoạn mở cửa và bị lây nhiễm mạnh trở lại trong cộng đồng như Úc, Hi Lạp...
Tại Việt Nam, hiện có sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang có chuyến bay quốc tế thường lệ và không thường lệ của các hãng quốc tế nhưng hoạt động theo nguyên tắc chỉ chở hàng vào Việt Nam và chở khách, hàng từ Việt Nam đi nước ngoài.
Các chuyến bay có chở khách vào Việt Nam được thực hiện theo kế hoạch của Bộ Ngoại giao với hành khách là công dân có hoàn cảnh khó khăn, nhà ngoại giao, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao... và đều thực hiện cách ly theo quy định.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT dự kiến kế hoạch khôi phục các chuyến bay chở khách quốc tế thường lệ với tần suất 1 chuyến/tuần cho mỗi bên đối với mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ. Dự kiến đầu tháng 8-2020 có thể thực hiện chuyến bay thường lệ đầu tiên.
Như vậy, dự kiến mỗi tuần sẽ có 2.500-3.000 hành khách được đưa vào Việt Nam trên các chuyến bay thường lệ. Ngoài ra các chuyến bay đưa công dân về nước, chuyến bay thuê chuyến chở chuyên gia từ nước ngoài vào Việt Nam sẽ đưa 1.000-1.500 người vào Việt Nam mỗi tuần.
Toàn bộ hành khách từ các chuyến bay quốc tế vào Việt Nam đều phải thực hiện cách ly theo quy định về phòng, chống dịch.
Nhằm phù hợp với phân bố khả năng cách ly, sự tương đồng về điểm đi, đến, Bộ GTVT đề xuất địa điểm tiếp nhận các chuyến bay thường lệ quốc tế trong giai đoạn đầu gồm: Quảng Châu (Trung Quốc) - Đà Nẵng; Tokyo (Nhật Bản) - Hà Nội; Seoul (Hàn Quốc) - Hà Nội; Đài Bắc (Đài Loan) - TP.HCM; Vientiane (Lào) - Quảng Ninh; Phnom Penh (Campuchia) - Cần Thơ.
Việc mở các chuyến bay thường lệ quốc tế đến các khu vực ưu tiên trên cần được sự cấp phép và phối hợp của nhà chức trách hàng không của các nước đối tác. Hiện Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trao đổi với các nước về kế hoạch mở lại các đường bay.
Theo đánh giá, phần lớn các nước sẽ có phản hồi tích cực về đề nghị mở lại đường bay của phía Việt Nam.
Bao giờ khôi phục đường bay với Trung Quốc?
Với thị trường hàng không Trung Quốc, trong giai đoạn cao điểm về dịch bệnh COVID-19, ngày 31-3, Thủ tướng đã có chỉ thị trong đó yêu cầu "tạm dừng cấp phép bay đối với tất cả các chuyến bay từ vừng có dịch của Trung Quốc đến Việt Nam và ngược lại, trừ trường hợp đặc biệt phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ".
Theo đó, hoạt động vận chuyển hành khách đường hàng không giữa hai nước đang tạm dừng (khác với các quốc gia/vùng lãnh thổ khác là vẫn được chở khách từ Việt Nam đi nước ngoài).
Còn ngày 12-7, theo thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng đã đồng ý khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và Trung Quốc; tần suất, điều kiện vận chuyển hành khách giữa hai nước sẽ do nhà chức trách hàng không hai nước thống nhất.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ GTVT, riêng đối với Trung Quốc, Cục Hàng không Việt Nam đã nhiều lần đề nghị nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi.
Vừa qua, Bộ GTVT đã làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đề nghị hỗ trợ việc mở đường bay quốc tế thường lệ đến Quảng Châu và gửi thư đến bộ trưởng Bộ GTVT Trung Quốc đề nghị xem xét hỗ trợ việc này.
Để có thể mở được đường bay tới Quảng Châu, Bộ GTVT thấy rằng cần tiếp tục thúc đẩy phía Trung Quốc bằng nhiều kênh, đặc biệt là kênh ngoại giao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận