Khi đó tôi đã nhiệt tình hợp tác với các anh cảnh sát cho xe di chuyển từng bánh lên cân, sau khi cân xong tôi lái xe vào khu vực đậu an toàn rồi mới xuống xe.
Khi đến chỗ các anh thì được báo rằng tôi đã chở quá tải 18%, tôi hết sức bất ngờ và hỏi các anh đã cân cơ thể em đâu mà kết luận sớm vậy?
Các anh cảnh sát giải thích đã cân xe là cân luôn người và cho biết thêm nếu đi hai người là cân luôn cả hai, khi đó có thể còn quá tải ở khung cao hơn nữa.
Cân xe xong các anh lập biên bản với lỗi vi phạm theo điểm a, khoản 2, điều 24 nghị định 100/2019/ NĐ-CP.
Khi đó tôi chỉ đồng ý ký tên với điều kiện là cho phép tôi ghi dòng chữ "cân luôn tài xế" và các anh cũng đồng ý.
Hôm sau, tôi lên đội cảnh sát giao thông huyện đó làm việc, lúc này tôi đã chuẩn bị kỹ để giải thích với các anh nhưng mọi nỗ lực của tôi chỉ vô nghĩa, các anh cho rằng đã làm đúng quy trình, còn muốn hỏi thì qua cơ quan khác mà hỏi với trình bày.
Qua vụ việc trên tôi mong quý tòa soạn cùng các luật sư giải thích xe tôi đi là loại xe tải có tải trọng cho phép 990kg và chở được hai người. Khi kiểm tra tải trọng xe có trừ đi tài xế và người đi cùng trên xe không?
Bạn đọc Dương Quốc Toàn gửi câu hỏi tới Tuổi Trẻ Online.
- Luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt - Đoàn luật sư Đà Nẵng - trả lời:
Khoản 1, điều 3 thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định: Tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe gồm trọng lượng bản thân xe cộng với trọng lượng của người, hành lý và hàng hóa xếp trên xe (nếu có).
Khoản 9, điều 2 thông tư số 31/2019/TT-BGTVT cũng có quy định "Trọng tải là khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở, được xác định theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ".
Về việc xe có vi phạm pháp luật về tải trọng hay không thì cần xem xét quy định về xe quá tải trọng tại điều 9 thông tư 46/2015/TT-BGTVT: "Xe quá tải trọng là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có tổng trọng lượng của xe hoặc có tải trọng trục xe vượt quá tải trọng khai thác của đường bộ".
Mặt khác, điều 3 nghị định 10/2020/NĐ-CP cũng có quy định liên quan đến trọng tải của xe như sau:
Trọng tải thiết kế của ô tô là số người và khối lượng hàng hóa tối đa mà ô tô đó được chở theo quy định của nhà sản xuất.
Trọng tải được phép chở của ô tô là số người và khối lượng hàng hóa tối đa mà ô tô đó được phép chở, nhưng không vượt quá trọng tải thiết kế của xe khi hoạt động trên đường bộ theo quy định.
Từ những quy định trên có thể hiểu khi kiểm tra tải trọng không được trừ đi khối lượng của tài xế và người đi cùng trên xe. Như vậy khi cân xe thì cân cả người ngồi trên xe là đúng quy định pháp luật.
Trong trường hợp không đồng ý với quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên, bạn có thể sử dụng các quyền của mình theo quy định tại khoản 1, điều 15 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012: "Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật".
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận