Đại biểu Thân Đức Nam đề nghị phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan kiểm toán trong trường hợp các báo cáo kiểm toán không trung thực, báo cáo sai - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Đó là câu hỏi được đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đặt ra sáng nay khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi).
Trước ông Thuyền, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cũng nhận định rằng dự thảo luật này “quy định nặng về quyền của Kiểm toán nhà nước (KTNN) mà lại nhẹ về trách nhiệm và nghĩa vụ”.
Ông Vẻ băn khoăn việc quy định các báo cáo kiểm toán có giá trị bắt buộc phải thực hiện.
“Báo cáo kiểm toán có phải là văn bản quy phạm pháp luật không? Không. Vậy tại sao lại bắt buộc phải thi hành một văn bản của một cơ quan chuyên môn? Nếu vì chuyên môn, nghiệp vụ kém hoặc thiếu công tâm mà đưa ra kết luận bất lợi cho đối tượng bị kiểm toán thì sao?” - đại biểu Vẽ đặt câu hỏi và đề nghị quy định trong trường hợp bị khiếu nại thì báo cáo kiểm toán phải được một cơ quan có thẩm quyền phán quyết thì mới có hiệu lực bắt buộc phải thực hiện.
Đồng tình với ông Vẻ, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng cần làm rõ trong trường hợp báo cáo kiểm toán không đúng đắn, không trung thực hoặc chỉ trung thực một phần thì như thế nào?
“Luật không nên quy định để người ta hiểu rằng kiểm toán không có trách nhiệm gì đối với các kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán. Đề nghị quy định cụ thể theo hướng ràng buộc trách nhiệm của kiểm toán đối với các kết luận kiểm toán” - ông Nam nói.
Trách nhiệm kiểm toán phải rõ ràng
Năm 2015 Kiểm toán Nhà nước sẽ “soi” báo cáo tài chính của 10 đơn vị là ngân hàng và công ty tài chính, chứng khoán, bảo hiểm của các ngân hàng. Năm 2013, Agribank không đảm bảo tỉ lệ an toàn trong hoạt động. Ngân hàng này thường xuyên vi phạm tỉ lệ an toàn vốn hợp nhất, tỉ lệ khả năng chi trả ngay |
“Tôi đề nghị trách nhiệm của kiểm toán thì phải rõ ràng. Ví dụ ở Lâm Đồng chúng tôi có công ty xổ số, năm nào cũng thấy kiểm toán, đến khi công an vào kết luận là làm sai. Tôi nghĩ nếu mà tham nhũng thì phát hiện khó, nhưng làm sai, cố ý làm trái thì chắc chắn kiểm toán phải biết rõ điều này. Vậy khi người ta bị khởi tố bắt giam thì kiểm toán có là đồng phạm không?” - đại biểu Nguyễn Bá Thuyền lên tiếng.
Theo ông Thuyền, “kiểm toán có quyền lực thì rất mạnh, đi đâu người ta cũng rất sợ. Chúng ta nên nghiên cứu để quy định rõ trách nhiệm, vì quyền hạn nhiệm vụ lớn như vậy thì phải gắn với trách nhiệm, nếu người ta làm sai mà anh kiểm toán khẳng định đúng và mấy hôm nữa người ta đi tù thì kiểm toán phải là đồng phạm”.
Không nghĩ như ông Vẻ, ông Nam, ông Thuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách Bùi Đức Thụ lập luận rằng “KTNN không phải là cơ quan quản lý nhà nước nhưng là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nếu không quy định giá trị kiểm toán nhà nước thì báo cáo kiểm toán lại phải chờ các cơ quan nhà nước cho ý kiến mới có giá trị thi hành. Điều này cũng làm chậm việc thực thi những khuyết điểm, sai phạm và như vậy lại khó đảm bảo cho việc kỷ luật tài chính nghiêm minh, kịp thời. Tôi đề nghị quy định giá trị kiểm toán như dự thảo là phù hợp”.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) cho rằng báo cáo kiểm toán phải có giá trị bắt buộc thi hành, trong trường hợp báo cáo kiểm toán sai, không trung thực thì cơ quan kiểm toán phải chịu trách nhiệm tương tự như các cơ quan bảo vệ pháp luật gây ra oan, sai cho người vô tội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận