Sơ đồ các tuyến vành đai tại TP.HCM - Ảnh: T.T
Liên quan đến dự án vành đai 3, trước đó ngày 16-7, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã giao UBND TP chủ trì, cùng với Bộ Giao thông vận tải (trên cơ sở thống nhất với Long An, Bình Dương, Đồng Nai) hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi để báo cáo Chính phủ.
Hiện Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị TP.HCM tiếp nhận hồ sơ, tài liệu dự án và tổng hợp ý kiến các địa phương liên quan, đồng thời rà soát điều chỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tổng chiều dài nghiên cứu đường vành đai 3 là 91,66km, trong đó bao gồm 8,3km tuyến nhánh nối vào nút giao Thủ Đức và nhánh nối vào Khu công nghiệp Ông Kèo (tỉnh Đồng Nai).
Dự án có quy mô 8 làn xe cao tốc theo quy hoạch, vận tốc thiết kế 100km/h và đường song hành có tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn thiện (chưa bao gồm lãi vay) hơn 165.256 tỉ đồng.
Ở giai đoạn 1 sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng cho cả giai đoạn hoàn thiện, làm 4 làn xe cao tốc và đường gom, có tổng mức đầu tư (chưa bao gồm lãi vay) khoảng 82.598 tỉ đồng. Trên cơ sở quy mô và chủ trương ưu tiên nghiên cứu đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), dự án được chia ra các thành phần để thực hiện.
Cụ thể, dự án thành phần 1: đầu tư xây dựng đường song hành, tuyến nối và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật bao gồm giải phóng mặt bằng cho quy mô ở giai đoạn hoàn thiện với 51.776 tỉ đồng. Dự án chia thành 4 hợp phần, giao cho các địa phương có dự án đi qua đầu tư bằng vốn ngân sách.
Dự án thành phần 2: xây dựng phần đường cao tốc bao gồm các nút giao với chiều dài gần 73,4km được chia thành các đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - quốc lộ 22, đoạn quốc lộ 22 - Bến Lức. Đối với đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn dài 15,3km đã được đầu tư sẽ chi đầu tư giải phóng mặt bằng và đầu tư đường song hành, đến giai đoạn hoàn thiện sẽ đầu tư cao tốc.
Dự án thành phần này có tổng mức đầu tư 30.822 tỉ đồng, thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP cho hay trường hợp TP.HCM được giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì UBND TP và các tỉnh sẽ báo cáo HĐND để đồng thuận cho lập đề xuất thực hiện dự án.
Theo tiến độ dự kiến, thủ tục này sẽ hoàn thành vào tháng 9-2021. Tiếp đó, lựa chọn tư vấn hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi và UBND TP sẽ trình Chính phủ thẩm định, trình Quốc hội xem xét.
Do đó, về trình tự thủ tục dự kiến đến giữa năm 2022 mới hoàn tất thủ tục trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chủ trương đầu tư dự án. Với tiến độ như trên, dự án sẽ không kịp trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp lần 2 khóa XV dự kiến vào tháng 10-2021.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP, hiện Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã hoàn tất báo cáo tiền khả thi dự án đường vành đai 3 TP.HCM.
Do đó, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải hoàn tất báo cáo để Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án, mà không phải bổ sung thủ tục giao TP.HCM làm cơ quan có thẩm quyền trình chủ trương dự án.
Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, việc tổ chức thực hiện dự án sẽ giao các địa phương thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận