Liên quan đến số phận của núi Bà Tài ở huyện Kiên Lương (Kiên Giang, Tuổi Trẻ ngày 25-1 đã phản ánh), trả lời câu hỏi: “Vì sao văn bản ngày 29-10-2012 của Bộ Xây dựng xác nhận núi Bà Tài không nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác nhưng lại chuyển văn bản của Công ty Hương Hải xin khai thác núi này để tỉnh Kiên Giang xem xét cấp phép hoạt động khoáng sản mỏ đá vôi núi Bà Tài?”, ông Lê Văn Tới - vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng, người ký văn bản trên) - cho biết văn bản nói trên không thể hiện việc Bộ Xây dựng đồng ý cấp phép khai thác núi Bà Tài.
Theo ông Tới, trên cơ sở có văn bản xin khai thác núi Bà Tài của Công ty Hương Hải, Bộ Xây dựng mới có văn bản trả lời. Văn bản mà Bộ Xây dựng gửi UBND tỉnh Kiên Giang nêu hai vấn đề. Thứ nhất, bộ nói với tỉnh là núi Bà Tài chưa nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm ximăng ở VN đến năm 2020 và cũng chưa được quy hoạch thăm dò, khai thác để làm vật liệu xây dựng chung cho cả nước. Vì vậy, tỉnh Kiên Giang muốn quản lý phải cho vào quy hoạch để quản lý. Thứ hai, việc có cấp phép cho doanh nghiệp khai thác núi này hay không phải xem xét theo luật định. Cụ thể là việc cấp phép dựa trên cơ sở quy hoạch đó có đúng mục tiêu, mục đích hay không và theo quy định của Luật khoáng sản. “Nếu tỉnh thấy cần đưa núi Bà Tài vào quy hoạch của trung ương thì làm thủ tục đưa vào quy hoạch của trung ương theo Luật khoáng sản. Còn nếu tỉnh thấy xét đúng luật và phù hợp với việc phát triển kinh tế của tỉnh và phù hợp sự phát triển của doanh nghiệp thì xem xét cấp phép cho doanh nghiệp khai thác theo đúng luật định. Theo quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng, tỉnh muốn sử dụng núi nào làm vật liệu xây dựng thông thường của tỉnh thì đưa vào quy hoạch của tỉnh cũng được. Sau khi đưa vào quy hoạch, sẽ cấp phép khai thác nhưng trên cơ sở luật định và dự án khai thác có mục tiêu, mục đích rõ ràng” - ông Tới cho biết.
Ông Tới cho rằng văn bản do ông ký nói trên không thể hiện quan điểm đồng ý cho khai thác núi Bà Tài, nhưng ngày 11-1 vừa qua Bộ Xây dựng tiếp tục có văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam ký, đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang xem xét bổ sung mỏ đá vôi núi Bà Tài vào quy hoạch khoáng sản và “xem xét cấp phép hoạt động khoáng sản mỏ đá vôi núi Bà Tài cho Công ty Hương Hải để làm nguyên liệu sản xuất vôi công nghiệp và các sản phẩm từ vôi”.
Theo văn bản do ông Tới và ông Nam ký nói trên thì Bộ Xây dựng cho rằng thẩm quyền cấp phép khai thác núi Bà Tài thuộc UBND tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, ngày 18-1 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Linh Ngọc có văn bản gửi UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng việc cấp phép thăm dò, khai thác ba mỏ đá vôi ở núi Nhỏ, núi Lò Vôi Lớn và núi Túc Khối (giáp với núi Bà Tài ở huyện Kiên Lương, Kiên Giang, xem Tuổi Trẻ 25-1) thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên - môi trường. Trong khi đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã cấp phép cho Công ty Hương Hải khai thác ba mỏ đá vôi ở ba núi trên với mục đích sử dụng làm vật liệu thông thường. Trả lời câu hỏi: “Vì sao Bộ Xây dựng cho rằng thẩm quyền cấp phép khai thác đá tại núi Bà Tài thuộc UBND tỉnh Kiên Giang, còn Bộ TN-MT cho rằng thuộc thẩm quyền của bộ”, tối 25-1 ông Nguyễn Văn Thuấn, cục trưởng Cục Địa chất và khoáng sản (Bộ TN-MT), khẳng định theo Luật khoáng sản sửa đổi (có hiệu lực từ tháng 7-2011) thì thẩm quyền cấp phép khai thác đá ở núi Bà Tài thuộc Bộ TN-MT.
Ngày 25-1, ông Huỳnh Vĩnh Lạc - phó chánh văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết sắp tới Thường trực UBND tỉnh sẽ họp lấy ý kiến tập thể về đề xuất của Công ty Hương Hải xin khai thác núi Bà Tài. “Đây là vấn đề quan trọng, các sở ngành của tỉnh còn có ý kiến khác nhau nên Thường trực UBND tỉnh sẽ họp và báo cáo, xin ý kiến Ban thường vụ Tỉnh ủy” - ông Lạc nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận