Du khách nước ngoài tham quan cồn Thới Sơn (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) - Ảnh: Lê Nam |
Sáng 25-5, tại hội nghị “Những giải pháp cấp bách thúc đẩy du lịch Việt Nam tăng trưởng” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức ở Hà Nội, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia ngành du lịch cho rằng các quy định thị thực nhập cảnh và hệ thống xử lý visa phức tạp cùng mức lệ phí làm visa quá cao là những rào cản đối với ngành du lịch Việt Nam hiện nay.
Theo ông Trần Khang Thụy - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH du lịch Exotissimo - Cesais, nếu chỉ có một máy bay đến với vài người xin thị thực tại chỗ thì công việc khá trôi chảy, nhưng nếu có 2 - 3 máy bay đến cùng lúc sẽ xảy ra tình trạng mất trật tự và có thể mất đến hai giờ mới lấy được visa.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Vân Anh, tổng giám đốc Công ty Hanoi Redtours, cho rằng lệ phí làm visa ở Việt Nam (45 USD/visa du lịch) khá cao so với các nước trong khu vực, chưa kể số tiền thực tế du khách bỏ ra để làm visa thường không dưới 100 USD. “Du khách nhiều nước phản ảnh không được trực tiếp nộp mà phải qua “môi giới” hoặc “lót tay” mới xin được visa vào Việt Nam” - bà Anh bức xúc.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng phải từng bước miễn visa cho các thị trường du lịch trọng điểm, gồm tất cả các nước thành viên EU (Liên minh châu Âu), các nước trong TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) như Úc, Brunei, Canada, Mỹ, Mexico, New Zealand, Peru, Ấn Độ... Ngoài ra, theo ông Vũ Thế Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cần cho phép triển khai loại hình đón khách quá cảnh ở các sân bay quốc tế, sớm triển khai cấp visa điện tử (e-visa)...
Đặc biệt, để khắc phục sự suy giảm số lượng khách du lịch đến Việt Nam trong thời gian qua, ông Bình đề nghị Chính phủ miễn lệ phí visa cho tất cả khách quốc tế vào Việt Nam từ tháng 7 đến hết tháng 12-2015, đồng thời miễn thuế VAT một năm cho các doanh nghiệp du lịch tham gia chương trình kích cầu du lịch (từ tháng 7-2015 đến tháng 6-2016), cho phép nộp chậm sáu tháng đến một năm với thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp này...
Theo thông tin từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong 11 tháng liên tiếp, từ tháng 6-2014 đến tháng 4-2015, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh, tốc độ tăng trưởng giảm dần từ 34,8% (2010) xuống còn 4% (2014) và bốn tháng đầu năm 2015 tăng trưởng âm (-)12,8%.
Ngoài các nguyên nhân đã nêu, theo các doanh nghiệp, sự suy giảm lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn do công tác xúc tiến thiếu chuyên nghiệp vì có quá nhiều cơ quan tham gia, nguồn lực thiếu nhưng lại phân tán, không thể tổ chức được các chiến dịch lớn làm thay đổi thị trường, thu hút khách du lịch vào Việt Nam; quá nhiều hoạt động văn hóa xã hội nhân danh phát triển du lịch làm cho hình ảnh du lịch Việt Nam ngày càng mờ nhạt cả trong và ngoài nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận