Nghi lễ cúng đất của người Tà Mun được Sở Văn hóa - thể thao & du lịch Tây Ninh phục dựng tại ấp Tân Định 2, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu - Ảnh: VIỄN SỰ |
Giờ không chỉ khó việc vay tiền mà chuyện học, chuyện khám bệnh, giấy tờ đất đai, nhà cửa cũng rối |
Già làng Lâm Ron |
Thiệt thòi đủ bề
Kể từ khi có chứng minh nhân dân (CMND) mới, Lâm Văn Phu, một người Tà Mun ở Ninh Thạnh (TP Tây Ninh), không còn vay được vốn ngân hàng dành cho hộ nghèo như trước nữa.
Mang cả tập giấy tờ đến nhà già làng Lâm Ron, ông Phu than phiền: “Cán bộ ngân hàng không cho mình vay vì hộ khẩu ghi dân tộc Tà Mun nhưng CMND lại ghi dân tộc S’Tiêng”.
Ông Phu chỉ là một trong số rất nhiều người Tà Mun ở Tây Ninh gặp phải rắc rối vì cái tên S’Tiêng không mong muốn trên CMND.
Già làng Lâm Ron cho biết từ khi CMND được làm bằng phần mềm thống nhất, không còn ghi bằng tay như trước đây thì tất cả người Tà Mun đều không còn được ghi tên dân tộc mình trong CMND được cấp mới, lý do là Tà Mun không có trong danh sách 54 dân tộc, buộc phải ghi tên một dân tộc khác.
“Nhiều người phản ứng nhưng rồi cũng phải chịu ghi cái tên S’Tiêng vô. Tụi trẻ nhiều đứa còn nhận bừa là người Kinh, người Khmer trong CMND mới. Giờ không chỉ khó việc vay tiền mà chuyện học, chuyện khám bệnh, giấy tờ đất đai, nhà cửa cũng rối” - già làng Lâm Ron nói.
Chia sẻ chuyện rắc rối này của người Tà Mun, ông Nguyễn Minh Nhật - phó phòng dân tộc UBND tỉnh Tây Ninh - nói đây là vấn đề mà phòng từng trao đổi với PA 88 (phòng dân tộc) Công an tỉnh Tây Ninh, nhưng cũng không làm khác được vì phần mềm làm CMND đã thống nhất trong cả nước.
Và đó cũng không phải là rắc rối, thiệt thòi duy nhất với người Tà Mun do chưa được công nhận là một dân tộc riêng.
Ông Nguyễn Minh Nhật cho biết với dân số khoảng 3.000 người, người Tà Mun nếu được công nhận sẽ thuộc nhóm dân tộc thiểu số rất ít người (dành cho các dân tộc có dân số dưới 10.000 người), được hưởng chế độ chính sách ưu tiên đặc biệt, cao hơn rất nhiều so với hiện nay khi xếp vào nhóm dân tộc S’Tiêng.
Cụ thể, người Tà Mun sẽ được miễn phí toàn bộ chi phí khám chữa bệnh, thai sản. Đối với chuyện học hành, theo nghị định 57 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-7-2017, trẻ em người dân tộc thiểu số rất ít người nếu đi học sẽ hưởng trợ cấp 30-100% mức lương cơ sở/tháng, được vào các trường công lập, dân tộc nội trú ở tất cả cấp học.
Và đặc biệt là học sinh tốt nghiệp THPT sẽ được tuyển thẳng vào các trường, khoa dự bị đại học, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
“Đây là thiệt thòi rất lớn của người Tà Mun, cho dù tỉnh Tây Ninh có nhiều quan tâm với bà con nhưng khi quy định pháp luật chưa cho phép, chúng tôi cũng không thể làm gì hơn trong khi đời sống người Tà Mun vẫn còn khó khăn, văn hóa dân tộc ngày càng mai một” - ông Nhật nói.
Ông Lâm Văn Phu, một người Tà Mun ở Ninh Thạnh, TP Tây Ninh, không vay được vốn ngân hàng vì tên dân tộc trong CMND và trong khai sinh khác nhau - Ảnh: VIỄN SỰ |
Nỗi lo bị hòa lẫn
Già làng Lâm Ron có hai con gái 18 và 20 tuổi, cả hai học hết lớp 12 nhưng không đậu đại học, ở nhà đi bán hàng tại siêu thị và tham gia công tác đoàn thể ở phường Ninh Thạnh.
Với người Tà Mun ở đây, hai con gái của già làng Lâm Ron được coi là học hành đỗ đạt. Nhưng già Lâm Ron vẫn buồn khi hai con gái ông không còn nói được tiếng Tà Mun nguyên bản nữa.
“Giờ tui nói tiếng Tà Mun gốc nhiều khi con cái không nghe được, tụi nhỏ giờ nói chuyện cứ trộn tiếng Khmer, tiếng Kinh, tiếng của ông bà hồi xưa quên dần” - già làng Lâm Ron nói.
Chuyện từ gia đình ông Lâm Ron cũng là nỗi lo chung của cả cộng đồng Tà Mun. Khi về Tây Ninh thực hiện loạt phóng sự này, chúng tôi được tham gia một buổi phục dựng lễ cúng đất của người Tà Mun tại ấp Tân Định 2, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu do Sở VH-TT&DL Tây Ninh thực hiện.
Buổi lễ phục dựng diễn ra khá vui vẻ, có sự tham gia của nhiều dân làng nhưng nói như ông Lâm Văn Tác, một người Tà Mun cao niên ở đây, là “không còn vui và đúng như hồi xưa nữa”.
Theo ông Tác, trang phục mà người Tà Mun mặc trong dịp lễ hội bây giờ là của người Khmer. Ngôi nhà cộng đồng của ấp Tân Định dù được xây khá kiên cố, được gọi là “nhà truyền thống Tà Mun” nhưng được xây bằng gạch, lợp tôn với hình thù nhái kiểu nhà rông Tây Nguyên.
Ngay cả tết năm mới Sunco Khamun cũng không còn nhiều màu sắc như trước. Già làng Lâm Bế (82 tuổi) ở ấp Tân Định 2 nói các nghi lễ như tổ tiên (rước bóng) với sự tham dự của cả làng, kéo dài hai ba ngày, giờ đã không còn đông vui như trước.
“Người Tà Mun giờ ở chung với người Khmer, người Kinh nên mỗi năm có khi ăn tới ba cái tết. Bởi vậy tết dân tộc mình cũng tổ chức đơn giản dần” - ông Lâm Bế than thở.
“Cần công nhận dân tộc cho người Tà Mun” Đó là quan điểm của TS Lò Giàng Páo - nguyên phó viện trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc. TS Páo cho biết vào năm 2016 trước khi nghỉ hưu, ông đã hoàn thành công trình đánh giá về các nhóm người đang có kiến nghị công nhận thành phần dân tộc tại Việt Nam để Ủy ban Dân tộc trình lên Chính phủ. Trong đó đề xuất người Tà Mun cần được công nhận là một dân tộc riêng. Ông Páo phân tích: “Trong ba tiêu chí công nhận dân tộc, người Tà Mun có ngôn ngữ riêng, đặc biệt có ý thức mãnh liệt về nguồn cội dân tộc mình. Đây là cơ sở quan trọng để công nhận dân tộc riêng”. “Năm 2012 khi đi điền dã chuẩn bị cho công trình nghiên cứu này, tôi đã từng xót xa khi đến một xóm nhỏ người Tà Mun chỉ hơn chục nóc nhà sống lẻ loi ven hồ Dầu Tiếng. Do bị cách xa với cộng đồng quá lâu họ không còn nói được tiếng Tà Mun nữa mà nói tiếng Khmer. Nhưng họ luôn ý thức mình là người Tà Mun, ăn tết Tà Mun và luôn nhắc nhở con cái mình về nguồn cội” - ông Páo kể. Ông cho rằng nếu không được công nhận dân tộc riêng, cộng đồng Tà Mun sẽ càng bị hòa lẫn vào các cộng đồng khác cho dù có ý thức dân tộc cao đến đâu. |
Kỳ 2: Kỳ 1: |
>> Kỳ cuối: Người Pa Cô cũng kiến nghị
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận