|
Cán bộ Chi cục Thú y TP.HCM lấy mẫu nước tiểu heo tại một lò mổ để xét nghiệm tồn dư chất cấm - Ảnh: Hoàng Lộc |
Giá heo cao cộng với chế tài không đủ mạnh nên nhiều người vẫn bất chấp hậu quả, còn cơ quan hữu quan vô vọng trong kiểm soát.
Trong đợt kiểm tra các trang trại vừa được triển khai, cơ quan chức năng của Đồng Nai tiếp tục phát hiện 4 trang trại có sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi.
Kiểm tra là phát hiện
Từ giữa tháng 3-2016, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đồng Nai tiếp tục mở đợt kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại 40 trang trại trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu. Kết quả kiểm tra nhanh (test nhanh nước tiểu heo) đã phát hiện 4 mẫu dương tính với các chất cấm (chiếm 10%). Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, tạm ngưng di chuyển ra khỏi trại với các đàn heo nói trên và đưa mẫu đi phân tích định lượng.
Trong 3 mẫu đã cho kết quả (1 mẫu đang phân tích) có 1 mẫu dưới ngưỡng phân tích và 2 mẫu vượt ngưỡng phân tích nhiều lần. Trong đó, mẫu thử từ trang trại của ông T. (thị trấn Vĩnh An) với tổng đàn trên 1.000 con phát hiện cả hai chất cấm là salbutamol và clenbuterol với nồng độ lần lượt là 10,6ppb và 1,23ppb (ppb là hàm lượng chất cấm trên 1 mẫu).
Ngay lập tức cơ quan chức năng của Đồng Nai đã buộc chủ hai cơ sở vi phạm nói trên phải ngừng ngay việc sử dụng các thành phần thức ăn gây dương tính với chất cấm và phải tiếp tục nuôi đàn gia súc, gia cầm đến khi kiểm tra lại có kết quả âm tính mới được xuất bán dưới sự giám sát của UBND thị trấn Vĩnh An. Chi cục Thú y Đồng Nai cũng đang hoàn thiện thủ tục để xử phạt các hộ nói trên với mức phạt 15 triệu đồng/hộ.
Đây không phải lần đầu tiên cơ quan chức năng của Đồng Nai phát hiện tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Theo ông Trần Văn Quang - chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, các năm qua Đồng Nai thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra đối với các hộ chăn nuôi và lần nào cũng phát hiện vi phạm với tỉ lệ 10-20%.
Chỉ riêng năm 2015, Đồng Nai đã lấy 386 mẫu bao gồm cả mẫu thức ăn và mẫu nước tiểu để xét nghiệm chỉ tiêu chất cấm. Kết quả phân tích đã phát hiện 47/386 mẫu (12,17%) dương tính với salbutamol. Trong 47 mẫu dương tính, có 1 mẫu thức ăn lấy tại trại và 1 mẫu thuốc thú y.
Ngành nông nghiệp Đồng Nai đã ban hành quyết định xử phạt đối với 26 cơ sở (25 trang trại, mức xử phạt 15 triệu đồng/trang trại; 1 nông hộ nhỏ lẻ, mức xử phạt 7,5 triệu đồng) với tổng số tiền 382,5 triệu đồng.
Ngoài ra, cơ quan hữu quan đã chuyển 17 hồ sơ vi phạm chất cấm cho Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Đồng Nai để truy xuất nguồn gốc chất cấm.
Chấp nhận nộp phạt
Ông Trần Văn Quang cho hay kết quả thanh tra, kiểm tra năm 2015 và đầu năm 2016 cho thấy tỉ lệ các cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm tương đối cao và rất khó kiểm soát.
Tỉ lệ các mẫu phát hiện có dư lượng chất cấm chiếm từ 10-20% rất cao cho thấy tình trạng sử dụng chất cấm trong dân khá phổ biến và nghiêm trọng. Hơn nữa, thời gian qua, Đồng Nai mới chỉ tập trung kiểm tra các trang trại chăn nuôi (quy mô từ 100 con trở lên), còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hai năm nay không tiến hành lấy mẫu thì không rõ.
Bởi chỉ tính riêng Đồng Nai đã có trên 1.500 trang trại nuôi heo quy mô lớn, hơn 20.000 hộ nuôi nhỏ lẻ phân bố trên địa bàn rất rộng, với lực lượng hiện có không thể kiểm tra được hết số trang trại chăn nuôi.
Ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết đơn vị này đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo hiện trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo có thể gây hại đến người nuôi khi người tiêu dùng tẩy chay. Hiệp hội đã tổ chức nhiều cuộc họp và gặp gỡ các hội viên đề nghị cam kết không sử dụng chất cấm.
“Nhưng quan trọng vẫn là hình thức xử phạt phải tăng lên mới đủ sức răn đe các hành vi vi phạm” - ông Công cho biết.
Giải thích về việc dùng chất cấm trong chăn nuôi, bà H., một chủ trang trại ở thị trấn Vĩnh Cửu, cho rằng việc sử dụng chất cấm là do vô tình khi mua các loại nguyên liệu đậm đặc về pha trộn thức ăn cho heo ăn.
Khi đoàn kiểm tra phát hiện vi phạm, bà H. đã chủ động không dùng cám tự trộn nữa mà chuyển qua cám công nghiệp để heo thải hết chất cấm và sẵn sàng nộp phạt.
Tuy nhiên, một cán bộ tại thị trấn Vĩnh An thừa nhận sau khi phát hiện người dân dùng chất cấm, lực lượng liên ngành đã lập biên bản và buộc người vi phạm cam kết giữ lại đàn heo trong hai tuần để kiểm tra lại. Tuy nhiên, do không đủ nhân lực nên rất khó để cơ quan chức năng địa phương kiểm soát được tình hình vận chuyển heo ra vào các trang trại mà chỉ kiểm tra theo đầu con.
Theo Chi cục Thú y Đồng Nai, thực tế thời gian qua cho thấy có một số trại heo chống đối nên không kiểm tra được (đóng cửa trại); một số trại khi phát hiện có chất cấm phải tuân thủ tiếp tục nuôi đàn gia súc đến khi kiểm tra lại có kết quả âm tính thì mới được xuất bán, nhưng họ không tuân thủ mà vẫn lén lút xuất bán hết đàn heo hoặc bán hết đàn heo có chất cấm và mua đàn khác về bỏ vào đó thay thế, tuy nhiên chưa có quy định chế tài đối với hành vi này, và hơn nữa là sự thiếu trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương trong phối hợp quản lý đàn heo.
Bóc gỡ nhiều đường dây kinh doanh chất cấm Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, ông Phạm Tiến Dũng - trưởng phòng thanh tra chuyên ngành Bộ NN&PTNT - cho rằng tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thời gian qua đã đến mức báo động, đặc biệt là ở hai địa phương Đồng Nai và TP.HCM. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đã cử tổ công tác đặc biệt vào phối hợp với các cơ quan chức năng tại bốn tỉnh thành gồm TP.HCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An nhằm phát hiện người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thương lái ép trang trại sử dụng chất cấm và các công ty sản xuất phân phối chất cấm. Và để ngăn chặn tình trạng này, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công an đã vào cuộc triệt phá một số đường dây sản xuất phân phối chất cấm quy mô lớn. Điển hình, tháng 8-2015, hai đơn vị này “đột kích” bắt quả tang một công ty sản xuất thuốc thú y ở Q.Tân Phú (TP.HCM) đang sản xuất nhiều mặt hàng thuốc kháng sinh bị cấm sản xuất. Cơ quan chức năng nghi vấn công ty này có sử dụng nhóm beta-agonist (salbutamol, clenbuterol, ractopamine) trong các sản phẩm. Đặc biệt, cuối năm 2015 sau nhiều tháng đeo bám, lực lượng C49 (Bộ Công an) cùng thanh tra Bộ NN&PTNT đã bóc gỡ thành công đường dây kinh doanh chất cấm trong chăn nuôi tại Công ty TNHH thủy sản Seabird ở Q.Bình Thạnh do ông Trần Văn Bùi làm giám đốc. Ngoài ông Bùi, cơ quan chức năng còn bắt bốn người khác là những “mắt xích” quan trọng trong việc phân phối, tiêu thụ sản phẩm chất cấm để “ăn” tiền chênh lệch. |
Nhiều trường hợp tái phạm Theo Chi cục Thú y TP.HCM, từ đầu năm đến nay đơn vị đã xử phạt đối với 28 thương lái (tổng đàn trên 1.500 con) vi phạm (đa số tái phạm nhiều lần) về hành vi kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi với tổng số tiền 395 triệu đồng. “Trong số các tỉnh, Đồng Nai là địa phương có nhiều heo dính chất cấm nhất khi có tới 12 lô trong tổng đàn trên 600 con. Hàm lượng chất cấm trong heo ở mức trung bình khoảng 600ppb (ppb là hàm lượng chất cấm trên một mẫu), cá biệt có một số mẫu hàm lượng chất cấm rất cao gần 10.000ppb, tức gấp 5.000 lần mức cho phép” - ông Khương Trần Phúc Nguyên, trưởng phòng thanh tra chuyên ngành thú y Chi cục Thú y TP.HCM, nói. Tình trạng sử dụng chất cấm trong heo tăng báo động còn được thể hiện qua 4 đợt thanh tra trong năm 2015 do Chi cục Thú y TP.HCM chủ trì. Cụ thể, thanh tra đợt 4 tại 14 cơ sở giết mổ Chi cục Thú y phát hiện 8 lô dương tính với chất cấm, trong đó Đồng Nai chiếm đến 5 lô. Đặc biệt, đáng chú ý khi kết quả thanh tra đợt 1, 2, 3 trước đó lại cho thấy lượng heo sử dụng chất cấm tăng cao, trong đó Đồng Nai - địa phương cung cấp lượng lớn heo cho các lò giết mổ ở TP.HCM - lại “đứng đầu” danh sách. Theo ông Nguyên, so với giai đoạn năm 2015, thời gian gần đây việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tuy có giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. “Phần lớn thương lái đều ý thức được việc sẽ bị phạt nặng, thậm chí tiêu hủy nếu bị phát hiện sử dụng chất cấm. Do vậy, họ chủ động mua những bộ test chất cấm giá chỉ từ 60.000 - 80.000 đồng để kiểm tra chọn lọc heo tại các trang trại trước khi mua” - ông Nguyên cho biết. |
E ngại thịt không nguồn gốc Lo ngại trước tình trạng chăn nuôi sử dụng chất cấm, nhiều người tiêu dùng chọn cách hạn chế ăn thịt heo mà chuyển qua các loại thịt khác như gà, thủy sản. Nhiều người chỉ dám ăn thịt heo khi biết rõ nguồn gốc từ các điểm bán thịt heo có chứng nhận VietGAP mà thành phố mới triển khai trong thời gian qua. Một số người tiêu dùng khác tự gom lại với nhau thành những nhóm, nhờ người thân của một thành viên ở quê nuôi heo theo kiểu truyền thống rồi giết thịt chuyển lên thành phố hằng tháng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận