Nhiều kiểu vi phạm
Báo cáo mới nhất của đoàn kiểm tra liên ngành về kiểm tra việc quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng thuộc sở hữu nhà nước hiện cho các tổ chức thuê sử dụng để làm trụ sở, văn phòng, cơ sở sản xuất trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội cho thấy thực trạng đang rất phức tạp.
Các vi phạm diễn ra dưới nhiều hình thức, như: Tự chuyển đổi mục đích sử dụng, cho người vào ở và chuyển nhượng cho cá nhân khác vào ở; tự chuyển nhượng quyền thuê nhà cho cơ quan khác; tự liên doanh, liên kết hoặc cho thuê lại; chưa ký hợp đồng theo quy định, chưa nộp tiền thuê nhà... Đáng chú ý là các sai phạm thường diễn ra trong thời gian dài, nhiều vụ việc liên quan đến 2-3 tổ chức, cá nhân.
Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra tại 160 điểm thuê nhà. Qua đó, phát hiện 129 điểm vi phạm, 7 điểm chưa kiểm tra được vì chủ sử dụng không có nhà và 24 điểm không vi phạm. Trong đó, khối hợp tác xã, tổ hợp tác là 55 điểm có 95% vi phạm; khối doanh nghiệp 100 điểm có 45% vi phạm; khối hành chính sự nghiệp 5 điểm có 15% vi phạm.
Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng "xấu" trong sử dụng nhà chuyên dùng hiện nay là do các văn bản, chính sách quản lý chậm đổi mới, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với cơ chế hiện nay. Thậm chí, ngay cả chế tài xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, đơn vị thuê nhà có vi phạm, còn chưa có quy định cụ thể.
Mặt khác, ý thức chấp hành các quy định của Nhà nước, thành phố về quản lý, sử dụng nhà chuyên dùng của nhiều đơn vị còn quá thấp, vẫn còn nhiều đơn vị cố ý vi phạm. Công tác quản lý nhà nói chung và nhà chuyên dùng nói riêng đã bị buông lỏng trong thời gian dài, chưa thường xuyên kiểm tra và cập nhật biến động, thiếu cơ chế phối hợp giữa ngành và các cấp chính quyền.
Bên cạnh đó lại chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về cấp phép thành lập, chuyển đổi mô hình tổ chức của các đơn vị kinh tế đang thuê nhà, nên việc xử lý chuyển đổi quỹ nhà chuyên dùng không có cơ cở pháp lý để thực hiện...
Phương án xử lý
Từ kết quả kiểm tra nói trên, liên ngành đã kiến nghị UBND TP một số phương án xử lý những trường hợp vi phạm. Cụ thể, đối với những trường hợp sử dụng làm nhà ở trước ngày 13-5-1992, nếu vị trí nhà vi phạm có lợi thế kinh doanh thì chấp thuận cho cá nhân, tổ chức đang sử dụng mua lại theo giá xác định bằng 100% giá trị sử dụng đất và tiền bán nhà xác định theo tỉ lệ chất lượng còn lại nhân với đơn giá nhà xây mới theo quy định hiện hành.
Trường hợp không có khả năng mua thì phải ký hợp đồng thuê nhà theo giá nhà chuyên dùng. Trường hợp sử dụng làm nhà ở từ 14-5-1992 đến trước ngày 24-4-2003, nếu vị trí nhà có lợi thế kinh doanh, chấp thuận cho cá nhân, tổ chức mua theo giá thị trường. Trường hợp vi phạm sau ngày 24-3-2003 thì kiên quyết xử lý theo hướng yêu cầu bên thuê nhà chấm dứt vi phạm sau 1 tháng, kể từ ngày có thông báo của cơ quan quản lý.
Đối với các vi phạm dưới dạng: chuyển nhượng, cho thuê lại, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh, đề xuất như sau: Trường hợp đơn vị thuê nhà đã tự chuyển nhượng trước ngày 14-5-1992 thì cho phép đơn vị đang sử dụng nhà ký hợp đồng thuê nhà, thuê đất theo quy định... Các trường hợp chuyển nhượng từ sau ngày 4-7-2001 thì xử lý bán theo giá thị trường, nhưng ưu tiên đơn vị đang sử dụng.
Nếu đơn vị thuê nhà chuyên dùng đã cho tổ chức khác thuê lại để hưởng chênh lệch, liên doanh, liên kết với các tổ chức, yêu cầu phải báo cáo cơ quan quản lý để đề xuất phương án xử lý đối với từng trường hợp cụ thể. Đối với những trường hợp thuê nhà không ký hợp đồng, không nộp tiền thuê nhà, sẽ lập danh sách chuyển cơ quan chức năng thu tiền thuê đất và tiền thuê nhà theo đúng quy định
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận