24/01/2024 10:51 GMT+7

Kiếm thủ Vũ Thành An đưa môn thể thao quý tộc đến cộng đồng

Kiếm thủ số 1 Việt Nam Vũ Thành An bắt đầu thực hiện ước muốn phổ cập đấu kiếm - môn thể thao quý tộc - đến cộng đồng.

Vũ Thành An (trái) hướng dẫn học viên tại CLB Việt Nam Royal Fencing - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Vũ Thành An (trái) hướng dẫn học viên tại CLB Việt Nam Royal Fencing - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Nhiều năm qua, Vũ Thành An là kiếm thủ số 1 Việt Nam lẫn Đông Nam Á với thành tích đoạt 8 HCV ở năm kỳ SEA Games liên tiếp (từ 2015 - 2023), HCĐ châu Á, top 15 Olympic 2016.

Ở tuổi 32, dù được đánh giá vẫn còn ở đỉnh cao sự nghiệp, nhưng với ước muốn phổ cập đấu kiếm đến quần chúng, kiếm thủ lừng danh này chấp nhận thách thức khi mở CLB đấu kiếm phong trào đầu tiên tại Việt Nam.

Từ phòng tập cá nhân đến CLB phong trào

Chia sẻ về ý tưởng mở CLB của mình, Vũ Thành An nói: "Đây là hướng đi mà tôi đã ấp ủ từ rất lâu. Suy nghĩ ban đầu của tôi là CLB sẽ là nơi tập, giao lưu với bạn bè trong và ngoài nước. Nó cũng là nơi để tôi trang bị những trang thiết bị mà mình cần, một không gian riêng rèn luyện chuyên môn. Sau đó, qua những chuyến thi đấu nước ngoài, tôi thấy Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia, Philippines... phổ cập môn đấu kiếm vào trường tiểu học. Từ đây, họ có rất nhiều CLB đấu kiếm. Từ đó, tôi muốn lập một CLB để có thể quảng bá môn thể thao Olympic này đến mọi người và ở nhiều lứa tuổi khác nhau".

Kiếm thủ Vũ Thành An bắt đầu hành trình đưa đấu kiếm đến thể thao quần chúng - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Kiếm thủ Vũ Thành An bắt đầu hành trình đưa đấu kiếm đến thể thao quần chúng - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Sau thời gian tìm mặt bằng phù hợp với tiêu chuẩn môn đấu kiếm (thảm đấu dài thẳng ít nhất 14m, ngang 1,5 - 2m) ở Hà Nội, Vũ Thành An đã cho ra đời CLB đấu kiếm mang tên Việt Nam Royal Fencing ở phố Cầu Đất, quận Hoàn Kiếm. CLB chính thức đi vào hoạt động từ tháng 12-2023. Từ lúc mở cửa, CLB đã đón những thành viên đội tuyển đấu kiếm Malaysia sang tập huấn, giao lưu. 

Hiện CLB đã đón những học viên đầu tiên đến tập, trong đó có nhiều em nhỏ và người nước ngoài. "Vận hành CLB có nhiều khó khăn về kinh phí, trang thiết bị và cả thời gian vì tôi đang tập trung đội tuyển quốc gia. Mặt khác, do đây là lĩnh vực kinh doanh nên tôi phải mày mò mọi thứ. Nhưng vì muốn phát triển đấu kiếm đến cộng đồng nên tôi vẫn quyết làm", Vũ Thành An chia sẻ.

Trong tủ sách ở góc riêng tại phòng tập của Vũ Thành An, bên cạnh những cuốn sách về võ thuật, lịch sử cũng đã xuất hiện những đầu sách về quản lý và tài chính. Điều này giúp anh trình bày lưu loát cách thức marketing, quảng bá cho CLB. Ngoài ra, Vũ Thành An còn có sự giúp sức của bà xã - cựu xạ thủ đội Hà Nội Nguyễn Tú Anh. Bà xã Tú Anh cũng là trợ lý kiêm quản lý của chồng và CLB đấu kiếm. Hiện vợ chồng anh cùng hai bé trai cũng đã dọn về sống ở CLB để thuận lợi hơn cho công việc. 

Đấu kiếm tốt cho trí lực và thể chất

Đến với đấu kiếm năm 15 tuổi, anh chia sẻ: "Khi đó tôi cao 1,7m. Dù vậy, khi vào đội, tôi lại là người thấp còi nhất, kém hơn những người khác cả cái đầu. Sau thời gian tập luyện, tôi cao 1,83m lúc nào không hay". Từ đây, anh nghiệm ra được thêm những lợi ích từ môn đấu kiếm để giới thiệu cho người chơi. "Phát triển về thể chất, giúp con người khỏe lên, nhanh nhẹn hơn thì môn thể thao nào cũng như nhau. Riêng với đấu kiếm, đây là môn thể thao mang những nét kiếm đạo tĩnh nên sẽ giúp người chơi phát triển thêm về mặt trí lực, phong thái", anh An nói.

Theo anh An, đấu kiếm không khác gì đánh cờ vì luôn phải suy tính, ghi nhớ rồi dự đoán một cách logic những bước di chuyển của bản thân và đối thủ. Nếu giữ được phong thái điềm tĩnh, những lúc ra đòn sẽ càng có tính bất ngờ, giành thêm phần thắng. Trong sự nghiệp thi đấu, Vũ Thành An từng trải qua quãng thời gian khó khăn đến mức phải xin nghỉ thi đấu nửa năm sau khi không giành bất cứ thành tích nào trong giai đoạn 2007 - 2010. Vì thế, anh muốn dùng kinh nghiệm của mình để hướng đến phương pháp dạy đấu kiếm sao cho duy trì được đam mê cho người chơi.

"Một người mới tập sau ba tháng có thể đấu đối kháng với bạn tập. Tôi không quá chú trọng về việc người tập phải thuần thục, chuẩn xác động tác như một VĐV. Năng khiếu thể chất cũng như thời gian dành cho đấu kiếm của mỗi người rất khác nhau. Vì thế tôi xây dựng giáo án riêng cho từng thành viên. Về lâu dài, nếu có cơ hội được đào tạo những em nhỏ có năng khiếu và đam mê, tôi sẽ hết sức mình để tìm kiếm tài năng cho đấu kiếm Việt Nam", Vũ Thành An chia sẻ.

Vũ Thành An (bìa phải) và HLV đội tuyển đấu kiếm Việt Nam - Ảnh: FBNV

Vũ Thành An (bìa phải) và HLV đội tuyển đấu kiếm Việt Nam - Ảnh: FBNV

Thành tích của Vũ Thành An

* Vào vòng 16 Olympic Rio 2016 sau chiến thắng kịch tính 15-12 trước á quân Olympic Diego Occhiuzzi.

* 2 HCĐ ở Giải vô địch châu Á 2016.

* 2 HCB SEA Games 26.

* 8 HCV (cá nhân, đồng đội) trong năm kỳ SEA Games liên tiếp từ 28 - 32.

* VĐV cầm cờ cho đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Rio 2016, Asiad 2018, SEA Games 29 - 30 - 31.

Vũ Thành An là kiếm thủ số 1 Việt Nam suốt nhiều năm qua - Ảnh: FBNV

Vũ Thành An là kiếm thủ số 1 Việt Nam suốt nhiều năm qua - Ảnh: FBNV

Giúp người tập có phong thái điềm tĩnh trước mọi áp lực

Trong số các học viên mới nhất của CLB Việt Nam Royal Fencing, anh Đoàn Anh Vũ (40 tuổi) đã chọn theo tập lâu dài chỉ sau một buổi trải nghiệm.

Anh Vũ cho biết: "Từ bé, tôi đã thích đấu kiếm. Nhưng môn này chỉ có các trung tâm huấn luyện VĐV chuyên nghiệp mới có. Vì vậy, việc Thành An mở CLB là cơ hội cho tôi được thỏa mãn đam mê từ bé. Tôi có học võ, boxing nên hiểu được những lợi ích của đấu kiếm mang lại cho thể chất cũng như tinh thần người chơi. Nó giúp cơ thể nhanh nhẹn, hoạt bát và quan trọng là phong thái điềm tĩnh trước mọi áp lực".

Còn với anh Đặng Đức Trung (32 tuổi): "Tôi biết đấu kiếm từ bé qua phim ảnh. Đến khi du học ở Anh, tôi tiếp xúc với đấu kiếm trong trường học. Đây là môn thể thao phong trào khá phổ biến ở Anh. Tuy nhiên khi về Việt Nam, phong trào đấu kiếm gần như không có. Có thể nói Vũ Thành An là người đầu tiên xây dựng phong trào đấu kiếm ở Việt Nam. Đây là một bước đi rất đáng được khích lệ bởi môn này dễ tham gia. Mặt khác, nó chi phí không cao khi bắt đầu học như mọi người vẫn nghĩ về một môn thể thao quý tộc. Đấu kiếm yêu cầu thể lực, thể chất không quá cao và an toàn hơn các môn đối kháng trực tiếp khác. Môn này giúp người tập tăng khả năng vận động, tập trung và phản xạ".

Vừa chăm con vừa đấu kiếm tại Asiad 19Vừa chăm con vừa đấu kiếm tại Asiad 19

Ở tuổi 30, vận động viên đấu kiếm Ulyana Pistsova phải cân đối giữa việc làm mẹ với thi đấu kiếm tại Asiad 19.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp