Ông Nguyễn Hoàng Mai - Ảnh: GIA HÂN
Ông Nguyễn Hoàng Mai cho hay kiến nghị của ủy ban xuất phát từ thực tiễn giám sát việc thực hiện nghị quyết 30 tại các địa phương đã ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của những người tham gia trực tiếp chống dịch.
Ghi nhận thực tế cho thấy trong hoàn cảnh chống dịch như chống giặc, tình huống rất cấp bách thì những việc phải xử lý tình thế, không cho phép chờ đợi về thời gian, do đó một số việc trong quá trình thực hiện sẽ không theo đúng các quy định của pháp luật. Bởi nếu theo đúng quy định sẽ mất rất nhiều thời gian. Ví dụ như việc mua sắm các trang thiết bị, thuốc men, rồi mượn vật tư...
Ông Mai cho hay chống dịch COVID-19 là vấn đề chưa từng có tiền lệ, do đó các cơ quan chức năng nhận thức được vấn đề cần có quy định để xử lý người có liên quan, trong khi đó chưa nắm kịp các quy định cho phù hợp.
"Chính vì vậy chúng tôi kiến nghị xem xét trong vấn đề xử lý vi phạm phải đánh giá được đúng bản chất, hoàn cảnh và những người thực thi nhiệm vụ. Trong đó, quan trọng nhất là xác định có mục đích cá nhân hay không.
Việc này để động viên được những người trực tiếp tham gia chống dịch. Đồng thời có giải pháp để sau này có dịch tiếp theo những người đó sẽ mạnh dạn, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình...", ông Mai giải thích.
Ông Mai cho biết báo cáo của Chính phủ tại phiên họp thường vụ có tổng kết, tuy nhiên cần phải sâu sắc hơn nữa, có nhiều thông tin, số liệu liên quan, đặc biệt các kiến nghị phải có giải trình rất chặt chẽ.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết và trình ra tại kỳ họp tiếp theo, có thể ở kỳ họp bất thường cuối năm. Khi đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến chính thức.
Đề xuất tăng lương cơ sở từ ngày 1-7-2023
Liên quan đến vấn đề tăng lương cơ sở, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho hay vừa qua Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cho ý kiến về việc điều chỉnh tăng lương cơ sở.
Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng, tăng khoảng 20,8%. Tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả khoảng 12,5%; hỗ trợ thêm với người nghỉ hưu trước năm 1995; tăng trợ cấp ưu đãi cho người có công và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.
Việc điều chỉnh này dự kiến thực hiện từ 1-7-2023. Riêng điều chỉnh tăng phụ cấp nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở dự kiến thực hiện từ 1-1-2023.
Ông Mai nhấn mạnh việc thực hiện tăng lương cơ sở là nỗ lực rất lớn của các cơ quan, được đề xuất và tính toán các điều kiện cần thiết để tăng. Sau khi tăng lương cơ sở, các cơ quan chức năng sẽ tính toán, đề xuất thời điểm thực hiện cải cách tiền lương. Tuy nhiên đây là vấn đề rất lớn, trong đó có thách thức liên quan nguồn lực để cải cách tiền lương.
Theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, kinh tế đã có sự phục hồi, tăng trưởng đã có dấu hiệu khả quan, vì vậy tính tăng lương cơ sở trước, sau đó sẽ có lộ trình để thực hiện cải cách tiền lương. Tuy nhiên việc này còn phụ thuộc vào ngân sách, nguồn lực quốc gia. Phải cân đối kỹ lưỡng giữa đầu tư cho phát triển và đầu tư cho con người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận