Trái táo có màu đỏ đậm (trái) khác xa so với táo Trung Quốc (lợt màu hơn) - Ảnh: Hữu Khoa |
Trao đổi với chúng tôi, Bộ NN&PTNT cho rằng trái cây nhập khẩu vào VN cần có xác nhận kiểm tra chất lượng của Cục Bảo vệ thực vật mới được thông quan.
Nhưng khi lưu thông trên thị trường, có gian lận thương mại hay gian lận về nguồn gốc xuất xứ thì Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương có trách nhiệm kiểm soát chính.
Ông Nguyễn Xuân Hồng - cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - cũng khẳng định thời gian qua các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra liên ngành, nhưng không trả lời câu hỏi đã từng phát hiện trái cây nhập khẩu có gian lận về nguồn gốc xuất xứ hay chưa.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng việc để trái cây Trung Quốc kém chất lượng xuất hiện tràn lan, không kiểm tra, kiểm soát thuộc trách nhiệm cơ quan quản lý thị trường của Bộ Công thương và Cục An toàn vệ sinh thực phẩm.
Hàng Trung Quốc tràn vào không chỉ qua đường chính ngạch mà qua đường tiểu ngạch cũng rất nhiều. Thế nhưng, việc kiểm tra chỉ là hình thức, nó cho thấy quản lý không hiệu quả.
Thậm chí, hàng hóa kiểm tra chưa có kết quả đã đến tay người tiêu dùng rồi.
Cũng theo ông Long, chuyện tem, nhãn hàng Mỹ được dán lên sản phẩm trái cây Trung Quốc thuộc trách nhiệm của quản lý thị trường, theo quy định hiện nay hàng hóa ít nhất phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng mới được lưu thông mà để việc tem, nhãn tràn lan, gian dối là không thể chấp nhận được.
“Theo tôi, phải có biện pháp mạnh. Làm rõ trách nhiệm, xử phạt nghiêm, có chế tài cứng rắn mới hi vọng cải thiện được tình hình” - ông Long nói.
Phân biệt trái cây Trung Quốc và Mỹ Chị Âu Thị Ngọc Hạnh, tiểu thương kinh doanh trái cây ngoại tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), cho biết trái bom (táo) Trung Quốc rất dễ nhận biết so với táo Mỹ, New Zealand. Thường táo Trung Quốc có màu lợt, màu hồng, quả tròn và màu sắc không đồng đều. Táo Mỹ có nhiều màu sắc khác nhau nhưng đặc trưng là quả đậm màu, đỏ đậm, hoặc màu xanh đậm, trái vừa, đồng đều, không có đốm trên vỏ. Đối với trái nho, người tiêu dùng có thể nhận biết dễ nhất thông qua việc cầm thử. “Nho Mỹ trái săn chắc và đồng đều, không bị nhũn, không hay rụng”. Tiểu thương Thu (chợ Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình) cũng cho biết trái cam Trung Quốc thường có màu đỏ hồng, trong khi cam Nam Phi, cam Mỹ trái to và có màu vàng óng, khá tươi. Điều đặc biệt là hầu hết các loại trái cây Trung Quốc từ cam, lê, nho, táo... đều có bao xốp chống giập bên ngoài. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể căn cứ vào tem, nhãn để phân biệt. “Hàng Mỹ, New Zealand, Nam Phi... tem thường cụ thể, rõ ràng. Trong khi hàng Trung Quốc thường mập mờ, không cụ thể xuất xứ” - chủ sạp Thu nói. Cũng theo các tiểu thương, giá trái cây Trung Quốc thường rẻ hơn 2-3 lần so với sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác. Ví dụ, táo Mỹ bán 80.000-150.000 đồng/kg, hàng Trung Quốc chỉ 50.000 đồng/kg, nho Mỹ từ 135.000-200.000 đồng/kg, trong khi hàng Trung Quốc chỉ từ 50.000-70.000 đồng/kg, lê, cam giá cũng cách nhau 50.000-80.000 đồng/kg. “Hàng Trung Quốc ít được ưa chuộng hơn nhưng vẫn bán được cho các nhà hàng, quán karaoke, điểm ăn tập thể” - chị Ngọc Hạnh cho biết. DŨNG TUẤN |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận