19/10/2018 19:13 GMT+7

Kiện công ty ra tòa, công nhân bị điều chuyển sang tỉnh khác làm việc

A LỘC
A LỘC

TTO - Cho rằng công ty trả tiền ngừng việc và đóng bảo hiểm xã hội chưa hợp lý, công nhân khởi kiện công ty ra tòa. Trong lúc chờ tòa thụ lý, giải quyết vụ án thì công ty điều chuyển công nhân đi tỉnh khác làm việc.

Kiện công ty ra tòa, công nhân bị điều chuyển sang tỉnh khác làm việc - Ảnh 1.

Hàng chục công nhân Công ty cổ phần Hòa Việt kéo lên Trung tâm tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động Đồng Nai để “kêu cứu” - Ảnh: BÌNH AN

Ngày 19-10, 22 công nhân Công ty cổ phần Hòa Việt (KP.8, P.Long Bình, TP Biên Hòa) đã kéo lên Trung tâm tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai "kêu cứu" về việc công ty điều chuyển những người có đơn khởi kiện công ty ra tòa đến Tây Ninh và Gia Lai làm việc.

Theo đơn tường trình, số công nhân trên nằm trong tổng số 62 người đã và đang làm việc tại Công ty cổ phần Hòa Việt (viết tắt Công ty Hòa Việt) có đơn khởi kiện công ty ra TAND TP Biên Hòa. Theo đó, công nhân khởi kiện để yêu cầu công ty giải quyết trả phần tiền lương ngừng việc còn thiếu và truy đóng BHXH còn thiếu cho công nhân. Vụ việc đã được tòa thụ lý và sẽ xử vụ đầu tiên vào chiều 22-10.

Tuy nhiên, trong thời gian TAND TP Biên Hòa giải quyết thì công ty điều chuyển 12 công nhân lên chi nhánh ở Gia Lai, 5 công nhân lên chi nhánh ở Tây Ninh làm việc. Một số công nhân đã phải làm đơn xin nghỉ việc vì không thể đi làm theo điều chuyển của công ty.

Bà Đào Thị Thanh Tuyền (45 tuổi, ngụ TP Biên Hòa) cho biết đã làm việc tại Công ty Hòa Việt 27 năm. Tuy nhiên, đến nay bà mới được công ty đóng BHXH 18 năm 4 tháng. Cùng với 11 công nhân khác, bà được công ty điều chuyển đến Gia Lai làm việc. Do không thể đi làm, bà Tuyền đã làm đơn xin nghỉ việc.

"Công ty chỉ thông báo lên Gia Lai làm việc, đến địa chỉ cũng không rõ ràng. Khi hỏi thì giám đốc mới nói địa chỉ chi nhánh trên đó. Phương tiện đi lại thì tự túc, công ty chỉ thanh toán phí một chuyến đi một chuyến về. Làm như vậy chẳng khác nào ép công nhân nghỉ việc. Nghỉ việc rồi giờ không xin được việc để đóng cho đủ 20 năm BHXH theo quy định, không được hưởng lương hưu" - bà Tuyền lo lắng chia sẻ.

Nói về việc khởi kiện công ty ra tòa, bà Tuyền cho biết công ty tính lương ngừng việc (tạm nghỉ chờ việc) theo lương căn bản là không đúng quy định, mà phải tính theo hợp đồng lao động. Trung bình, mỗi công nhân mất 9-10 triệu đồng tiền chênh lệch theo cách tính của công ty. Ngoài ra, bà Tuyền cho rằng đã làm 27 năm nhưng công ty mới đóng BHXH được 18 năm 4 tháng, còn thiếu 8 năm 9 tháng. Cũng theo bà Tuyền, không chỉ bà mà hàng chục người khác cũng trong hoàn cảnh như vậy. Để đòi quyền lợi chính đáng của mình, bà Tuyền đã làm đơn khởi kiện công ty ra tòa.

Kiện công ty ra tòa, công nhân bị điều chuyển sang tỉnh khác làm việc - Ảnh 2.

Công nhân ký tên vào bảng tường trình gửi các cơ quan chức năng - Ảnh: BÌNH AN

Tương tự, bà Đinh Thị Loan (45 tuổi, ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) cho biết vào công ty làm việc từ năm 1991, đến nay đã 27 năm. Sau khi làm đơn khởi kiện công ty ra tòa, công ty có thông báo bà chuyển công tác đến chi nhánh ở Tây Ninh làm việc từ ngày 12-4. Không thể đáp ứng yêu cầu của công ty nên bà Loan buộc phải làm đơn xin thôi việc. "Nhà tôi sinh sống ổn định ở Đồng Nai từ lâu, nay đột ngột bị điều chuyển đến Tây Ninh làm việc, môi trường làm việc khác, đi lại xa xôi trong khi sức khỏe không cho phép" - bà Loan bức xúc nói.

Luật sư Lê Tấn Tý - Trung tâm tư vấn pháp luật - cho biết người lao động khởi kiện công ty ra tòa vì hai vấn đề. Thứ nhất là công ty trả tiền lương ngừng việc chưa đúng quy định. Lẽ ra công ty phải trả theo hợp đồng lao động với mức cao hơn, nhưng công ty chỉ trả bằng mức lương tối thiểu vùng, rất thấp. Công nhân đã gửi đơn khiếu nại lên thanh tra Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai. Thanh tra sở có kết luận việc công ty trả lương ngừng việc như vậy là chưa đúng quy định và đề nghị công ty trả lương theo hợp đồng lao động, nhưng công ty vẫn không thực hiện. Sau đó, vụ việc được gửi lên thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, thanh tra bộ cũng có kết luận tương tự.

Vấn đề thứ hai người lao động bức xúc là về nợ BHXH. Tổng cộng có 62 công nhân đi kiện, có 62 vụ án có tính chất tương tự nhau. Trong đó có khoảng 22 lao động có thời gian làm việc trước năm 1995. Theo quy định của pháp luật vào thời điểm đó, công ty phải làm thủ tục cho cơ quan bảo hiểm để cơ quan bảo hiểm mặc nhiên rằng thời gian đó là thời gian có tham gia BHXH, công ty không phải đóng gì cả.

Thế nhưng công ty không làm thủ tục mặc dù cơ quan chức năng đã hướng dẫn, kể cả công ty làm danh sách gởi cơ quan chức năng đã liệt kê, thống kê những người lao động trước và sau năm 1995, đề xuất mức lương khởi điểm lúc đó, thời gian phải truy đóng BHXH và các khoản phí phải đóng cho người lao động rất cụ thể… các cơ quan chức năng cũng hướng dẫn, yêu cầu công ty cung cấp đầy đủ thủ tục, giấy tờ, nhưng sau đó công ty không thực hiện được. Đến thời điểm này, quyền lợi về BHXH của người lao động vẫn còn treo lơ lửng.

Đặc biệt, "trong quyết định nghỉ việc vẫn ghi làm việc từ trước 1995 nhưng nhìn sổ bảo hiểm công ty mới đóng 7 năm, 10 năm. Cho nên người lao động không đủ điều kiện nghỉ hưu, rất thiệt thòi cho họ" - luật sư Tý cho biết.

A LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp