Theo đó, sau khi Tuổi Trẻ Online thông tin, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với chính quyền huyện An Minh vào cuộc xác minh tình hình thiệt hại cua nuôi chết.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Chọn - ngụ ấp Mương Đào C, xã Vân Khánh - có nuôi cua giống 19.000 con và 40.000 con tôm sú giống. Thời điểm này, cua đạt trọng lượng 2 - 5 con/kg.
Giữa tháng 7, bà Chọn đã mua 400kg ốc đinh của ông Nam (cùng địa phương) để bổ sung làm thức ăn cho cua thì phát hiện bất thường như: cua bơi lờ đờ trên mặt nước và bắt đầu chết. Sau đó cua chết đồng loạt khoảng 700 con.
Còn bà Nguyễn Thị Thúy - ngụ ấp Mương Đào A, xã Vân Khánh - có nuôi 1.500 con cua (trọng lượng 3 - 6 con/kg). Bà Thúy cũng mua 150kg ốc đinh của ông Nam cho cua ăn, sau đó cua chết khoảng 400 con.
Còn ông Nam - thương lái bán ốc đinh - cho hay ông mua ốc đinh lại của các chủ chuyên vận chuyển ốc đinh ở Sóc Trăng về phân phối lại cho người nuôi trong xã. Việc này đã diễn ra nhiều năm nay và chưa từng xảy ra tình trạng cua chết sau khi cho ăn ốc đinh.
Qua khảo sát thực tế, làm việc với các bên liên quan, chưa có cơ sở để đánh giá, kết luận nguyên nhân cua chết có phải do ốc đinh hay không.
Vì hộ nuôi không khai báo tại thời điểm thiệt hại, không có thông tin về chỉ số môi trường ao nuôi và không có kết quả phân tích, xét nghiệm mẫu cua, mẫu môi trường...
"Qua nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu hướng dẫn của Cục Thú y đều chưa có thông tin hay kết luận nào về việc ốc đinh có thể là nguyên nhân gây chết cua nuôi sau khi ăn.
Chi cục sẽ tiếp tục cập nhật, tham khảo, tham vấn chuyên môn từ các chuyên gia, viện, trường, kết hợp thông tin, số liệu từ thực tiễn thời gian qua để nhận định, đề xuất giải pháp", văn bản nêu.
Ông Nguyễn Thanh Điền - phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh - cho biết từ trước đến nay, huyện An Minh chưa xảy ra việc cua ăn ốc đinh chết hàng loạt.
"Trước mắt, chúng tôi khuyến cáo bà con không hoặc hạn chế đưa ốc đinh cho cua ăn. Nếu có mua ốc đinh phải tìm nơi có uy tín hoặc biết rõ nguồn gốc của ốc.
Bà con không nên nuôi cua, tôm với mật độ dày dễ xảy ra dịch bệnh. Còn về lâu dài, kiến nghị ngành chức năng tỉnh tiếp tục lấy mẫu phân tích tìm hiểu nguyên nhân làm cua chết hàng loạt", ông Điền nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận