Theo dự thảo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nội dung chương trình giáo dục phổ thông hiện đã có những đổi mới tích cực. Tuy vậy nó vẫn còn nặng, quá tải, thiên về trang bị kiến thức mà chưa chú trọng rèn luyện kỹ năng, nhất là kỹ năng sống và nhân cách học sinh. Chương trình chưa thể hiện đầy đủ và rõ nét mức độ hiện đại, cập nhật cần thiết, tính tích hợp, phân hóa trong xây dựng chương trình còn yếu. Chất lượng giáo dục phổ thông tuy có những chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung vẫn còn thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là so với trình độ của các nước đang phát triển trong khu vực.
Tại hội nghị, TS Huỳnh Công Minh - nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - kiến nghị: “Việc xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa sau năm 2015 không nên theo cách làm cũ của bộ sách hiện hành. Theo tôi, nên thực hiện cơ chế tín chỉ ở giáo dục phổ thông: với 40 tín chỉ trong suốt ba năm THPT như nhiều nước đã làm, học sinh được chọn tín chỉ về các lĩnh vực khác nhau. Yếu tố này sẽ làm nhẹ chương trình và thi cử đánh giá, thay vì thi tập trung một lần cấp quốc gia tốn kém, nặng nề; học sinh sẽ làm bài 40 lần trong nhà trường, áp lực căng thẳng sẽ giảm đi rất nhiều”.
TS Nguyễn Kim Dung - phó viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM) - cũng đề xuất: “VN có thể học tập các nước việc xây dựng hệ thống tín chỉ ở THPT. Các kỳ thi có thể tổ chức nhiều lần trong năm nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thí sinh”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận