Tọa đàm khoa học "An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo - vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản" diễn ra ở Huế chiều 26-4 - Ảnh: NHẬT LINH
Một trong những nguyên nhân của việc làm này, theo các nhà nghiên cứu là nhằm trả lại sự trong sạch của vua Gia Long trước nghi án "coi vợ con như rơm rạ" và để không làm xuyên tạc lịch sử.
"Nguyễn Ánh không ra Côn Đảo"
Chiều 26-4, hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc đã tổ chức tọa đàm khoa học "An Sơn miếu và bà Phi Yến ở Côn Đảo - vấn đề từ truyền thuyết đến hồ sơ di sản".
Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đều nhất quán với quan điểm Nguyễn Ánh khi thất trận ở Gia Định đã không chạy đến đảo Côn Lôn (Côn Đảo - nơi xuất phát truyền thuyết về bà Phi Yến).
Theo PGS Đỗ Bang, thông tin Nguyễn Ánh chạy đến Côn Lôn được ghi rõ trong Đại Nam Thực Lục và Quốc triều chính biên toát yếu.
Theo ông Bang, hai chữ côn lôn có nguồn gốc từ tiếng Mã Lai, khi phiên âm tiếng Việt là cù lao. Do vậy, khi biên soạn Phủ Biên Tạp Lục, tác giả Lê Quý Đôn cho biết vào đầu thế kỷ XVIII, tại vùng biển miền Nam có đến 3 địa danh mang tên Côn Lôn ở 3 vị trí khác nhau tại ngoài khơi phủ Bình Thuận, ngoài khơi phủ Gia Định và ngoài khơi trấn Hà Tiên.
"Các nguồn sử liệu đều cho biết qua các lần truy đuổi của quân đội Tây Sơn, hướng trốn thoát của Nguyễn Ánh chỉ là miền Tây Nam Bộ qua Rạch Giá - Hà Tiên để tiện đường ra Phú Quốc, Thổ Chu, Cổ Cốt, Cổ Long rồi sang Xiêm. Do vậy Côn Lôn sử ghi không thể là Côn Đảo ngày nay", ông Bang nói.
Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần lên tiếng
Tại buổi tọa đàm, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa - nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Thừa Thiên Huế - nói rằng cần phải trả lại mối hàm oan "coi vợ con như rơm rạ" của vua Gia Long.
"Liệu có ai có thể toàn tâm đi theo phò trợ một vị quân vương nhẫn tâm, ném con mình xuống biển trước mặt quân thần như vậy? Điều này hoàn toàn trái với các tài liệu lịch sử ghi chép về vua Gia Long là một người biết thu phục nhân tâm", ông Hoa nói.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Đăng - nguyên trưởng khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế), truyền thuyết về bà thứ phi Hoàng Phi Yến có thể có nguồn gốc từ tập tục thờ Thánh nữ của cư dân biển.
"Cục Di sản văn hóa đã tùy tiện, đơn giản và có sự tắc trách trong việc công nhận mà thiếu thẩm định nền tảng lịch sử về di tích miếu An Sơn và truyền thuyết về bà Phi Yến", ông Đăng nói.
Các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa cùng nhau ký tên vào bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc rút lễ giỗ bà Phi Yến khỏi danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh: NHẬT LINH
Cũng theo ông Đăng, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã "im hơi lặng tiếng" quá lâu và cần phải lên tiếng ngay về vụ việc này nhằm "không để lịch sử bị xuyên tạc".
Cuối buổi tọa đàm, toàn bộ các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử tham gia thảo luận đã cùng ký tên với hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc vào đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cùng các đơn vị liên quan về việc rút lễ giỗ bà Phi Yến khỏi danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận