UBND tỉnh Kiên Giang cho biết 9 tháng đầu năm 2024, địa phương có 1.095 doanh nghiệp được thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 8.603 tỉ đồng. Qua đó đến nay toàn tỉnh có hơn 12.400 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký khoảng 213.628 tỉ đồng. Trong đó có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước đến đầu tư thương mại, dịch vụ du lịch ở Phú Quốc, Hà Tiên và Kiên Hải.
Biển đảo là điểm sáng đầu tư du lịch
Sở Du lịch Kiên Giang cho biết đến nay địa phương thu hút hơn 317 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng quy mô hơn 9.990ha và tổng vốn đầu tư là 408.178 tỉ đồng. Trong đó Phú Quốc có 274 dự án đầu tư du lịch (khoảng 388.410 tỉ đồng và có 50 dự án đang đi vào hoạt động với nhiều tập đoàn, nhà đầu lớn như VinGroup, SunGroup, CEO Group…).
Bà Vũ Thị Diễm Thúy - chủ doanh nghiệp Resort Fly Up ở Hòn Sơn (huyện Kiên Hải) - cho biết địa phương thời gian qua có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch biển đảo, đặc biệt ở Hòn Sơn, Nam Du (huyện Kiên Hải); quần Bà Lụa, Hòn Nghệ (Kiên Lương) và đảo Hải Tặc (TP Hà Tiên).
"Nam Du, Hòn Sơn là những hòn đảo còn giữ được nét hoang sơ và có nhiều dư địa để doanh nghiệp đến đầu tư phát triển du lịch. Ở đây có biển xanh, cát trắng, có núi và có nhiều dịch vụ dịch phục vụ du khách", bà Thúy nói.
Bà Quảng Xuân Lụa - giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Kiên Giang - cho hay địa phương hiện tập trung đầu tư hạ tầng du lịch, phối hợp các đơn vị liên quan, hãng hàng không xúc tiến mở đường bay mới, có đường bay quốc tế; tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đơn vị tiếp tục xúc tiến, quảng bá, mở rộng liên kết, hợp tác và đặc biệt đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, góp phần thu hút đầu tư.
Cần kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Bà Phạm Thị Như Phượng - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Kiên Giang, tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (CIC Group) - cho biết tỉnh có đầy đủ tiềm năng và lợi thế để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư.
Tuy nhiên, đến nay địa phương cũng còn nhiều doanh nghiệp hoạt động "trên giấy" với nhiều nguyên nhân.
Kiên Giang thời gian qua cũng có nhiều cơ chế chính sách, hỗ trợ cho doanh nghiệp đến đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
"Để hiệu quả hơn và phát huy sức mạnh doanh nghiệp, phát triển bền vững, địa phương cần đào tạo nguồn lao động tại chỗ và làm cầu nối để sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.
Hiệp hội Doanh nghiệp Kiên Giang tới đây sẽ cố gắng kết nối cộng đồng doanh nghiệp, cùng giúp đỡ nhau để phát triển sức mạnh tập thể, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương" bà Phượng nhấn mạnh.
Sở Kế hoạch và đầu tư Kiên Giang cho biết Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm và tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Qua đó, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới đứng thứ 3 vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Để hạn chế doanh nghiệp giải thể, thu hút đầu tư, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm; hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thông tin và thúc đẩy thực hiện quy trình thủ tục đầu tư các dự án trong tỉnh.
Ngoài ra, địa phương tích cực mời gọi thu hút nhà đầu tư có quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động và quy trình sản xuất sản phẩm hiện đại vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân.
Kiên Giang có 56 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
Sở Kế hoạch và đâu tư Kiên Giang cho biết đến nay Kiên Giang có 56 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các nhà đầu tư đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ vào các lĩnh vực như dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, vận chuyển dầu khí, thương mại dịch vụ… với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,8 tỉ USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận