Ngày 27-9, tại tỉnh Bạc Liêu đã diễn ra hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), do Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì.
Hội đồng này được Thủ tướng ký quyết định thành lập vào tháng 8-2023, với 29 thành viên, do Phó thủ tướng Lê Minh Khái làm chủ tịch.
Sớm đầu tư giai đoạn 2 cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL tiếp tục có những đề xuất hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh - chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - cho rằng để ĐBSCL phát triển bền vững thì hạ tầng thông là quan trọng nhất.
Vì vậy, ông đề xuất Bộ Giao thông vận tải cần sớm có kiến nghị Chính phủ cho triển khai giai đoạn 2 tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận vì đường cao tốc này hiện nay "bé tí", trong khi tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận còn không có làn dừng khẩn cấp.
"Tuyến này là đầu vào của vùng ĐBSCL mà bị tắc thì không kết nối được với vùng. Bộ Giao thông vận tải cần sớm triển khai dự án để đồng bộ, kết nối trước với TP.HCM, sau đó với tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và các hệ thống giao thông khác", ông Vĩnh nêu hướng giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Được - bí thư Tỉnh ủy Long An - cũng đánh giá tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang quá tải, các tỉnh trong vùng có kiến nghị và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư giai đoạn 2.
"Các tỉnh mong muốn Phó thủ tướng, với vai trò là chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL, tiếp tục quan tâm, kiến nghị trong nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải cần đẩy nhanh tiến độ lập dự án khả thi cho tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương", ông Được đề xuất.
Đánh giá toàn diện tác động biến đổi khí hậu gắn với an ninh nguồn nước
Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh trong vùng ĐBSCL cũng bày tỏ quan tâm tới tình hình nguồn nước và vấn đề an ninh nguồn nước.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết ĐBSCL được biết đến là vùng có lượng nước ngọt dồi dào, lượng phù sa rất lớn, phù hợp để phát triển nông nghiệp.
Tuy nhiên thời gian qua, nước ngọt ở vùng này chỉ được xem là "tài nguyên của trời", nên chưa có kế hoạch, chương trình khai thác có hiệu quả.
Trong khi đó, những năm gần đây, trước ảnh hưởng càng lớn của biến đổi khí hậu nên đã có những chuyển biến về vấn đề nước ngọt.
Riêng ở Đồng Tháp đã có những quy định như hạn chế sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế quy hoạch các khu, cụm công nghiệp ven sông và kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư dùng nước hạn chế, ít tác động môi trường.
"Nghị quyết 13 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển ĐBSCL đã đặt ra việc sử dụng tài nguyên nước ngọt. Tuy nhiên những địa phương như Đồng Tháp, An Giang còn lúng túng trong việc làm sao sử dụng hiệu quả nhất. Đề nghị Chính phủ cho đánh giá toàn diện tác động biến đổi khí hậu gắn với an ninh nguồn nước.
Hiện tại chúng ta đã thấy rõ vai trò rất lớn của an ninh nguồn nước. Ngoài đập thủy điện ở thượng nguồn, một số quốc gia có động thái ngăn chặn nguồn nước, sắp tới vấn đề hạn chế nước ngọt là rất lớn. Ngoài ra, phù sa không về được thì tất cả sinh kế của người dân cũng bị ảnh hưởng lớn", ông Nghĩa nêu.
Cũng liên quan tới nguồn nước, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh kiến nghị sớm tháo gỡ vướng mắc trong xây dựng nhà máy nước thô đầu tiên của vùng ĐBSCL để cấp nước cho các tỉnh trong vùng.
UBND tỉnh Tiền Giang đang xin ý kiến các bộ ngành hướng dẫn, quyết định đơn vị lựa chọn nhà đầu tư. Theo ông Vĩnh, dự án này đã có hơn một năm qua để giải quyết nước ngọt trong mùa khô và mùa mặn 3 tỉnh Tiền Giang, Long An và Bến Tre.
Phản hồi lãnh đạo các địa phương, ông Lê Công Thành - thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - nhìn nhận vấn đề nguồn nước mà lãnh đạo các tỉnh nêu ra là rất xác đáng. Ông cho hay Chính phủ đã thông qua quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước ĐBSCL, hiện bộ đang triển khai quy hoạch này.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành và nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội nhằm phát triển vùng, trong đó có các cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng giao thông kết nối; phát triển nông nghiệp hiệu quả cao; bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Các bộ ngành có liên quan như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, liên vùng không thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng, các vấn đề để thực hiện các dự án giao thông liên vùng, vấn đề về nguyên vật liệu phục vụ cho các dự án liên vùng.
Về ý kiến lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tiếp tục hoàn thiện kế hoạch điều phối và cụ thể hóa kế hoạch hoạt động những tháng cuối năm 2023, xác định các nhiệm vụ để triển khai hoạt động điều phối vùng và nâng cao hiệu quả, tính khả thi trong việc xây dựng và phối hợp triển khai các cơ chế, chính sách phát triển vùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận