Một dự án bất động sản đang xây dựng tại TP.HCM giữa khó khăn của mùa dịch COVID-19 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giảm hàng tồn kho trong lĩnh vực xây dựng.
Theo bộ này, cả nước hiện có 4.438 dự án khu đô thị và dự án nhà ở, tổng vốn đầu tư khoảng 4,8 triệu tỉ đồng, trong đó tồn kho bất động sản khoảng 104.000 tỉ đồng (chủ yếu là căn hộ cao cấp, condotel, nhà tái định cư xây xa trung tâm).
Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ 5 giải pháp, trong đó, để giải quyết số lượng tồn kho là căn hộ đã xây xong phần thô, đất nền đã giải phóng mặt bằng, đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật tại vị trí không thuận lợi, các địa phương cần sớm hỗ trợ xây dựng hạ tầng.
Với nhà ở, đất nền tồn kho tại dự án chậm triển khai do vướng mắc quy định pháp luật, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định.
Bên cạnh đó là giải pháp tăng rà soát, đặc biệt các dự án cao cấp, nghỉ dưỡng để cân đối cung cầu; thu hồi, hoãn tiến độ các dự án bất động sản chậm triển khai...
HOREA cũng vừa có văn bản đề xuất Chính phủ cho giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án thêm 5 tháng đối với doanh nghiệp có số nợ tiền sử dụng đất phát sinh trong tháng 3 đến tháng 6-2020, giãn 12 tháng nộp tiền sử dụng đất đối với cá nhân, hộ gia đình.
Theo HOREA, nghị định 41/2020/NĐ-CP về "gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất" chưa quy định việc giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất. Nếu doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm này là vô cùng khó khăn.
Bên cạnh đó, hiệp hội cũng đã đề xuất các giải pháp để bắt đầu khởi động lại thị trường sau đại dịch như tháo gỡ điểm nghẽn về quy định pháp luật, khẩn trương rà soát các dự án thuộc diện thanh tra...
Hiệp hội cũng kiến nghị doanh nghiệp bất động sản giãn tiến độ thu tiền mua nhà, thuê nhà trong giai đoạn dịch, hướng vào sản phẩm nhà ở có giá trung bình; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tái khởi động thị trường sau dịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận