13/10/2016 14:53 GMT+7

​Kiến nghị bỏ hình sự hóa nhiều nội dung xuất bản

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Giới xuất bản, phát hành tại TPHCM cho biết những bất hợp lý trong nội dung Bộ Luật hình sự 2015 với các điều khoản hình sự hóa hoạt động xuất bản một cách không cần thiết.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (bìa trái) đang gặp gỡ giới xuất bản để nghe kiến nghị bỏ hình sự hóa hoạt động xuất bản. Ảnh: L.Điền

Giới xuất bản, phát hành tại TPHCM vừa có cuộc gặp gỡ với đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa vào sáng 13-10 để trình bày những bất hợp lý trong nội dung Bộ Luật hình sự 2015 với các điều khoản đã hình sự hóa hoạt động xuất bản một cách không cần thiết.

Đại diện Hội Xuất bản Việt Nam tham gia cuộc gặp, ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội, Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam - trình bày những kiến nghị từ phía Hội Xuất bản. Theo đó, Bộ Luật hình sự 2015 có hai điều 225 và 344 liên quan đến hoạt động xuất bản.

Điều 225 quy định hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan căn cứ vào số tiền gây thiệt hại. Hội Xuất bản cho rằng nếu chỉ căn cứ như vậy thì sẽ bỏ sót tội cố ý tuyên truyền sai lệch về nhiều vấn đề trọng yếu khác, chẳng hạn chủ quyền quốc gia.

Do vậy, Hội Xuất bản có văn bản kiến nghị bỏ Điều 225 trong Bộ Luật hình sự 2015, chuyển nội dung cần điều chỉnh của Điều này sang Điều 344.

Về Điều 344 tại Bộ Luật hình sự 2015, có nhiều nội dung bị hình sự hóa bất hợp lý, chẳng hạn người làm xuất bản có nguy cơ phải đi tù nếu “không tuân thủ quy định về biên tập” (Điểm a Khoản 1, Điều 344).

Nhiều ý kiến từ đại diện các nhà xuất bản, công ty sách đã nhấn mạnh đây là động tác hình sự hóa không cần thiết, bởi “quy định về biên tập” là công việc thuần túy kỹ thuật và thường do mỗi NXB tự quy định sao cho đạt hiệu quả công việc. Do vậy, các ý kiến thống nhất đề nghị bỏ nội dung này.

Một hành vi bất hợp lý nữa là “in trên 2000 bản đối với từng xuất bản phẩm mà không có xác nhận đăng ký xuất bản” (Điểm b Khoản 1).

Theo Bộ Luật hình sự 2015, vi phạm nội dung này có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Giới chuyên môn phân tích, quy định “in trên 2000 bản” là dành cho hành vi của các cơ sở in, nhưng trên thực tế các cơ sở in không có nghĩa vụ “xin xác nhận đăng ký xuất bản”.

Hội Xuất bản cũng nhận định: “Gán ghép tội này cho cơ sở in là không hợp lý”. Bởi chính các nhà xuất bản phải bảo đảm việc cấp phép xuất bản là đúng theo giấy xác nhận đăng ký xuất bản tự Cục Xuất bản, cho nên các ý kiến thống nhất kiến nghị bỏ nội dung này trong Bộ Luật hình sự 2015.

Đồng thời, Hội Xuất bản cũng kiến nghị đổi cách dùng từ “in” thành “tổ chức in hoặc in, sao” để không chỉ phạt cơ sở in mà còn phạt cả những người thuê người khác in lậu, sao lậu xuất bản phẩm.

Nghiêm trọng hơn, hành vi “thay đổi, làm sai lệch nội dung bản thảo đã được ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu không kinh doanh đã có dấu của cơ quan cấp giấy phép xuất bản để xuất bản có nội dung bị cấm theo quy định của Luật Xuất bản” quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 344, nếu vi phạm có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.

Các ý kiến cho rằng nội dung “thay đổi, sai lệch nội dung bản thảo” đã được điều chỉnh bởi Luật Xuất bản 2012, nên thống nhất không hình sự hóa nội dung này.

Còn một số nội dung nữa, như quy định không được xuất bản, in và phát hành các xuất bản phẩm bị cấm, bị thu hồi, tịch thu, đình chỉ phát hành, cấm nhập khẩu…(Điểm c Khoản 1), các ý kiến cho rằng nội dung này chỉ nên quy định đối với đơn vị xuất bản, còn các đơn vị in và phát hành vốn không có năng lực kiểm duyệt nội dung các xuất bản phẩm, nên quy định các đơn vị in và phát hành phải chịu trách nhiệm như quy định ở điểm này là “mang đến nỗi lo sợ không đáng có cho những người hành nghề”.

Theo Hội Xuất bản, để thực hiện nội dung này thì cơ quan chức năng cần phải công khai danh sách các sách cấm bằng cách định kỳ gửi danh sách tới 2.000 cơ sở in và trên 10.000 cơ sở phát hành trong cả nước để cập nhật.

Tuy nhiên, vì yếu tố “nhạy cảm” nên không phải sách cấm nào cũng được phổ biến rộng rãi, và trong thực tế lâu nay cũng chỉ phổ biến đến các nhà xuất bản.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết ông ghi nhận các kiến nghị này. Và đây cũng là một nội dung của cải cách hành chính mà Chính phủ đang rất quan tâm. Đến nay, ở các ngành kinh tế có đến hàng nghìn điều kiện được “đẻ” ra để cản trở kinh doanh, thường gọi là giấy phép con.

Hiện tại, theo ông Nghĩa, đang có dự án “Luật Sửa đổi các luật đầu tư kinh doanh”, sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới, mục đích là chỉnh sửa những điều kiện “giấy phép con” đang gây trở ngại cho kinh doanh trong các ngành, kể cả xuất bản.

“Đây cũng là cuộc đấu tranh vào tệ quan liêu nhũng nhiễu làm tiêu tốn nhiều nguồn lực kinh tế của quốc gia, các nước gọi đây là “chi phí trung gian”, nó làm suy yếu doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc cạnh tranh với các nước”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ông cũng kêu gọi những kiến nghị nên đóng góp cụ thể bằng văn bản, để ông trình bày và thông tin trong cuộc họp tổ ở Quốc hội.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp